ĐÀO TRUNG ĐẠO thi sĩ / thi ca (120)

ĐÀO TRUNG ĐẠO
(120)
Edmond Jabès


Bản văn xoay vòng của Kinh Torah chỉ ra bản chất lưu đầy của người Do thái: văn tự và sự lưu lạc/đầy xảy ra đồng thời. Cả hai cùng phát sinh từ kinh nghiệm bị trục xuất và sự vượt qua khoảng trống vắng do Thượng đế đã bỏ đi. Như vậy sự ra đời của ngôn ngữ cũng trùng hợp với khởi đầu của lưu đầy.Thượng đế trong cơn giận dữ dân tộc Do thái bất tín đã rút lại Lời, tạo một khoảng cách và một vắng mặt. Những bản khắc đầu tiên lời răn của Thượng đế do Moses đem tới Sinai đã bị vỡ nát và bản thứ nhì thay thế được viết ra bằng thứ văn tự đánh dấu khoảng cách Thượng đế đặt giữa Ngài và con người. Theo Gershom Scholem không một ai đã được đọc kinh Torah bản đầu tiên và dân tộc Do thái đã được giao phó bản thứ nhì như được đọc dưới quyền uy của Cây Nhận thức (Tree of Knowledge) và Phân định (Differentiation) cũng còn được gọi là Cây của sự Chết (Tree of Death). [32]  Vì ngôn ngữ ghi Luật tắc của Thượng đế truyền xuống đã không còn là thuần túy nguyên bản cho nên ngôn ngữ của con người chỉ là dấu vết/tích, đoạn rời trong trạng thái lưu đầy khỏi bản viết thiêng liêng và đó chính là văn tự của thảm họa (Écriture du désastre) theo cách nói của Maurice Blanchot. Vì vậy đó cũng là  văn tự lưu đầy. Văn tự này chứa đựng nỗi ám ảnh về nguồn gốc nên thường trực quay trở lại tra hỏi và luận giải về nguồn gốc nó bị cách ly vĩnh viễn nên cần được luận giải. Jacques Derrida nói về sự cần thiết của sự luận giải này: “Sự thiết yếu của luận giải, cũng như sự thiết yếu thi ca, chính là hình thức của lời nói bị lưu đầy. Ở khởi nguyên là thông diễn. Nhưng bất khả tính là chung cùng của việc tái hợp với nơi chốn của bản văn thiêng liêng và sự cần thiết chung cùng của việc sở chú, mệnh lệnh của sự diễn giải này được thi sĩ và giáo sĩ giải thích khác nhau.”[33] Đẩy viễn tượng này xa hơn Jabès trong vấn đáp với Marcel Cohen cho rằng viết chính là giải thích không ngừng về một từ vắng mặt, tức là từ ngôn ngữ bất kiến trong quyển sách của Thượng đế mà ta không thể đọc được: “Mọi diễn giải trước hết là sự diễn giải một niềm im lặng.”[34] Viết vì thế là diễn giải không ngưng nghỉ về một sự vắng mặt mà nó nỗ lực làm cho có mặt. Thế nên Jabès khẳng định: “Mọi quyển sách là không gian của một từ mất tích được viết ra.”[35] Vì xuất phát từ sự mất mát nên văn tự du cư lưu đầy sa xuống hố thẳm của tính trung gian (mediateness – Walter Benjamin), ngôn ngữ không còn khả tính biểu đạt hoàn hảo nguồn cỗi nên bị đặt trong điều kiện của tính chất trung gian, khác biệt, và lập lại và Blanchot cho rằng sự khác biệt giữa bản văn nguyên thủy và với bản băn được diễn giải không thể vét cạn: “Trước hết bởi những Chỉ dẫn Luật tắc, vừa được dấu chỉ thần linh chạm vào, đã bị vỡ (lời nguyền rủa thường hằng, không phải để trừng phạt, nhưng để rút ra sự cấm đoán), và chắc chắn đã được viết lại, nhưng không phải là được tái lập trong nguyên bản của lần đầu, sao cho đó chính là từ một lời nói đã mãi mãi bị phá hủy mà con người học cách rút ra sự bó buộc nó phải nói với con người: không có việc nghe thực sự lần thứ nhất, không có lời khởi đầu và nguyên vẹn, như thể người ta vẫn mãi nói lần thứ nhì, sau khi đã từ chối nghe và cách ly mình với nguồn gốc. Mặt khác [...] bản văn đầu tiên (bản văn này chẳng bao giờ là đầu tiên cả), lời của văn tự [...] đồng thời cũng là, một bản văn được diễn giải không phải chỉ là việc nói lại trong sự đồng nhất của nó, mà còn phải được học hỏi trong sự khác biệt không thể vét cạn của nó.”[36]
Không những thi sĩ sống kiếp lưu đầy, vô xứ mà quyển sách cũng trong tình huống lưu đầy.Hành vi biểu đạt của thi sĩ nhập nội sự lưu đầy và theo chân tất cả những gì hiện ra trong thế giới lưu đầy. Lưu đầy khỏi quê nhà, trong khoảng trống của sự khiếm diện Thượng đế nên Jabès sử dụng những thủ pháp tu từ của văn tự lưu đầy theo một chuyển động nhảy vọt, làm đứt rời sự liên tục của ý nghĩa, chia cách khỏi dòng chảy quen thuộc của văn tự trong trang viết, trong bản văn. Đó là chuyển động rời khỏi tâm điểm với những đứt rời và khoảng trống khiến bản văn bị treo lửng, hóa thành tập hợp những đoạn rời bị chia cắt và tự tại. Derrida cho rằng thủ pháp đoạn rời này của Jabès “không phải là một văn phong hay một thất bại được qui định, mà chính là hình thức của viết.”[37] Ly tâm, tạo khoảng cách, chuyển hướng đột ngột, liên tục làm lại điểm khởi hành để tạo một không gian rộng mở cho những bước lang thang của kẻ du cư lưu đầy không bị giới hạn.
                 Jabès sử dụng khá nhiều sách lược để biểu đạt kinh nghiệm lưu đầy này: ngoại bản văn (parataxis), trùng âm (anaphora), kinh cầu (litany), tỉnh lược (ellipsis)...nhất là nhấn mạnh tới  khoảng trắng của trang giấy, xóa bỏ hay đảo nghịch chữ trong một từ và nhất là trích dẫn (quotation), và đặt câu hỏi. Câu hỏi là sách lược chính yếu kể từ Le Livre des Questions/Quyển sách Câu hỏi (2 tập gần 1000 trang). Những câu hỏi này là lời của những giáo sĩ tưởng tượng. Ở tập 2 Jabès cũng trích dẫn Kafka, Proust, Wittgenstein, Bataille, Leiris, Levinas...Và kể từ Le Livre des Ressemblances Jabès còn trích dẫn cả bản văn của chính mình để in vào bìa sau quyển này. Jabès quan niệm câu văn trích dẫn là đoạn rời trong trạng huống lưu đầy – lưu đầy từ những quyển sách khác – và được di chuyển sang bản văn mới nhưng vẫn giữ được những vết tích. Ngừng lại để trích dẫn do đó chính là làm đứt rời văn mạch. Cũng là cách giải phóng những từ khỏi tù ngục trong bản viết trước đây và để hồi ức quê cũ (là lời/từ của Thượng đế), về nguồn gốc của nó. Trích dẫn, đưa những từ du cư lang thang từ nơi này sang nơi khác để tìm một nơi cư ngụ tạm thời cho chúng. Và khi được đặt vào một văn mạch mới những từ trích dẫn sẽ tạo nên những ý nghĩa mới. Những từ này do vậy phơi lộ bản chất du cư, lưu đầy của chúng.
______________________________
[32] Trích từ Gershom Scholem, On Jews and Judaism in Crisis: Selected Essays trang 82.
[33] Jacques Derrida, Edmond Jabès et la question du livre trong L’Écriture et la Différence trang 102: La nécessité du commentaire est, comme la nécessité poétique, la forme même de la parole exilée. Au commencement est  l’herméneutique. Mais cette commune impossibilité de rejoindre le milieu du texte sacré et cette necessité commune de l’exégèse, cet imperatif de l’interprétation est interpreté différemment par le poète et par le rabbin.
[34]Edmond Jabès, Du désert au livre: Entretien avec Marcel Cohen trang 142.
[35] Edmond Jabès, L’ineffaçable l’inaperçu trang 30.
[36] Maurice Blanchot, L’Amitié trang 254: D’abord parce que les Tables de la Loi, à peine touchées par l’indice divin, furent brisées (la malédiction constante, non pas à punir, mais à retirer l’interdiction), et certes écrites à nouveau, mais non pas restituées dans l’originalité d’une première fois, de sorte que c’est d’une parole toujours déjà détruite que l’homme apprend à tirer l’exigence qui doit lui parler: pas d’entente vraiment première, pas de parole initiale et intacte, comme si l’on ne parlait jamais que la seconde fois, après avoir refusé d’entendre et pris ses didtances à l’égard de l’origine. D’autre part [...] le texte premier (qui n’est jamais un premier texte), parole d’écriture (comme c’est étrange, comme cela donne à réflechir, cette première parole, non pas dite mais écrite, dont l’avènement est celui de la lettre en sa rigeur, qui n’est precedée par rien que par elle-même et n’a d’autre sens qu’une exigence gravée et toujours gravée, est, aussi en même temps, un texte commenté qu’il faut donc non seulement redire dans son identité, mais apprendre dans son inepuisable différence,
[37] Jacques Derrida, Edmond Jabès et la question du livre trong L’Écriture et la Différence trang 108: Le fragment n’est pas un style ou un échec determinés, c’est la forme de l’écrit.
(còn tiếp)
ĐÀO TRUNG ĐẠO

Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM