ĐÀO TRUNG ĐẠO thi sĩ / thi ca (121)


ĐÀO TRUNG ĐẠO
(121)
Edmond Jabès

Chương 3
Quyển Sách
Edmond Jabès trong phần mở đầu quyển Le Livre des Questions nhắc lại lời của giáo sĩ Rida: “Có Quyển Sách của Thượng đế [và] bằng quyển sách này Thượng đế tự tra hỏi và có quyển sách của con người, quyển sách này có tầm vóc quyển sách của Thượng đế.”[38] Trước đó Jabès viết: “Ngươi là kẻ viết và [cũng] là kẻ được viết ra.”[39] Hai câu nói này chỉ ra lộ trình dấn thân vào thi ca của Jabès và cũng chỉ ra những cánh cửa đi vào của quyển sách. Cũng có thể coi hai câu nói này là “mật khẩu” để đi vào thi ca Jabès. Sau tập thơ Je bâtis ma demeure Jabès chỉ viết những quyển sách và những quyển sách này tạo thành phần chính yếu trong toàn bộ tác phẩm của Jabès: Le Livres des Questions/Quyển sách Câu hỏi (1963) gồm 7 chương Le Livre des Questions (1963), Le Livre de Yukel (1964), Le Retour au Livre (1965), Yaël (1967), Elya (1969), Aely (1972), El, ou le dernier livre (1973); Le Livres des Ressemblances (1976). Năm 1990 nhà Gallimard in chung tập này với Le Soupçon Le Désert (1978) và L’Ineffable L’Inaperçu (1980) , Le Petit Livre de la subversion hors de soupçon (1982), Le Livre du Dialogue (1984), Le Livre des Marges (1975, 1984), Le Livre du Partage (1987), Le Livre de l’Hospitalité (1991). Tất cả những Quyển sách Jabès viết có thể coi chỉ là một Quyển Sách nhằm mục đích duy nhất hướng tới Quyển sách không lời – Quyển Sách của Thượng đế – không thể được biểu đạt (inexpressible) chỉ có Cái chết mới có thể viết được. Quyển sách của Thượng đế theo Jabès tuy là quyển sách vĩ đại nhất nhưng lại không thể nhìn thấy vì không được viết ra: Thượng đế đã rút lui khỏi vũ trụ và sự Sáng tạo, để lại khoảng trống rỗng của sự vắng mặt. Đó là Quyển sách của mọi Quyển sách.

Nếu cho rằng Quyển sách của Jabès là một ẩn dụ thì dường như ẩn dụ này không chỉ có một ý nghĩa nhưng mở ra những diện mạo mới từ quyển này sang quyển kế tiếp. Jabès tuyên bố: “Hình thức vô hình của quyển sách là thân xác dễ thấy của Thượng đế.” Tuy quyển sách của Jabès thường qui chiếu về Văn tự và đạo Do thái nhưng không vì vậy cái này là chìa khóa mở ra cái kia dủ cho có sự trở thành đồng nhất giữa nhà văn/thi sĩ với người Do thái. Theo Jabès, quyển sách không phải là một hệ thống khép kín. Để làm rõ ý tưởng này Jabès so sánh Quyển sách với quyển tiểu thuyết. Nhà văn viết tiểu thuyết đi theo một chiều hướng đối nghịch với người viết Quyển sách bởi cả người viết lẫn các nhân vật trong tiểu thuyết đề bị bó buộc nằm trong quyển tiếu thuyết và kéo quyển tiểu thuyết vào tiếng nói của mình. Jabès viết: “Viết một quyển sách có nghĩa liên kết tiếng nói của bạn với tiếng nói thực sự (virtual voice) của những cái lề (margins). Ý tôi muốn nói là lắng nghe những chữ bơi lội trong mực như hai mươi sau con cá chưa mở mắt trước khi chúng được sinh ra cho bạn nhìn thấy, điều này có nghĩa, trước khi chúng chết dấp trong tiếng kêu tình yêu cuối cùng của chúng.”[38]
Chiều kích của Quyển sách của Jabès: hiện hữu đây đó (être ailleurs) và định vị theo cách khác ở đâu đó. Luôn tiến thêm một bước về phía trước như đi trên sa mạc khi vết chân vừa đi bị xóa bỏ. Quyển sách của Jabès cũng là bội nhân những quyển sau kế tục quyển trước nhưng không phải là sự lập lại của chủ thể viết: mỗi quyển sách được viết ra bởi nhiều bàn tay, được viết ra hơn một lần, tiếp tục viết ra trong thời gian. Trong La Mémoire des Mots Jabès viết: “Tay này qua tay kia,” “bàn tay là ở trong tương lai.”
Jacques Derrida dùng phân tích hủy tạo diễn giải về việc quyển sách của Jabès từ ẩn dụ (métaphore) chuyển thành hoán dụ (métonymie): “Đây rõ ràng là vấn đề của một việc làm, một sự giải phóng, một sự nảy sinh chầm chậm của thi sĩ bằng bài thơ mà hắn ta là người cha. Như vậy thi sĩ là chủ thể của quyển sách, là bản thể và chủ nhân của quyển sách, cũng là người phục vụ và chủ thể của quyển sách. Và quyển sách cũng rõ ra là chủ thể của thi sĩ, hữu phát ngôn và nhận thức, kẻ viết trong quyển sách về quyển sách. Do chuyển vận này quyển sách, được biểu đạt bởi tiếng nói của thi sĩ, tự gập lại và kết nối với chính nó, trở thành chủ thể tự nội và tha qui, chuyển vận này không phải là một sự phản suy thuần lý hay phê bình, mà trước hết là thi ca và lịch sử. Bởi vỉ chủ thể tự tan vỡ và mở ra nơi quyển sách trong khi tự dung hiện. Văn tự tự mình viết ra nhưng chìm nghỉm trong chính sự dung hiện của nó. Như thế, ở bên trong quyển sách này, [vì] chính nó tư duy bất tận về mình, nó triển khai như một tra hỏi đớn đau trên chính sự khả hữu của nó, hình thức của quyển sách tự hình dung [...] được hoán dụ theo chiều hướng “ đó là sự sản sinh ra chính Thượng đế quyển Le Livre des Questions mô tả như vậy.”[39]  Quyển sách của con người là một quyển sách của vấn đề/tra vấn (Le livre de lhomme est un livre de question.)

_________________________________________

[38] Edmond Jabès: Writing a book means joining your voice to the virtual voice of the margins. It means listening to the letters swimming in the ink like twenty-six blind fish before they are born for your eyes, that is to say, before they die fixed in their last cry of love.
[39] Jacques Derrida, L’Écriture et la Différence trang 100-101: Le poète est donc bien le sujet du livre, sa substance et son maître, son serviteur et son thème. Et le livre est bien le sujet du poète, être parlant et connaissant qui écrit dans le live sur le livre. Ce mouvement par lequel le livre, articulé par la voix du poète, se plie et se relie à soi, devient sujet en soi et pour soi, ce mouvement n’est pas une réflexion spéculative ou critique, mais d’abord poésie et histoire. L’Écriture s’écrit mais s’abîme aussi dans sa propre représentation. Ainsi, à l’interieur de ce livre, qui se réflechit infiniment lui-même, qui se developpe comme une douloureuse interrogation sur sa propre possibilité, la forme du live se répresente elle-même [...] par une autre direction de la métonymie – mais jusqu’à quel point est autre? – c’est la géneration de Dieu lui-même que le Livre des questions décrit ainsi,
(còn tiếp)
   ĐÀO TRUNG ĐẠO

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM