ĐÀO TRUNG ĐẠO thi sĩ / thi ca (117) Edmond Jabès



ĐÀO TRUNG ĐẠO
 (117) 
Edmond Jabès

Trong Je bâtis ma demeure (1945-1959) Jabès nhằm biểu đạt mối quan tâm về văn tự: Thi sĩ lưu đầy, vô xứ đi tìm một quê hương trong tính chất phi thực của ngôn ngữ. Còn mối quan tâm về Do thái giáo chỉ bắt đầu khi Jabès viết quyển Le Livre des Questions. Gabriel Mounoure cho rằng ở Je bâtis ma demeure mối quan tâm về văn tự đó coi như một giao ước thi ca nhằm cân bằng chức năng của đời sống với sự dấn thân tinh thần, còn tra hỏi về Do thái giáo chưa lộ rõ. Khi viết tập Parcours (1985) – khoảng cách thời gian bốn mươi năm sau – nhìn lại lộ trình thi ca đã đi qua – đi qua chứ không phải là hoàn tất vì với Jabès luôn là sự bắt đầu hay một bắt đầu lại – Jabès đã đặt toàn thể tác phẩm của mình dưới dấu chỉ của vết thương nguyên ủy (la blessure originelle), nơi cư ngụ của thi ca đã bị phá hủy:
                        Nơi cư ngụ của tôi đã bị phá hủy: sách của tôi, thành tro tàn.
                        Trong những tro tàn này, tôi vạch những đường.
                        Trong những đường này, tôi đặt những từ của sự lưu đầy vào đó.[18]
 Như vậy lộ trình thi ca này đã đi từ vết thương, tang chế nguyên ủy sang lưu đầy. Với khở đầu là sự “vượt ngưỡng” từ sa mạc sang quyển sách. Nhưng để nhận rõ hơn lộ trình thi ca của Jabès giữa Je bâtis ma demeureLe Parcours chúng ta cần xét đến sự trung chuyển, bắc cầu của quyển  Le Livre de Dialogue giữa hai tác phẩm kể trên. “Nơi cư ngụ của tôi đã bị phá hủy” vậy từ nay tiếng nói thi ca còn có thể nào che chở thi sĩ kẻ cư ngụ trong đó? Thi sĩ nay đã là kẻ hai lần lưu đầy – lưu đầy khỏi thế giới và lưu đầy khỏi chính mình – ngôn ngữ thi ca sẽ cư ngụ ở đâu? Từ Nơi cư ngụ của tôi đã bị phá hủy Jabès dần dần chỉ ra ý nghĩa của mối liên hệ thiết yếu gắn liền thi sĩ với sinh mệnh người Do thái và “vạch ra những con đường trong tro tàn.” Ngôn ngữ, những “từ của bộ lạc” (mots de la tribu) nay không còn ý nghĩa – không còn ý nghĩa chẳng phải vì đã lão hóa, căn cỗi, đã bị sử dụng mòn cũ băng hoại – nhưng vì ngôn ngữ đó đã mất khả năng nói lên, mô tả thảm họa đã xảy ra không thể nói lên được (indicible). Cho nên ngôn ngữ thi ca từ nay đã trở thành vấn đề, thành câu hỏi, ngôn ngữ thi ca quay trở lại tra vấn chính sự khả hữu hay bất khả hữu của nó. Để thi sĩ có thể tiếp tục cất tiếng. Lựa chọn của Jabès: “...vạch những đường. Trong những đường này, tôi đặt những từ của sự lưu đầy vào đó.” Những nét vạch trong tro tàn này tuy không hẳn là những dấu chỉ (signes) bởi chúng không chỉ về một cái gì ngoài qui chiếu về chính chúng – những vocables, những từ im lặng của lưu đầy – tạo thành văn tự thi ca. Nhưng chúng cũng chính là điều kiện của mọi ý nghĩa khả hữu.
Jabès mở đầu bài Dialogue entre la Vie et la Mort dans le Mot//Đối thoại giữa Đời sống và cái Chết trong Từ của quyển Le Livre du Dialogue bằng mẩu đối thoại sau đây:
   Tôi, hắn nói vậy, là trang viết cho đời sống; cũng như cái chết, với tôi, là trang sách tôi đọc.
   “Chính vì thế văn tự vừa là kích thước và hủy kích thước của cái chết.
   “Anh đọc cái anh đã là; anh biến tha nhân thành người đọc tương lai của anh.
   “Như thế, đời sống, sẽ chỉ là, trong quyển sách, con đường đi từ bất khả độc sang khả độc đạt
     tới và, đồng thời, đã mất.”
   Và hắn nói thêm: “Đời sống là Khả độc, cái chết, Được Chọn Lựa.
   “Đối thoại ẩn mật, trong sự không nghe thấy càng lúc càng tăng và càng lo âu, tiếp diễn trong   
     cõi sâu thẳm không thể tiếp cận của chính chúng ta.”[19]
Bản văn này được xây dựng trên những cặp đối nghịch: đời sống/cái chết, tôi/hắn, văn tự (viết)/đọc, quá khứ/tương lai dưới hình thức một cuộc đối thoại nhưng lại chỉ có một trong hai kẻ đối thoại cất lời. Tuy nhiên, nằm lẩn dưới đối thoại ẩn mật “tăng dần và xao xuyến hơn” tận đáy lòng này (hắn chẳng thể dọ hỏi, không thể khác) chúng ta có thể nhận ra những nét cơ bản của văn tự thi ca (écriture poétique) len lỏi trong sức căng giữa ý nghĩa và vô nghĩa, giữa sống và chết trong cuộc tìm kiếm vocable/từ của sự im lặng đã bị lột bỏ mọi ý hướng cho vào đó một ý nghĩa định trước của Edmond Jabès. Những từ này nói lên một sự vắng mặt nguyên ủy hơn bất kỳ nguồn cội nào, chúng mang nặng sự mất mát – một mất mát không sở hữu – nhưng lại là vành khăn tang.
Trong Le Livre du Dialogue Jabes đã viết những từ này “trên bề mặt gợn sóng của một làn gió”[20]. Theo Stéphane Mosèschúng không tạo thành sâu chuỗi liên tục mà tạo thành những “chùm” (constellations) – dùng lại từ này của Walter Benjamin – những đơn vị thi ca (unités poétiques) vừa gắn kết vừa bị những sức căng băng qua, luôn luôn ở ven bờ của sự sụp đổ, đứt đoạn cân bằng; những chùm này, đến lượt chúng, vừa đáp lời vừa đối nghịch nhau, khi chúng xuất hiện dần dần tạo thành một không gian thi ca không ngừng trải rộng, một kết cấu tiếng nói tạo nên bởi những tràn đầy và những trống rỗng, của những xác quyết lập tức bị chối bỏ, những câu hỏi không có câu trả lời, những câu trả lời cho những câu hỏi chìm khuất, những phỏng đoán được đưa ra và ngay sau đó bị bác bỏ: sự xuôi chảy chậm rãi của một việc kết dệt luôn luôn được làm lại, ở đó, thông qua những luân phiên của nói và xóa bỏ nói, thông qua những biến thiên tài tình của một số mô-típ ám ảnh, không ngừng phân chia tuyến đường của cùng một sự tra hỏi.”[21]

____________________________________________
[18] Edmond Jabès, Le Parcours trang 104:
                Ma demeure est détruite; mon livre, en cendres.
                Dans ces cendres, je trace les lignes.
                Dans ces lignes, je mets des mots d’exil.

[19] Edmond Jabès, Le Livre du Dialogue trang 12:
DIALOGUE ENTRE LA VIE ET LA MORT DANS LE MOT
“Je suis, disait-il, page d’écriture pour la vie; comme la mort, pour moi, est le page que je lis.
“C’est pourquoi l’écriture est, à la fois, mesure et démesure de la mort.
“Tu lis ce que tu a été; tu fais, d’autrui, le lecteur de ton avenir.
“La vie, ainsi, ne serait, dans le livre, que ce passage de l’illisibilité à la lisibilité atteinte et, en même temps,
  perdue.”
  Et il ajoutait: “Éligible, la vie. Élue, la mort.”
“Le dialogue, occulté, dans sa croissante et angoissante inaudibilité, se poursuit au tréfonds inaccessible de nous-
  même.”
[20] Edmond Jabès, Le Livre du Dialogue trang 11: Nous aurons écrit sur la surface ondulante d’un souffle!
[21] Stéphane Mosès, Edmond Jabès: D’un passage à l’autre trong Écrire le Livre, Autour d’Edmond Jabès trang 46-47.

(còn tiếp)
ĐÀO TRUNG ĐẠO
     ______________________________________

Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM