kịch Nguyễn thị Hải Hà


 
photo: Nguyễn thị Hải Hà
Mối Tình Có Thật – Nguyễn thị Hải Hà
kịch ngắn - một màn

Quang cảnh: chợ trời Sài Gòn sau năm 1975. Khoảng bốn hay năm giờ chiều, mặt trời sắp lặn, bóng của các tòa nhà cao đổ dài trên mặt đường. Những người đang có mặt ở chợ bao gồm:

Sương, 24 tuổi, gái điếm, rất xinh đẹp.

Thơ, 20 tuổi, sinh viên, phụ mẹ bán hàng

Thầy Tu, 70 tuổi, mặc quần áo nâu, đầu trọc.

Công Chức, 54 tuổi, chuyên làm nghề viết thư, làm đơn thuê.

Xích Lô, 43 tuổi, ế khách ngồi chờ.

Sương mặc váy ngắn, trang điểm nhạt, có vẻ như một nhân viên văn phòng ngồi sát vào chân tường trong bóng mát, trên một cái ghế đẩu thấp chân duỗi dài. Thơ ngồi gần, lui cui xếp nồi hầm, bàn ủi điện, máy đánh trứng, vào thùng, chuẩn bị dọn hàng. Ông Công chức và ông Xích Lô đang chăm chú vào bàn cờ trước mặt hai người. Ông Đạo ngồi chồm hổm ngó ra bến xe đò chờ chuyến ra khỏi thành phố.



Sương (nói giọng như ngâm thơ, mắt mơ màng): Bữa đó khuya lắm rồi, mưa lâm râm, ảnh đến công viên như đã hẹn. Chị chờ ảnh dưới cái cổng hoa từ đầu hôm. Vừa lạnh vừa sợ. Ảnh còn run rẩy hơn chị. Mặt ảnh tái mét. Ảnh móc trong cái túi dết đeo bên hông ra đưa chị một cái gói, gói bằng giấy báo nhựt trình. Trong đó là cây súng lục. Không biết làm sao mà ảnh có súng lại còn mang đi ngoài đường. Rủi bị người ta xét cái túi ấy là bỏ mạng.

Thơ (lơ đãng, nói nhỏ không nhìn ai): Ghê thiệt. Bởi vậy người ta thường nói đừng có đẩy mấy anh sinh viên ngây thơ vào chân tường. Đến chừng tuyệt vọng mấy ảnh liều mạng hạng nhất.

Sương: Ảnh nói giọng nhỏ xíu, nhẹ nhàng nhưng rất quan trọng. Bé cưng ơi…

Xích Lô (nghe lóm, khịt mũi, lập lại, kéo dài giọng.)Bé cưng ơi… . Con nhỏ này xạo tổ cha. Làm như là gái nhà lành thứ thiệt.

Công chức: Nói nhỏ nhỏ thôi, cha nội, coi chừng cổ nghe cổ chửi cả chú lẫn tôi. Chú biết cổ rành lắm hả?

Xích Lô: Biết chớ. Biết quá là đằng khác. Nghề của tui mà ông. Tui chở cổ đi ngõ này sang ngõ khác mấy năm nay. Cổ là dân nhà quê, dốt đặc, lên Sài Gòn kiếm việc làm. Cổ chê ở đợ ít tiền còn bị khi dễ. Được cái tướng mình dây, tóc dài, cổ xin làm trong mấy cái bar, cũng nhảy dù nhảy diếc này nọ. Có tiền rủng rỉnh cũng nhờ mấy cô bán bar chỉ cách ăn mặc cho đúng thời trang. Ngồi đâu cũng cố đưa cặp giò dài ngoằng ra khoe. Gặp cậu sinh viên này cổ đeo riết. Gặp ai cổ cũng khoe “cẩu” yêu cổ thiệt tình. Cẩu thấy cổ mặc áo dài, trên tay ôm mấy quyển sách đi dọc trên bến Bạch Đằng cẩu làm quen với cổ, tưởng cổ là học sinh trường trung học gần đó. May là thằng nhỏ không viết thư tình, nếu không thì cổ phải thuê người ta đọc cho cổ nghe. Nghe nói ba của thằng nhỏ làm chức gì lớn lắm.

Công chức (đưa tay đẩy con cờ): Quan lớn thời nào thì ngon chứ bây giờ là sợ thấy tổ. Chẳng biết bị bắt lúc nào, bị đuổi đi lúc nào. Có gì đâu mà vinh hạnh khoe khoang nữa chứ. Ai nói cổ đẹp chứ tôi thấy cổ xấu ỉn à. Tuy là dáng người mảnh mai, nhưng trán trợt, mũi hỉnh, gò má cao, mặt có góc cạnh, trông dữ.

Sương (giọng tâm sự): Ảnh nói, cưng à. Ba má anh không cho phép anh gặp em nữa. Ba má hăm đuổi anh ra khỏi nhà, cắt tiền ăn và học của anh nếu anh cứ tiếp tục yêu em. Vì lẽ đó nên anh không còn muốn sống nữa. Sống làm gì nếu cuộc đời không có em. Ảnh vừa nói vừa quơ quơ cây súng trước mặt chị làm chị sợ hết hồn. Cây súng to lắm, trong ấy có cả mười viên đạn đó em. Chị nói với ảnh. Em sẽ không bao giờ quên được người tình lãng mạn như anh, Anh Tánh ơi.

Thơ (cười, giọng châm biếm): Súng gì mà đến mười viên đạn lận chị. Thường thường súng nhỏ cầm trên tay chỉ có sáu viên đạn thôi mà. Bởi vậy người ta mới gọi là súng lục. Mà chị có chắc đó là súng thật không? Coi chừng súng giả đó. Romeo thời xưa chỉ xài thuốc độc thôi. Romeo thời nay xài súng. Còn Juliet thời bây giờ tính sao nếu Romeo tự tử.

Sương (ngồi thẳng lên, giọng tò mò): Hả? Rô mê ô là gì?

Thơ (dịu giọng): Không phải là gì mà là ai. Tôi nói đùa. Chị đừng để ý.

Xích Lô (giọng trêu chọc): Cô Sương à, cô nói gì? Ăn bánh hả? Bánh ngon không?

Công Chức (bật cười): Chú này lỗ tai điếc. Cổ gọi tên người yêu của cổ là anh Tánh. Chú chắc đói bụng nên chỉ nghĩ đến bánh. Cô Sương à! Hôm trước cô nói người yêu của cô tên là Chánh mà! Chánh và Tánh là hai người khác nhau hay chỉ là một người? Sao người yêu của cô đổi tên liền liền vậy? Mà cô có chắc là cậu ấy thành thật với cô không?

Xích Lô (cười cợt, chế nhạo): Chắc cô đọc tiểu thuyết nhiều quá. Vậy mà người ta nói là cô không biết chữ.

Sương (đang ngồi đứng phắt lên): Mấy người câm họng đi. Tại sao mấy người dám nghĩ là anh ấy không thành thật. Mấy người biết gì về chuyện tình yêu của tôi chứ. Bộ tôi hèn kém quá không xứng đáng được yêu thương à? Mấy người tưởng mấy người cao cả lắm à? Thật ra thời buổi này, mấy người cũng chẳng là cái thớ gì cả. Bất quá cũng chỉ là một lũ chó dại mèo hoang tận cùng dưới đáy của xã hội. Mấy người làm gì hiểu được tình yêu – và nhất là một mối tình chân thật chứ. Còn tôi, dù tôi chẳng là gì, nhưng tôi biết thương yêu. Tôi có tình yêu, một mối tình chân thật. (Quay về hướng ông Công Chức) Tôi thương hại cho ông! Dù ông có học thức, nhưng ông cư xử như một kẻ thất phu. Mới hôm qua hôm kia ông van nài đòi mua một vài giờ hưởng thụ thân xác của tôi. Ông quên rồi sao?

Thầy Tu (nãy giờ ngồi yên lặng ngó ra bến xe đò, nghe chuyện bắt đầu sôi nổi, lên tiếng): Thôi, đừng lớn tiếng với nhau, cho tôi can, tất cả mọi người. Để yên cho cô ấy tâm sự. Đừng để ý đến các ông ấy, cháu gái, cháu cứ nói tiếp đi.

Công chức (phân bua và cãi chối): Đừng nói điêu. Tôi đòi ngủ với cô lúc nào. Tôi làm nghề viết đơn mướn, cả ngày trời nhiều khi không đủ bữa ăn cho mấy đứa con. Làm gì dám trèo leo với “nữ sinh” (gằn giọng) như cô. Mà cô nói đi, tại sao một người thanh niên có học con nhà chức phận lại dan díu với cô chứ.

Xích Lô: Tình yêu chân thật! Tô điểm vẽ vời cho lắm vào. Tôi cũng chạy ăn từng bữa cho đám con nheo nhóc ở nhà. Thời buổi này làm gì có tình yêu mà chân thật với không chân thật.

Thơ (nói nhỏ riêng với Sương): Chị đừng để ý đến họ. Có lẽ họ ganh tị vì chị có cuộc sống thoải mái hơn họ.

Sương (ngồi xuống lại): Chị hết muốn kể rồi. Kể làm gì bởi vì họ không tin chị, rồi còn cười chị nữa. (Sương đột ngột ngưng nói, vài giây sau lại mắt nhắm lim dim, nói to, tay đánh nhịp nhàng theo lời nói như thể nghe tiếng nhạc vang vọng từ nơi xa xăm nào đó.) Thế rồi chị nói với anh ấy. Hoàng tử của lòng em ơi. Em cũng thấy giống như anh vậy. Thật khó mà sống trong xã hội này. Em thật sự yêu anh và vì thế em sẽ tiếp tục yêu anh ngày nào trái tim em còn đập nhịp nhàng trong lồng ngực. Nhưng, em xin anh, đừng hủy hoại cuộc đời tươi trẻ của anh. Cha mẹ anh cần có anh bởi vì anh là niềm vui của cha mẹ. Còn em! Anh hãy quên em đi. Cứ để em đau đớn dằn vặt với mối tình vô vọng và vì thương nhớ anh. Em chẳng có người thân thuộc. Cái loại người như em không bao giờ có người thân yêu. Cứ mặc em, để cuộc đời em bị hủy hoại. Em chẳng là gì cả, chẳng đáng giá gì. Em không thích hợp với bất cứ người nào và bất cứ cái gì. (Nàng ôm mặt, đôi vai run run.)

Thơ (quay mặt sang hướng khác, thì thầm): Chị đừng khóc. Tôi mừng cho chị nếu chị có tình yêu, và người yêu chân thật. Không phải ai cũng có những thứ mà chị có, nhan sắc và người yêu.

Thầy Tu, thấy Sương ôm mặt khóc, mỉm cười nhân hậu, vỗ nhẹ lên đầu Sương.

Xích lô (cười khẽ): Quả là con khùng. Vậy mà cũng khóc

Công Chức (cười to hơn): Ông ngoại nè, ông thấy chuyện này có thể tin được không? Cô ấy chỉ kể lại câu chuyện cô đọc từ quyển tiểu thuyết cô đang đọc kia kìa. Tình Tuyệt Vọng. Toàn là chuyện xạo không à. Đừng tin cô ta.

Thơ (giọng hơi gắt gỏng): Mấy chú làm sao thế? Mấy chú phải nhẹ lời chứ. Dẫu sao chị ấy cũng là con gái. Mấy chú nói như thể không có chút tình người còn sót lại trong lòng của mấy chú. Chỉ có những người cao cả phẩm giá mới được đặc ân có tình yêu và được yêu thương à?

Sương (vẻ hằn học): Những người ác độc.

Thầy Tu (kéo nhẹ chéo áo của Sương): Thôi cháu. Đừng để ý họ. Hãy bình tĩnh lại. Ông biết - Ông tin lời cháu. Ông tin câu chuyện cháu kể là chuyện có thật. Tình yêu có thật hay không có thật là tùy thuộc trong tâm của cháu. Nếu cháu yêu cậu ấy thành thật và tin rằng cậu ấy cũng thành thật yêu cháu, thì đó là tình yêu có thật, ít nhất là ở trong tâm hồn của cháu. Ngay cả khi tình yêu không thành thì nó cũng là tình yêu thật sự. Ông tin như thế. Đừng giận ông Công Chức và ông Xích Lô. Có lẽ các ông ấy chế nhạo cháu chỉ vì tính ghen tị. Không phải ai cũng tìm được một tình yêu chân thật trong đời. Có lẽ ông ấy chưa hề có tình yêu. Thôi đi cháu. Ông sẽ đưa cháu về quê, nơi chùa của ông tu. Ở đó cháu có thể sống yên ổn.

Sương (bàn tay áp lên lồng ngực): Ông ngoại à, ông hãy tin cháu. Cháu nói thật mà. Ảnh là một sinh viên, ở nước ngoài về - Ảnh ấy tên Chánh. Anh ấy có mái tóc bồng, ăn mặc sang trọng. Cháu thích ảnh mang đôi giày da đen mũi nhọn bóng loáng. Cháu bị tiếng sét ái tình chớp nhoáng! Anh ấy yêu cháu nhiều lắm. Ảnh sẽ đưa cháu đi nước ngoài. Ảnh hẹn sẽ đến đây gặp cháu chiều nay.

Thầy Tu (giọng an ủi): Ông biết, ông biết. Ông tin cháu mà. Cậu ấy mang giày da bóng loáng. Và cháu cũng yêu cậu ấy phải không? 



Hai người tiến dần ra bến xe. Nắng chiều rơi dần.



Công chức: Cô điếm ấy đúng là khùng.

Xích lô: Sao có nhiều người thích nói láo quá nhỉ?

Thơ: Lời nói dối nhiều khi làm người ta sung sướng hơn lời nói thật. Cháu nhiều khi cũng…

Công chức: Cũng sao? Nói đi.

Thơ: Cháu thích tưởng tượng. Tưởng tượng ra nhiều thứ, rồi chờ đợi.

Ông Công chức: Chờ gì?

Thơ (mỉm cười vẻ thẹn thùng): Ôi cháu cũng không biết nữa. Tưởng tượng ngày mai, có người đến, một người hoàn toàn khác lạ. Rồi có một điều gì đó sẽ xảy ra, một điều khác lạ chưa hề xảy ra bao giờ. Rồi cháu chờ, chờ mãi. Ồ, mà cháu cũng chẳng biết cháu đang chờ cái gì sẽ đến nữa.

Cả ba người nhìn ra bến xe. Một chàng trai trẻ đến gần Thầy Tu và nói chuyện với Sương. Sương đưa tay ra nắm bàn tay chàng, đầu nhẹ ngã vào vai chàng. Ông Công Chức nheo mắt ra nhìn. Rồi lên giọng.

Công Chức: Ồ! Thằng Khánh! Con trai tôi. Sao nó biết tôi ở đây mà ra tìm. Có lẽ nó đón để chở tôi về. À mà không. Nó không đón tôi. Nó đến gặp cô gái ấy. Lẽ nào… lẽ nào!


Màn hạ.


Nguyễn thị Hải Hà
10. 2018






Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM