ĐÀO TRUNG ĐẠO thi sĩ / thi ca (124)


ĐÀO TRUNG ĐẠO
(124)
Edmond Jabès
Chương 3
Quyển Sách
Ở bìa 4 của LQ1 Jabès cho in tóm lược đính kèm (prière d’inserer): “Quyển sách Câu hỏi là quyển sách của ký ức, của lưu đầy và của lắng nghe; là chuỗi những tác phẩm mà ba quyển đầu, nay được in gộp lại, tạo thành cái lõi trung tâm. Quanh một truyện tình đơn giản và bi thảm của Sarah và của Yukel, quanh những tra hỏi ám ảnh về đời sống, về Thượng đế, vể Do thái giáo, về tự do, về chọn lựa, về Bản văn, về cái chết, làm nên tiếng vang đáp lại những câu hỏi và những suy tưởng của những bậc hiền giả tưởng tượng, những nhà diễn giải đặc biệt của quyển sách.”[48]  Theo Jabès LQ1 tuy là bài tình ca và bài ca tang chế nhưng vẫn là bài ca hy vọng cất lên từ mỗi trang sách. Bài ca này có tham vọng làm cho chúng ta chứng kiến sự ra đời và những khoảnh khắc cuối cùng của một lời nói (parole) đã bị kết án từ trước và trong một chiều kích nó thực hơn thực, nó chứng kiến sự tăng trưởng cái ngưỡng của sự khổ đau, nỗi khổ đau này minh họa tính chất tập thể bị hành hình với lời than khóc được nhắc đến mãi mãi bởi những nạn nhân.


Những bước chân của Yukel dẫn tới cái chết, như bước trên cái chết của chính mình và của giống nói, bước trên ý nghĩa cũng như sự vô nghĩa của mọi cái chết. Jabès nhận rằng chính mình là kẻ buộc Yukel bước đi, là kẻ reo rắc những bước đi của Yukel trong quyển sách. Nhưng cũng chính Jabès là người nghĩ tưởng đến Yukel, chấp lời Yukel, tìm kiếm và đếm bước “vì ta là văn tự, ngươi là vết thương. Yukel, ta có phản bội ngươi không? Và chắc chắn là ta đã phản bội ngươi. Ta đã chỉ giữ lại, giữa trời và đất, vết cắt xuyên thấu ngây thơ nỗi khổ đau của ngươi. Ngươi là một trong những nhánh nụ của tiếng kêu tập thể mặt trời nhuộm vàng. Ta đặt tên ngươi và tên của Sarah vào trong tiếng kêu không chịu im bặt này, cho tiếng kêu  hòa nhập vào hơi thở của cô ta và tiếng kêu đó xưa cũ hơn tất cả chúng ta, cho tiếng kêu của mãi mãi, xưa cũ hơn cả hạt mầm.”[49]  Jabès ngỏ lời xin lỗi Yukel vì đã chấp lời, vì Yukel là tiếng nói lịm tắt giữa những dối trá của giai thoại. Jabès tự hỏi: làm sao Yukel có thể thốt lời vì Yukel chỉ mở miệng để tiếp tục kêu gào, làm sao Yukel có sự ham muốn và kiên nhẫn để giải thích con đường đi của mình.?

Sau Et tu seras dans le livre Le livre de l’absent/Quyển sách của người vắng mặt gồm ba phần: Phần thứ nhất mở đầu bằng lời của giáo sĩ Reb Tal: “Tất cả mọi chữ tạo hình sự vắng mặt. Cũng vậy Thượng đế là con cái của Danh xưng của Ngài ”[50]  sau đó Jabès viết 13 tản mạn ngắn có liên quan tới Quyển Sách, văn tự, nhà văn...Đoạn thứ nhất [1] là lời tự sự của chính Jabès kẻ sống lưu đầy lang thang chạm mặt nghe ngóng những kẻ xa lạ trên đường phố. Nhưng để quên đi tiếng nói của những kẻ xa lạ này hắn bước đi mải miết không nghĩ tới trở về nhà, vì để “về nhà” phải có ký ức về thời gian và không gian. Giờ đây hắn bước đi buông bỏ, không chủ động, trong tim và dưới chân có rất nhiều chiếc lá đã chết. Kẻ vô xứ sống đong đưa chao đảo không phải vì sự mỏi mệt hiện tại nhưng vì một sự mỏi mệt thiên niên kỷ đè nặng như muốn chôn vùi hắn. Hắn đã đi qua rất nhiều con đường nhưng tất cả những con đường này vẫn chỉ là một con đường. Tuy hắn tự hỏi: làm sao giải thích sự việc này nhưng hắn đã chẳng bao giờ biết giải thich ra sao và bỗng nhận ra giờ đây mọi sự đã quá muộn màng. Thay vào đó hắn mơ về những cái cối xay chạy bằng nước ở Phi châu, về lời ủy lạo kẻ chiến bại của một giáo sĩ tù nhân, về tro cốt của những giáo sĩ ở một vùng đất Ả rập nào đó và những lời nói của một giáo sĩ trong một thành phố. Với hắn giờ đây điều có thực chẳng phải là những phố phường hắn đã đi qua mà là: hắn còn sống. Hắn bị ám ảnh bởi một khuôn mặt với mái tóc bạch kim cắt ngắn [Sarah] và một tiếng kêu [Yukel] trên đường phố nhưng “Nơi đây là nơi khác, nơi khác cột chặt vào cẳng, đó không phải là một xứ sở cũng không phải là một lục địa mà tiếng kêu lên án, nhưng là thế giới; đó không phải là một người nhưng là tất cả mọi người.”[51] Thay lời Yukel hắn quyết tâm trả thù cho Sarah vì Sarah là chân lý phán xét. Lang thang hắn bỗng nhìn thấy hàng chữ viết bằng phấn trắng trên một bức tường được đèn pha một chiếc xe hơi chạy qua vô tình rọi sáng “MORT AUX JUIFS/JEWS GO HOME/GIẾT HẾT BỌN DO THÁI. LŨ DO THÁI HÃY XÉO VẾ NƯỚC” nhưng rồi hắn không nhớ rõ đã nhìn thấy những khẩu hiệu này ở khu phố nào? Hay trên những bức tường tại rất nhiều đường phố hắn đã đọc đi đọc lại mỗi khi dừng bước. 

Đoạn thứ nhì [2] nhắc đến Yukel như nhân chứng thầm lặng cùng những suy tưởng về viết với lời mở đầu: “Tuổi thơ là một vùng đất được nước thấm đẫm trên đó những con thuyền giấy nhỏ bé trôi nổi. Rồi thì những con thuyền biến thành những con bọ cạp; lập tức, cuộc sống bị giết chết từ từ bởi nọc độc. Nọc độc ở trong mỗi tràng hoa, giống như trái đất ở trong mặt trời. Ban đêm, trái đất tự dâng mình, nhưng con người ngủ yên một cách hạnh phúc. Trong giấc ngủ họ không thể bị tấn công. Nọc độc là giấc mơ.”[52]  Yukel kẻ thầm lặng thường được triệu thỉnh trong quyển sách hắn viết – viết cho bàn tay hắn, cho cây bút của hắn, để làm cho cái nhìn nhẹ nhõm bởi nếu hắn không viết thì bàn tay, cây bút, cái nhìn sẽ ra sao? Bút thành vô dụng, rỉ sét, bàn tay sẽ vắng bóng không thấy trong từ nào, chữ nào, cái nhìn sẽ đắm chìm trong trang giấy: “Chỉ có văn tự giữ cho cái nhìn của nhà văn lộ rõ.” (Seule l’écriture maintient le regard de l’écrivain à la surface.) Hắn tra hỏi nhưng không có thì giờ trả lời bởi có quá nhiều câu hỏi chạy tuột khỏi tiếng nói của hắn, chúng tìm kiếm suốt dọc cánh tay hắn để tới lòng bàn tay, cũng như rất nhiều sự ham muốn thắt chặt cây viết của hắn khiến những ngón tay hắn xiết chặt cây viết nên hắn không biết đi theo con đường nào. Hắn hiểu rằng luôn luôn phải tìm cho ra con đường. Một tờ giấy trắng chứa đầy những con đường, có thể đi theo hướng phải hay trái và đôi khi cũng biết trước khi trang giấy đen đặc những dấu chỉ ta sẽ xé bỏ. Tìm đường cả trăm ngàn lần từ mũi, từ ngực, từ miệng, con đường của vầng trán và của linh hồn. “Và tất cả những con đường này chúng có ngả riêng của chúng. – Bằng không, chúng sẽ không phải là những con đường”[53] Thế nên tìm được đúng con đường hẳn đó phải là một ân huệ. Hắn hồi ức kỷ niệm môt buổi trưa nọ lái xe lòng vòng quanh quẩn nhiều hướng trong sa mạc và cuối cùng thấy mình đối diện với vô tận, với hư vô, với trang giấy trắng.

Đoạn [3] bắt đầu về sứ mệnh nhà văn: “Tôi tin tưởng vào sứ mệnh của nhà văn.Nhà văn nhận sứ mệnh từ động từ mang vác sự khổ đau và niềm hy vọng của hắn nơi sứ mệnh. Hắn tra hỏi những từ chúng cật vấn hắn, hắn đồng hành với những từ đồnh hành với hắn. Sự khởi đầu là của chung và như thể xảy đến bỗng nhiên. Trở thành hữu dụng với những từ –  trong việc sử dụng chúng – hắn cho đời sống của hắn và những từ một ý nghĩa sâu xa mà chính đời sống của hắn phát khởi từ đó.”[54]  Yukel vắng mặt vì hắn là người tự sự và chỉ có câu chuyện là có thực. Yukel cũng là kẻ hủy bỏ những biên giới giữa đời sống và cái chết. Jabès viết những đối thoại tưởng tượng với Yukel về cái giếng Yukel đào trên đất Do thái – cái mảnh đất mà dân Do thái chẳng bao giờ cư ngụ – về nước của giếng này không nơi đâu sánh bằng nhưng đã bị bỏ quên trong lòng bàn tay suốt năm mươi thế kỷ. Và lời khuyên của giáo sĩ Reb Segré “Hãy mở rộng bàn tay để vùi mặt trong đó, mặt sẽ biến đi như cây chạm nước.” Còn Reb Hakim đưa ra luận về những ngón tay của bàn tay: ngón trỏ để nhận ra sao trời, ngón giữa là giấc mơ...Và ngón trỏ được vị giáo sĩ này ưa thích nhất vì nó luôn sẵn sàng để quệt khô nước mắt. Jabès tự hỏi phải chăng những quyển sách mình viết ra đã bồi thêm sự thất vọng giữa mình và các người anh em đồng chủng, biến hy vọng thành thất vọng vì tuy những câu mở đầu sách chứa chan hy vọng nhưng sự nghi hoặc đã lén lút xen vào và dần dần nở rộ.
_________________________________  
[48] Le Livre des Questions est le livre de la mémoire, de l’exil et de l’écoute; long cycle d’ouvrages dont les trois premiers, aujourd’hui réunis, constituent le noyau central. Autour d’une idylle simple et tragique, celle de Sarah et de Yukel, d’obsédantes interrogations, sur la vie, Dieu, le judaïsme, la liberté, le choix, le Texte, la mort, font echo à des questions et méditations de sages imaginaires, interprètes priviligiés du livre.
[49] LQ1 trang 38-39: [...] car je suis écriture/et toi blessure./T’ai-je trahi, Yukel?/ Je t’ai sûrement trahi./ Je n’ai retenu, entre ciel et terre, que la percée puérile de ta douleur./ Tu es l’un des épis du cri collectif que le soleil dore./J’ai donné ton nom et celui de Sarah à ce cri qui s’obstine/ à ce cri qui a épousé son souffre et qui est plus ancien que nous tous,/à ce cri de toujours,/plus ancien que la grain.
[50] LQ1 trang 51: Toutes les lettres forment l’absence. Ainsi Dieu est l’enfant de Son Nom./Reb Tal.
[51] LQ1 trang 55: Ici qui est ailleurs, ailleurs enchainés à nos chevilles, ce n’est pas un pays que le cri met en cause ni un continent, mais le monde; ce n’est pas un homme, mais tous.
[52] L’Enfance est une terre baignée d’eau sur laquelle flottent de petits bateaux en papier. Il arrive que les bateaux se transforment en scorpions; alors, la vie meurt par le poison à chaque instant.
   Le poison est dans chaque corolle, comme la terre est dans le soleil. La nuit, la terre est livrée à elle-même, mais les hommes dorment heureusement. Dans le sommeil, ils sont invulnérables.
   Le poison est le rêve.
[53] LQ1 trang 59: Et tous ces chemins ont leurs chemins propres. – Autrement, ils ne seraient pas des chemins.
[54] LQ1 trang 64: Je crois à la mission de l’écrivain. Il la reçoit du verbe qui porte en lui sa souffrance et son espoir. Il interroge les mots qui l’interrogent, il accompagne les mots qui l’accompagnent. L’initiative est commune et comme spontanée. De les servir – de s’en servir – , il donne un sens profond à sa vie et à leur dont elle est issue.
(còn tiếp)
ĐÀO TRUNG ĐẠO

Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM