Phan Tấn Uẩn - truyện ngắn
Phan Tấn Uẩn
Dưới Chân Trường Sơn
truyện ngắn
Về
truyện ngắn DƯỚI CHÂN TRƯỜNG SƠN:
Phóng Sự “ Trên Đường Về Nhớ Đầy” ( được Giải Thưởng VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG DÂN TỘC của báo Tiếng Nói Dân Tộc) tôi viết dựa vào lời kể của một người bạn cùng khóa đi hành quân không đụng giặc lại gặp một bà mẹ kiểu Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Phóng sự nầy sau đó được điều chỉnh lại cho phù hợp với văn phong của một truyện ngắn văn chương và gởi cho tuần báo Khởi Hành .Viên Linh ,thư ký tòa soạn đã đổi tựa thành Dưới Chân Trường Sơn và đăng trên Khởi Hành số 13 (bộ cũ trước 1975).
Bút hiệu Trần Phong ký vào bài đầu tiên là một tình cờ, ngẫu nhiên. Đọc một tài liệu sưu tầm đăng nhiều kỳ trên một nhật báo , nói về hoạt động của một đội quân bí mật mà viên sĩ quan chỉ huy có bí danh là Trần Phong , chỉ huy phó là Trần K.T. Tôi đã chọn tên hai nhân vật nầy làm bút hiệu. Trần Phong xuất hiện rất nhiều trên các báo những năm 1960. Đến khi xuất hiện trên tuần báo văn học nghệ thuật Khởi Hành ,thì xẩy ra bước ngoặt khiến tôi phải từ bỏ bút hiệu nầy. Khi gởi truyện cho nguyệt san Văn với bút hiệu nầy, thì Trần Phong Giao ,thư ký tòa soạn , gởi cho tôi một bức thư đánh máy , nói rằng có người bạn của ông gọi điện thoại hỏi tại sao ông lại sử dụng bút hiệu cũ để đăng bài trên Khởi Hành. Ông cho biết Trần Phong là tên người con trai của ông đã mất lúc còn nhỏ, ông thương nhớ con nên đã lấy tên con làm bút hiệu lúc còn ở miền Bắc. Vào Nam ông đã không dùng bút hiệu nầy nữa. Ông đề nghị tôi bỏ bút hiệu nầy. Từ đó tôi ký tên thật Phan Tấn Uẩn trên những sáng tác . Việc nầy tôi đã có dịp nói cho Viên Linh biết khi nhắc lại bút ký Dưới Chân Trường Sơn của tôi đăng trên Khởi Hành số 13 (bộ cũ) .Trước đó tôi cũng đã dùng nhiểu bút hiệu khác trên các nhật báo , như Phan Duy , Trần K.T , Vũ Phan …
Phóng Sự “ Trên Đường Về Nhớ Đầy” ( được Giải Thưởng VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG DÂN TỘC của báo Tiếng Nói Dân Tộc) tôi viết dựa vào lời kể của một người bạn cùng khóa đi hành quân không đụng giặc lại gặp một bà mẹ kiểu Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Phóng sự nầy sau đó được điều chỉnh lại cho phù hợp với văn phong của một truyện ngắn văn chương và gởi cho tuần báo Khởi Hành .Viên Linh ,thư ký tòa soạn đã đổi tựa thành Dưới Chân Trường Sơn và đăng trên Khởi Hành số 13 (bộ cũ trước 1975).
Bút hiệu Trần Phong ký vào bài đầu tiên là một tình cờ, ngẫu nhiên. Đọc một tài liệu sưu tầm đăng nhiều kỳ trên một nhật báo , nói về hoạt động của một đội quân bí mật mà viên sĩ quan chỉ huy có bí danh là Trần Phong , chỉ huy phó là Trần K.T. Tôi đã chọn tên hai nhân vật nầy làm bút hiệu. Trần Phong xuất hiện rất nhiều trên các báo những năm 1960. Đến khi xuất hiện trên tuần báo văn học nghệ thuật Khởi Hành ,thì xẩy ra bước ngoặt khiến tôi phải từ bỏ bút hiệu nầy. Khi gởi truyện cho nguyệt san Văn với bút hiệu nầy, thì Trần Phong Giao ,thư ký tòa soạn , gởi cho tôi một bức thư đánh máy , nói rằng có người bạn của ông gọi điện thoại hỏi tại sao ông lại sử dụng bút hiệu cũ để đăng bài trên Khởi Hành. Ông cho biết Trần Phong là tên người con trai của ông đã mất lúc còn nhỏ, ông thương nhớ con nên đã lấy tên con làm bút hiệu lúc còn ở miền Bắc. Vào Nam ông đã không dùng bút hiệu nầy nữa. Ông đề nghị tôi bỏ bút hiệu nầy. Từ đó tôi ký tên thật Phan Tấn Uẩn trên những sáng tác . Việc nầy tôi đã có dịp nói cho Viên Linh biết khi nhắc lại bút ký Dưới Chân Trường Sơn của tôi đăng trên Khởi Hành số 13 (bộ cũ) .Trước đó tôi cũng đã dùng nhiểu bút hiệu khác trên các nhật báo , như Phan Duy , Trần K.T , Vũ Phan …
Xin kèm theo trên đây mấy mẩu LƯU DẤU mà tôi rất thích đã giữ kỹ (PTU)
Khoảng chín giờ sáng, toán trinh sát chúng tôi âm thầm tiến
vào khu vực quận Đại Lộc, Quảng Nam. Mặt trời đã lên cao. Con bóng trải dài
dưới chân tôi thu ngắn hơn. Nắng bắt đầu hắt những tia lửa rát và bỏng trên
thịt da. Hành trang chúng tôi mang theo trong chuyến lục soát nầy cũng giống
những lần trước. Ba lô gói gọn những thứ quân dụng cần thiết, chúng tôi còn
chừa đủ hai tay tự do hầm hè hờm súng trước bụng. Giữa khoảng đồng ruộng, chúng
tôi đang trên hướng tiến vào một ngôi làng. Cánh đồng lúa không trĩu nặng hạt,
không cao dềnh dàng hiên ngang trước những cơn gió mùa, không nhìn ngợp mắt như
một cánh đồng miền Nam. Với kích thước cây lúa khẳng khiu thấp bé, người ta
dùng liềm cắt luôn một lượt cả rơm lẫn tót trong mỗi vụ gặt, có khi đập rời lấy
thóc ngay tại ruộng. Tôi nghĩ đến vựa thóc dồi dào miền Nam. Những chuyến công
tác trên những chuyến xe đò qua các miền quê lục tỉnh, những cánh đồng lúa no
nê hạt trĩu xuống như những con vịt bầu bày ra trước mắt. Nó trái ngược với
những gì ở vùng đất khô cằn sỏi đá nầy.
Từ
khoảng mênh mông ruộng lúa với mồ mả gò đống nhìn xa xa là lũy tre thôn xóm, cứ
như thế, một khung cảnh quen quen bày ra rất khó phân biệt vùng đất Thừa Thiên –Quảng
Nam đối với một khách lạ mới đến. Nếu những bộ bà ba đen và giọng nói địa
phương thiếu vắng, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang đứng giữa một cánh đồng
thuộc một trong hai xứ ấy.
Cách khoảng hai trăm thước, chúng tôi làm những thủ hiệu cần thiết chuẩn bị mọi
bất trắc trước khi tiến vào làng. Tin tình báo cho hay có một toán võ trang du
kích đột nhập mở đường cho một đơn vị lớn tiến theo sau. Chúng tôi có nhiệm vụ
lục soát ngôi làng để một đơn vị bạn sắp đến lập vòng đai an ninh bảo vệ. Trong
phần vụ nầy, nếu gặp địch, chúng tôi phải tìm cách thanh toán tùy theo khả năng
và hỏa lực đồng thời báo cáo cho đơn vị bạn phía sau. Nhiệm vụ đặt chúng tôi
trước đầu gió ngọn sóng.
Định mệnh như hình với bóng theo sát chúng tôi và sẳn sàng gõ
giờ báo tử. Bởi lẽ, chúng tôi lúc nào cũng trống trãi chơi vơi, còn địch
thì ẩn nấp, bố trí trong những bụi rậm chung quanh. Ưu thế chủ động chiến thuật
địch hoàn toàn nắm giữ, nên có thể dễ dàng tương kế tựu kế ăn gỏi chúng tôi.
Lúc
được biệt phái qua phục vụ ở đây, nỗi sợ hải e ngại không khỏi làm tôi rùng
mình. Nhưng những chuyến đi thập tử nhất sinh dần dần biến chúng tôi thành ra
chai lì và quen thuộc hẳn. Tuy thế, trước những giây khắc hồi hộp chờ đợi theo
từng bước chân lần mò tìm đến mục tiêu, những con mắt hừng hực sắt lửa cũng
phải e dè. Những bước tiến không phải hoàn toàn đẹp đẽ như những thiên anh hùng
ca thường diễn tả. sau lũy tre là một rặng dừa. Trong bóng râm âm u dưới những
tàng lá đó đang có gì chờ đợi chúng tôi ? Chúng tôi đổ dồn những cặp mắt về
hướng ấy. tay ghì súng kỹ hơn, những nòng súng chĩa mũi vào đó. Tất cả đều mang
dấu khả nghi. Hàng tre rặng dừa đứng im phăng phắc. Không một cánh chim lai
vãng. Thiếu vắng tất cả mọi hoạt động. Phải chi lúc nầy tôi nghe được tiếng
chim hót thì không khí chết chóc đang bủa vây nơi đây sẽ bớt nặng nề biết mấy.
Đối với tôi, trên bình diện ý thức, không còn gì có thể so sánh với ngôi
làng nầy để làm tiêu biểu cho bộ mặt chiến tranh hơn nữa. Hình ảnh chiến tranh
ở đây thật lạ lùng. Nó không mang những cảnh tượng đỗ nát hoang tàn, nhưng có
không khí nghẹt thở với sự im lặng rợn người đến nổi cảnh vật phải im hơi.
Chúng
tôi dàn hàng ngang cẩn thận tiến chậm từng bước trong tư thế chiến đấu. Không
ai bảo ai, chúng tôi dồn tất cả mọi chú ý vào một lùm cây đang lay động. Hình
như có những đầu người nhấp nhô ? Họ đang rình xét chúng tôi ? Nhưng tại sao họ
chưa nổ súng ? Hay sợ lộ mục tiêu ? Những bước tiến càng gần những nghi ngại
càng được phát hiện. Sau lùm cây nằm giữa hai thân dừa, quả thật có bốn đầu
người chụm lại, hình như họ đang áp sát, rúc đầu vào nhau tìm cách che chở
nhau. Khi đã đến gần, tôi đưa tay làm hiệu cho đồng bọn dừng lại và hét lớn :
- Ai ?
giơ tay lên !
Không có tiếng trả lời. Tôi lập lại tiếng thét, lần nầy
nghe ghê rợn hơn :
- Ai ?
Giơ tay lên không tôi bắn...
Bốn
đầu người từ từ lên cao. Hai bé gái, một
bé trai và một bà già hiện ra. Bà lão giơ hai tay khỏi đầu và bước ra chỗ
trống. Ba đứa bé lấm lét nhìn bà, cũng đưa những cánh tay vụng về giơ lên và
bước theo sau. Khi chúng tôi nới lỏng tay súng ập vào, bà lão quỳ xuống đất. Bà
chắp tay cúi mình lạy lia lịa trong lúc từng giọt nước mắt rơi lả chã xuống má.
Chiến tranh dường như đã múc cạn nước mắt bà lão. chắc hẳn bà muốn khóc
thật lớn cho giòng nước kia tuôn xối xả ra ngoài để khóa tắt những họng súng,
nhưng không thể được. Bà chỉ im lặng và biểu lộ ước muốn bằng những cử động lạy
lục run rẩy. Ba đứa bé đưa mắt nhìn bà, bắt chước quỳ gối lạy chúng tôi. Chúng
tôi quên mất điều mà đối phương có thể sử dụng bà lão ở đây như một mưu
kế. Nhưng đây không phải là lối ngụy trang dối trá, mà là một thảm cảnh
đứt ruột của người dân quê Việt Nam. Bà lão trước mắt chúng tôi đó, thân gầy
đét, gương mặt chằn chịt vô số nếp nhăn, những nếp nhăn đủ tố cáo tội lổi tày
trời do cuộc chiến gây ra - đói khổ mọi mặt mọi điều. Bộ bà ba đen không khác
nào đang bọc nắm xương khô. Tôi liên tưởng đến một thân thể đầy đủ thịt da với
chùm quang tuyến X rọi rõ lên cái bộ xương cách trí rả rời dài lỏng khõng. thật
không còn gì quý hơn cái sống, bởi lẽ bà lão dù đã gần đất xa trời, sống để
nhận chịu đủ thứ cực hình, bà vẫn bám sống. Hai đứa bé chỉ nhận diện ra chúng
là con gái nhờ ở hai mái tóc kẹp thõng thả xuống. Với trạc tuổi mười, mười hai,
chúng không khác gì con trai. Từ lớp da sạm nắng đến những cử động cứng cỏi
trên một thân thể chắc thịt, tôi thấy chúng đã mất hết nữ tính. hẳn nhiên chúng
đã làm tất cả những công việc dành cho con trai : cắt cỏ, chăn trâu, gánh
lúa...Đứa bé trai trông nhỏ tuổi nhất. Nó ngơ ngác nhìn từ người nầy qua người khác
trong lúc hai tay vẫn đưa lên hạ xuống như một cái máy. Chúng tôi không thể nào
ngờ được một tình huống xẩy ra kỳ lạ như thế.
Thấy
bà lão vẫn còn lạy, tôi cất tiếng :
- Bà đứng dậy, không can gì đâu .
Bà vẫn còn run sợ, tiếng nói yếu ớt van lơn :
- Lạy các thầy ! Lạy các thầy !
- Không, chúng tôi không bắn đâu .
Bà lão buông tay đứng dậy nhìn chúng tôi thầm vẻ cám ơn. Chúng tôi hỏi Việt
cọng ở đâu trong làng, bà lão nói họ đã rút đi vào sáng sớm. Yện tâm một chút,
cái tình người trong mỗi con người chúng tôi bắt đầu trỗi dậy. Không còn giọng
sắt máu nữa, chúng tôi hỏi bà lão giọng nhẹ hơn:
- Sao bà núp ở đây ?
Bà lão đã xưng "cháu" khi trả lời chúng
tôi :
- Cháu thấy mấy thầy ngoài ruộng cháu sợ quá...
Trong
thế lưỡng nan khó xử nầy, tôi nghĩ bà lão đã hành động lúng túng kể cũng hợp
lý. Tuổi già và trẻ nít không cần phải chạy trốn [phe phái ý thức hệ nào hết.
Nhưng khi đối diện với nòng súng trong gang tấc, bà lão chẳng thể phản ứng
thích hợp nào hơn. Sợ quá đâm bối rối, bà lão đã xử trí như thế. Mức độ sợ hãi
của bà tùy thuộc hoàn toàn vào cử chỉ, nét mặt chúng tôi. Thấy bà lão đã trấn
tỉnh lại, tôi hỏi :
- Nhà
bà ở mô ?
Bà lão
chỉ tay vào một căn nhà thấp tè. Căn nhà mái lợp tranh vách trát đất như phủ
bằng một màu trắng bạc. Bà cho chúng tôi biết Việt cọng đã lùa hết dân
làng theo họ, chỉ để lại người già, con nít. người con trai và dâu bà cũng có
mặt trong đám người đó. Ba đứa ni - bà vừa chỉ tay vừa nói - là cháu nội của
"cháu". Mấy "cháu" ở làng "mần" ruộng khổ
cực lắm mấy "thầy" ạ !... Lời bà lão hết sức đơn sơ giản dị,
nhưng phải nghe từ cửa miệng bà thốt ra mới thấy rõ nỗi thống khổ bà đã chịu
đựng. Chúng tôi cố nén ép xúc động, bắt đầu chia từng toán lục soát. nắng trưa
có phần dịu xuống. Đảo mắt nhìn con đường đất, con xóm nhỏ, tôi có thể phác họa
trong trí nếp sinh hoạt hằng ngày ở làng nầy.
Những
dấu chân trâu in sâu ở mé hàng tre. Toán gặt lúa đi qua bỏ rơi rớt đằng sau
những chẹn lúa già cỗi nằm lẫn lộn với mấy cọng cỏ khô . Những bãi phân trâu
màu sậm đen bốc lên mùi hôi hăng hắc. Cây tre nằm vắt ngang như một cầu vồng
trên đầu giữa đường làng... Cảnh trí làng hoàn toàn đầy đủ, chỉ thiếu mất những
vai trò hoạt động tạo dựng đời sống. Chúng tôi dù đã mệt mỏi và trí óc căng
thẳng sau mấy giờ hành sự, vẫn kéo nhau tiếp tục hành trình. Bà lão dẫn lũ cháu
theo sau, năn nỉ chúng tôi vào nhà uống nước. Thật đúng lúc cho chúng tôi nghỉ
ngơi, nhưng đành phải từ chối lòng tốt của bà. Từng nhóm nhỏ chúng tôi chia
nhau tuần hành, lục soát trên những con xóm. sau đó chúng tôi họp nhau ở đình
làng. Tình hình khả quan, không có gì xẩy ra. Chúng tôi báo ngay cho đơn vị bạn
phía sau. Trút được gánh nặng, chúng tôi nằm soãi dài nghỉ lưng trên thảm cỏ
úa, dưới bóng cây cao. Hình ảnh bà lão và ba đứa cháu trở về khuấy động trí
óc...
Xong
công tác, chúng tôi trở về vào buổi chiều trên một lộ trình khác lúc xuất phát.
Xuất hành năm giờ chiều, khoảng một giờ sau, chúng tôi men theo con đường đất
trắng đục trở về căn cứ. Vùng trời mênh mông dựng lên nỗi buồn trống vắng đè
nặng tâm hồn lữ khách. Mặt trời rơi lõm giữa hai sườn núi vĩ đại, đỏ ngắt
như một hòn lửa giết người. Bóng những trái núi trùm lên cả một khoảng rộng
dưới chân. Những tia nắng tím thẩm xẹt ngang trên đầu đám cây rừng.
Một
phần dãy Trường Sơn hun hút nằm trong nội địa Quảng Nam.Những trái núi hùng vĩ
soãi mình gợn sóng với những triền dốc vi vút hiểm nghèo. Nép vào con đường đất
trắng đục, những luống khoai cằn cỗi hằn lên nổi xót xa đói khổ. Những luống
khoai lổ chỗ từng vũng sâu do những trái đạn đại bác múc xoáy. Những mảnh đất
trắng khô còm cõi như một thân thể bệnh hoạn. Một khóm nhà tranh lưa thưa xiêu
đổ nằm sau các luống khoai. Không gian đờ đẫn vắng lặng thật ma quái. Tôi nghe
nỗi buồn thấm sâu xương tủy, nỗi buồn mênh mang bao vây chung quanh.
Nhìn
vào khóm nhà lá không thấy một bóng người. Cảnh điêu tàn trải ra hết sức nặng
nề. Từng căn nhà đổ nát, sập hẳn một mái, thủng một góc do những trái đạn oan
cừu phá nát. Những thân cây trên các sườn nhà phơi giữa mưa nắng lâu ngày trông
đã mục rã. Những đám cỏ cao, leo quanh hè, bám luôn vào các vách tường đất.
Khoảnh đất làm sân trước một căn nhà đã hóa thành bãi cỏ hoang. Không có dấu
vết gì chứng tỏ có bước chân người dẫm đạp lên miếng đất nầy. Một giếng nước
sứt mẽ hết cả miệng, càng lúc càng bị lấp vùi theo thời gian, bên cạnh còn in
dấu đạn cày xới mặt đất. Tất cả đều mất hết sinh khí. Chúng tôi không hiểu đám
dân nguyên ở khóm nhà nầy đã kéo nhau đi lánh nạn chỗ nào ? Bên nầy hay bên kia ? Hay đã chịu số phận của một Sơn Chà, Dakto ?
Có điều gì đó tỏa ra chung quanh ngột ngạt, uất ức nằm im lìm không dám lên tiếng.
.. Tôi tự chửi mình bằng một câu triết lý vụn... Mẹ tổ...chủ nghĩa với chủ
thuyết. Hãy dành cho những thằng ăn no rỡn mỡ, uống một ngày tám ly whisky ngồi
tán dốc bên mấy con đĩ thời đại. Không giải quyết được một bảo đảm tối thiểu
cho một đời sống vật chất và tinh thần của thằng dân đen. Tôi đố các
"ngài" làm nên đại sự. Niềm ước muốn nhỏ nhoi được yên ổn làm ăn kiếm
sống, thằng dân đen chờ đợi hoài hủy cũng không được các "ngài" ban
cho. Các ngài la hét om sòm chuyện quốc kế dân sinh trên bộ xa lông, bên cạnh những
bàn tiệc sang trọng dọn sẵn, trong lúc những quả bom, những tái đạn vẫn tiếp
tục ngày ngày rơi xối xả một cách hỗn hào chó má lên đầu thằng dân chúng tôi...
Đang
miên man với những cảm nghĩ lộn xộn rối rắm trong đầu, tôi bỗng ngạc nhiên đứng
sững lại. Một bà già - thêm một bà già trong chuyến công tác lịch sử nầy
- đang ngồi bới đất trên đám khoai. Tôi
vẫy tay ra dấu cho đồng bạn biết sự xuất hiện lạ lùng của bà. Chúng tôi quá đủ
ngạc nhiên. Thằng bạn người Nam đi gần tôi có thói quen, hễ gặp chuyện gì lạ,
hắn mở miệng văng tục ngay. Nhìn bà lão, hắn lắc đầu xệ mặt xuống :
-
Đ.M... Cảm động quá mậy...
Bà già
hình như chẳng cần chú ý đến chung quanh, lúi cúi xới từng cục đất, mò từng củ
khoai. Tôi nghĩ đến hình ảnh " Bà Mẹ Gio Linh " của Phạm Duy. Mới hay
chiến tranh Việt nam luôn luôn có những Bà Mẹ Gio Linh...
Rừng
chiều nặng nề u ám. Buổi chiều như có những nhịp thở thoi thóp. Mặt trời sắp
chôn mình sau núi. Từng cơn gió rù rì
thổi lành lạnh như có mang theo nọc độc. Cảnh tượng buồn bã quá. Tôi bước nhanh
về phía bà lão để trông rõ hơn. Cố nhìn quanh quất thật chăm chú, tôi vẫn không
thấy một đứa cháu đứa chắt nào lai vãng gần đó. Đơn độc chỉ một mình bà lão
ngồi bới khoai. Robinson khi lạc trên hoang đảo, tôi vẫn tưởng tượng nó là
người anh hùng có cú đấm ngàn cân. Còn bà lão, trước sau vẫn là thân già sức
yếu...
Tôi
vừa đi vừa nghĩ ngợi mung lung không còn tâm trí nào nhìn ngắm những gì chung
quanh nữa. Những bước chân mệt mỏi rã rời, hình như tôi nghe tiếng hát...
Trên đường về nhớ đầy.
Chiều chậm đưa chân ngày.
Tiếng buồn vang trong mây.
Tiếng buồn vang trong mây...
(Dương
Thiệu Tước - Hồ Dzếnh )
*
Thuận,
Tao đã
viết xong bút ký, viết tặng mầy trước hết. Mầy đọc đi . Tao muốn viết xong ngay
từ hơn tháng nay, nhưng có lẽ vì mang quá nhiều ẩn tình và xúc động, tao đã
không thể viết đủ năm hàng mỗi lần đặt bút xuống giấy. Mỗi ngày không viết ra
là mỗi ngày tao khổ sở như có hàng vạn ẩn ức đè nặng trên đầu... Cứ đi để ngạc
nhiên. Cứ ngạc nhiên để tiến bộ. Mầy nói đúng lắm. Nhưng mầy đi không phải như
người đi khai phá thế gian. Trái lại, mầy đi tao ngại quá. Mầy biết tao
thương mầy chứ ? Mỗi lần nghe đoàn thiết giáp Kim Ngưu rầm rộ nghiền nát
con đường Lê Trung Đình, tao chạy ra hớp mắt kiếm mầy ngồi trên thùng xe.Tao
biết hể xe tank bỏ trại mà chạy là có chuyện. Mầy để xe tank mang ra khỏi thành
phố, tao lo quá. Ngày mai, biết còn...
Nhớ
lại cái chiều hôm nham nhở mầy vẫy tay chào tao trong lúc những vòng xích sắt
cuốn hút mầy đi, tao không biết tiển mầy bằng cách nào. Gặp lại mầy, tao nửa
mừng nửa tủi không muốn nhắc lại cái hôm hồi hộp đó, nhưng mầy vẫn kể tao nghe
trận đánh vừa qua. Thì ra, hễ mầy vắng mặt là có đánh nhau , giết nhau.
Hễ mầy không ở trong thành phố là mầy đi hành quân bắn giết. Những lúc đó, mầy
đâu có nói gì, phải không ? Mầy im lặng , rình rập và lãy cò. Cả những lúc ngồi với tao trong quán kem Thanh
Thủy, mầy cũng đâu có nói gì , phải không ? Ở đâu mầy cũng im lặng. À
,thế mà mầy đã nói quá nhiều đó Thuận...
Mầy không nói nhiều sao tao hỏi gì mầy cũng trả lời đôm đốp rõ ràng làm
tao tin mầy quá cở. Bằng chứng là cái bút ký nầy. Nếu không có mầy làm sao tao
viết được. Bà lão, ba đứa bé và Bà Mẹ Gio Linh làm mầy cảm động muốn khóc. Mầy
kể tao nghe qua hai hàng mi rưng rung. Tao viết ra thành lời tao rất cám ơn
mầy. Đó, mầy không nói. Nhưng mầy đã nói quá nhiều. Mầy nói cho quê hương nghe,
cho anh em bạn bè đồng bào mầy nghe. Tao tin chắc ai cũng muốn nghe mầy kể mầy
nói, và sau khi nghe xong, biết mầy đã thật sự có mặt trong đó, ai cũng thương
mầy. Mầy không nói mà nói nhiều bằng hành động. Hành động một cách khốn nạn
khốn khổ. Mầy sống để tức tửi để không nói thành lời. Chắc mầy hiểu vì sao tao
thương mầy rồi. Tao không cần nhắc lại
nữa vì tao chúa ghét giả dối. Nhưng tao phải nhấn mạnh điều nầy, mầy chính là
đứa con đích thực của Người Mẹ Việt nam. Cũng như những người không bao giờ
huênh hoang những lời ái quốc ái quần, chỉ biết im lặng xót xa trước thảm trạng
quê hương, âm thầm chịu chung số phận hẩm hiu của đất nước, mầy đã làm tao
thương mến vô cùng.
Nhưng
thương mầy bao nhiêu , tao muốn tục tĩu vào mặt cái bọn người chuyên làm trò
khỉ hôm nay bấy nhiêu. Bọn chúng là ai chắc mầy biết. Đó la một bọn hề, mở miệng ra thì nói toàn cả
mỹ từ, chẳng chó nào thèm nghe. Những cái thùng rỗng đựng xác thối. Tao muốn khạc nhổ vào đó. Không nói ra, nhưng
tao nghĩ mầy đã ẩn giấu quá nhiều sâu kín thắc mắc trong lòng. Mầy chính là
người Việt cô đơn như nhiều người thường nói , phải không ?
Nhưng
, không đâu, vì ít nhất mầy vẫn còn một người hiểu mầy. Đó là tao, bạn mầy.
Đúng không , Thuận ? .
Phan Tấn Uẩn
Trích KHỞI HÀNH (Số 13 - Bộ cũ)
© gio-o.com 2018
Comments
Post a Comment