Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

 

lê thị huệ

Vũ Khắc Khoan
Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

tản mạn

 

Bây giờ là mùa thu, mùa của trời đất giao tình cùng cây là và lòng người. Gió nhẹ nhàng lướt qua mặt cỏ. Đất lâm râm bốc mùi ngái rạ. Trời ngả ngớn thả những cụm mây loang. Và chao ơi, lá vàng rơi lả tả ngập lối đi. Lá vàng phủ kín những con đường khô chết. Lá vàng ấp ủ những hàng cây trơ vơ ngửa mặt chờ ân tình. Mùa thu nơi đây đẹp lâng lâng não lòng. Mùa thu lên men hồn chàng lãng tử. Mùa ngây ngây lòng người tư chức hồi hưu đang xới đất sau cánh vườn nhà. Mùa thu cũng khơi dậy bao vết sầu đau trên chiếc lưng tỵ nạn của cô học trò nhỏ.

Có một mùa thu cũ, nơi khuôn viện sân trường của Viện Đại Học Đà Lạt, cô học trò nhỏ quần bò áo bạc tóc đuôi tôm đến giảng đường. Mùa tựu trường ấy rộn ràng bao tiếng cười xô lệch bàn ghế. Mùa thu ấy làm rối bời bao cặp mắt ướt hoen xuân tình của sinh viên Đà Lạt. Mùa thu lá xanh ấy thơm tho những trang vở, những bạn hữu, những tình nhân, và những ảo ảnh.

Mùa khai trường ấy còn có những gì. Ồ, một giảng đường Minh Thành.

Minh Thành! Minh Thành! Minh Thành!

Cái giảng đường văn khoa bé tí của Viện.

Những buổi trưa "Trời không nắng cũng không mưa. Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung". Vào cái khoảng tra trưa lớ chiều, non canh giờ tiếng gà xao xác sau vườn rau lưng Viện, ngồi chống tay trong cái phòng học có khung cửa sổ là nguyên một vách tường bằng kính trong, nhìn bóng kịch tác gia Vũ Khắc Khoan lững thững từ ngoài cổng "đào nguyên" bước vào. Lúc ấy thời giờ đang buông thả trên nóc Nhà Thờ Con Gà. Lúc ấy chiều đang chạy lan man trên Đồi Cù. Nắng đang nhẩn nha gội trưa trên Hồ Xuân Hương Đà Lạt. Ba giơ chiều ở Đà Lạt. Bọn sinh viên Văn Khoa bảo nhau: Chiều nay ba giờ hẵng đến lớp nhé. Giờ Chủ Đề Văn Học của thầy Khoan mà. Ổng là vậy đó. Không một không hai, mà là ba. Giờ của riêng ông. Giờ Riêng Của Thầy. Vậy mà Viện Đại Học nào trúng số độc đắc mới mời được ổng. Vậy mà giờ của Vũ Khắc Khoan là sinh viên đến chật ních giảng đường, sinh viên khoa bạn kéo ghế ngồi tràn ra cửa nghe ké lời ổng nói. Ba giờ chiều, cái giờ còn bùi giấc ngủ trưa, giờ mà thiên hạ đâu đấy đã yên ổn với công việc cho nên lòng ta mới thanh thản. Giờ của nắng qúai mưa phất làm giàn trên lối vào giảng đường Minh Thành.

Một chàng lãng tử ? Một Lão Tử tân thời ? Một người mẫu của Rodin ? Hay tất cả nhào nắn lại. Lững thững trên lối đi vào Minh Thành. Một bọn học trò, mấy nàng tiên nữ đang bứt bông bứt lá đâu đấy, vội vàng dời gót ngọc, lẽo đẽo theo thầy vào giảng đường.

Cánh cửa gỗ trắc Việt Nam hé mở. Đủng đỉnh xiêm áo. Áo sơ mi trắng tinh, khăn choàng cổ tím. Tóc bạc hun cao bồng bềnh như chỏm núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn. Vét xám. Giày Sè Gòng láng cóng. Ống vố màu nâu Paris. Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan bước lên bục gỗ.

Đạo diễn mở màn

Trên chiếc bục gỗ ấy nhà hiền nho Trần Trọng San vỗ rì rào những giòng thơ Đường ngọt tuyệt vời. Thầy Phạm Văn Diêu cháu Phạm Văn Đồng sang sảng: Kiều, Người Lữ Hành Cô Độc. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế độ lượng đút tay vào túi quần quay những câu hỏi về văn chương Việt Nam rất rõ rệt. Còn nhà sáng tạo Vũ Khắc Khoan với hai chữ "Vấn Đề" bay trên từng ngụm phù vân khói thuốc lá

Vấn Đề. Vấn Đề là ... Vấn Đề một ra Thần Tháp Rùa. Vấn Đề hai ra Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa. Vấn Đề ba ra Thành Cát Tư Hãn * ...

Trên chiếc sân khấu gỗ ấy chiếc bàn có phủ khăn vải sô, những đóa hoa hồng Đà Lạt thắm mới mang ở khu chợ Hoà Bình về, một nhúm lá thông rất xanh trong chiếc lọ con đơn sơ. Nhân vật Vũ Khắc Khoan trang phục điệu nghệ. Phía dưới bọn học trò say sưa xem thầy giảng và diễn. Hồ Thị Thủy đã hoạ xong bức tranh và chuyền tay "Ê, xem tao vẽ ông Khoan đẹp chưa"

Nhân vật bắt đầu bằng những động tác kịch tính nhất. Màn kéo là hai ngón tay đưa lên vuốt sóng mũi, là một cái nhíu cong xệch lông mày. Mười mấy năm trên bục gỗ ấy chưa bao giờ Vũ Khắc Khoan mỉm cười hay bật cười, dù học trò có khôi hài, dù ổng ghẹo cả lớp cười nghiêng ngả

Nhạc đệm là tiếng gõ lốc cốc của chiếc hộp quẹt diêm Tây. Ánh sáng là những lọn khói bay lững lơ trên đầu lớp học

Tiếng ngâm bắt đầu ngân vang: "Cũng trong một tiếng tơ đồng. Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm." Vấn đề là cười nụ. Vấn đề là khóc thầm. Thế nào là cười nụ. Thế nào là khóc thầm. Một hài. Một bi. Đạo diễn Khoan lại đổi màn. Một cụm khói thuốc bay lan man qua đầu lớp học. "Dưới cầu nước chảy trong veo. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha." Cả thầy lẫn trò lơ ngơ nhìn qua khung cửa kính vĩ đại của giảng đường Minh Thành II. Những cây như liễu ven Hồ Xuân Hương Đà Lạt như đang đuổi xua nhau về đậu bên ngoài. Thầy và trò Văn Khoa như ngây ngây với cái nắng Đà Lạt hiu hắt ba giờ chiều. Trò tí tóay khắc dăm câu thơ lên giấy. Thầy gom về trong đáy mắt buổi chiều thu lê bước phong sương quanh Hồ Gươm mấy mươi năm về trước. Phải là giọng Bắc Hà Nội trước 1975 của một người đàn ông ngoài năm mươi đọc lên mấy câu thơ của Nguyễn Du, thời lớp học mới cảm nhận được cái êm đềm của nắng thu và dáng liễu quấn quýt vào nhau quanh hồ. Đạo diễn đổi màn. Tiếng gõ lốc cốc lốc cốc của chiếc hộp quẹt diêm Tây. "Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Tiếng láy tiếng nhấn rất "kịch tính" ghém vào "quay", "búng", "trên trời", "mờ mờ", "nhân ảnh", "như người" .... Chiếc miệng nhấc môi, đôi cánh mũi đỏ au, cái chân mày nhíu lại, mái tóc bạc phất phơ trên vòm trán: Trên khuôn mặt ấy nét ngạo nghễ thách thức của kiếp người không ngừng phô trương. Trong tiếng ngâm ấy nét tra vấn của kẻ sáng tạo không ngừng tuôn chảy

Những giờ học Chủ Đề Văn Chương cứ như vậy mà nối tiếp nhau. Trên bục gỗ người nghệ sĩ vung tay đưa đẩy những nhịp phách của những bản hoà tấu Đoạn Trường Tân Thanh, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm lên xuống khích lệ những đường giây trí não của khán giả. Dưới bục gỗ những tên học trò khép nép hoà điệu vào bản hoà tấu chữ nghĩa đang trải ra trước mặt. "Các anh chị nhớ rằng đấy chỉ là một Cái Cớ" Câu nói Vũ Khắc Khoan thường dùng nhất, khi khuyên học trò nên tra hỏi đời sống, nên đòi hỏi trong tác phẩm, nên lật ngược nhân vật, nên làm nền cho nghệ thuật

Thầy cũng chỉ là một Cái Cớ

Nhạc chiều vẫn chầm chậm buông lơi ngoài cửa kiếng Minh Thành II

Đã qua rồi những mùa thu cũ, những mùa tựu trường rộn ràng bãi cỏ, chiếc cầu, con dốc dẫn lên giảng đường Minh Thành. Nắng thu đã khô queo mầu thổ huyết. Trời đất đã ngoảnh mặt che lưng. Lòng người đã điên cuồng giãy dụa dưới lớp áo màu Cộng Sản Chủ Nghĩa. Thôi đừng nói chi đến Sáng Tạo, đến những cõi Mộng, chỉ làm yếu lòng người nam sinh viên cũ đang Chiến Đấu ...

Ở đây đóa hoa hồng nằm khô chết cong queo trên miền lái vành xe. Hồn hoa lang thang. Những mùa thu lót lá vàng không bóng dáng thầy cô, bạn hữu, và tình nhân. Một mình một ngựa lầm lũi đến campus. Thân xác lướt đi trên những ngả university lanes mà hồn thì vật vờ không nơi nương tựa. Những cánh cổng Thiên Thai Khách rộng mở bát ngát. Những bước chân của một Kẻ Lạ Trên Thiên Đường hun hút và bơ vơ. Nỗi bơ vơ của những Từ Thức biết rõ đâu là Mộng đâu là Thực, mà vẫn bị đẩy xô vào những cõi thiên đàng lạnh.

Lấp lóe đâu đấy trên ngả đường lữ thứ lưu vong, có những ngọn bạch lạp hắt ra từ cái "Ga Xép" Vạn Hồ. Những ngọn lửa hiu hắt của người thầy giáo cũ dù đã cuối đời vẫn cố vươn toả ánh đèn trí tuệ thăm thẳm của con đường sáng tạo.

Những ánh nến sẽ chẳng bao giờ phụ công đứng thắp. Vì cứ hàng năm khi mùa thu cựa quậy ngoài thềm cửa, khi mùa khai giảng chuyển động trong sân trường. Cô học trò nhỏ lật giở từng trang báo Đất Mới chưa ngả màu vàng ố, cố tìm trên ấy chút bóng dáng mùa thu năm xưa, váng vất chiếc sân khấu bục gỗ Minh Thành II. Hồn tìm về cơ Mộng.

Cơ nhập đồng run run hiện lên những giòng chữ thân quen:

"Trời: (sốt ruột)
- Tìm về mày để làm cái thá gì ?
Cuội:
- Để xin một chút Mộng. Con là người làm Mộng.
Trời:
- Mộng. Mộng là cái gì ?
Cuội:
- Mộng là hoa của thực tại.
**

 

Lê Thị Huệ

(Trích từ một số báo Văn cũ, do nhà văn Mai Thảo xuất bản tại Hoa Kỳ khoảng giữa thập niên 1980 dưới tựa là Giờ Riêng Của Thầy. Bản mới đăng lại trên Gió O có cắt sửa đôi chút)

* Tên các tác phẩm của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan
** Tuần báo Đất Mới, xuất bản tại Seatle, Hoa Kỳ, tháng Hai, năm 1982. Vũ Khắc Khoan, Lộng Ngôn

 

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM