Hoàng Hải Thủy trả lời thêm cho Gió O

 

HOÀNG HẢI THỦY

TRƯỜNG ĐỜI GIÔNG TỐ

 nguồn: http://www.gio-o.com

Gio-O phỏng vấn:

Lê Thị Huệ: Chào Nhà Văn Hoàng Hải Thuỷ. Cám ơn nhà văn đã dành cho Gió O cuộc  phỏng vấn đặc biệt này. Câu đầu tiên, thưa ông, quyển sách, đoạn văn, bài học thuộc lòng, bài thơ đầu tiên nào đã gây ấn tượng mạnh mẽ ở tuổi thơ của ông ?

Hoàng Hải Thủy: Xin lỗi. Tôi không nhớ.

LTH:  Những ngày thơ ấu của ông.  Biến cố hoặc tâm tư đặc biệt đáng nhớ nào khiến ông muốn cầm bút để trở thành nhà văn sau này

 HHT: Thưa.. Không có gì đặc biệt cả. Không biết tại sao tôi có ý muốn viết tiểu thuyết từ năm tôi 10 tuổi, sau khi tôi đoc Trường Ðời và Giông Tố. Tôi chỉ muốn “viết tiểu thuyết.” Tôi không nhận tôi là “Nhà văn”, tôi không thoải mái khi được gọi là “Nhà văn.” Tôi viết truyện để giải trí cho những người đọc truyện tôi viết.

 

Trên đây là đoạn đầu bài Phỏng Vấn Hoàng Hải Thủy của Gio-O, Tháng 12, 2010. Hôm nay, Ngày 22 Tháng Hai, 2011, tôi viết thêm:

Tôi xin lỗi đã trả lời với cái giọng có vẻ không hào hứng, không sốt sắng, nhiều câu trả lời đúng là “khô khốc” và gần như vô lễ. Nguyên do là vì tôi đã viết quá nhiều về những chuyện được nêu ra trong bài phỏng vấn. Không những chỉ đã viết mà còn là đã viết đi, viết lại trong nhiều bài. Tôi không muốn phải viết lại những gì tôi đã viết.

 

Từ năm 1996 đến nay, ở Kỳ Hoa Ðất Trích,  mỗi tuần tôi viết một bài Viết ở Rừng Phong. Trang hoanghaithuy.com, người bạn trẻ Bắc Thần làm cho tôi, có từ năm 2007 đến nay đã trữ khoảng 300 bài Viết ở Rừng Phong. Vì vậy, khi được Bà LT Huệ hỏi cũng về những chuyện tôi đã viết, tôi chán, tôi trả lời nhát gừng.

Từ năm 2000 tôi đã viết về nguyên nhân làm tôi “thích làm nhà viết truyện.”  Bài đó như sau:

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG. Viết ở Rừng Phong.

Nếu có ai hỏi: “Tác phẩm tiểu thuyết nào có ảnh hưởng đến văn nghiệp của ông nhiều nhất..?”, tôi trả lời:

– Trường Ðời của Lê Văn Trương, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.

Tôi đọc Trường Ðời, Giông Tố năm tôi mười tuổi, những năm 1940, 1941 ở thị xã Hà Ðông ngày xưa có dòng Nhuệ Giang hiền hòa. Trong thời gian thơ dại đó những trang truyện Trường Ðời, với những nhân vật Trọng Khang, Marie Khánh Ngọc, Francois Giáp, những trang truyện Giông Tố với Nghị Hách, Thị Mịch, Long, Tú Anh, Vạn Tóc Mai..vv.. đã cho tôi thấy — mơ hồ thôi, chưa rõ rệt — những người viết tiểu thuyết như Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng là những đấâng Tạo Hóa, những Ông Trời Con, những Ông Trời Nho Nhỏ trong tác phẩm của các ông. Các ông tạo dựng một vũ trụ riêng của các ông trên những trang tiểu thuyết, trong vũ trụ ấy các ông có toàn quyền sinh sát, các ông cho ai sống, cho ai sung sướng, người đó được sống, được sung sướng, các ông bắt ai chết, bắt ai phải đau khổ, người đó phải chết, phải đau khổ. Tôi lại mơ hồ thấy những ông văn sĩ là những người làm công việc không người nào khác làm được: chỉ có Lê Văn Trương mới viết được Trường Ðời, chỉ có Vũ Trọng Phụng mới viết được Giông Tố. Không có Lê Văn Trương cuộc đời — ít ra là cuộc đời tôi — không có Trường Ðời, không có Vũ Trọng Phụng cuộc đời tôi không có Giông Tố.

Ngay những năm mới mười tuổi hãy còn nguyên trinh tiết đó, khi đọc Trường Ðời, Giông Tố, tôi đã mơ lớn lên tôi sẽ viết tiểu thuyết. Một buổi chiều mùa xuân năm 1941, 1942 — đã năm mươi năm trôi êm trên dòng thời gian đời tôi — khoảng bốn giờ một chiều thứ bẩy, ông bố tôi dắt tay tôi đi ra cánh đồng làng Cầu Ðơ ven tỉnh thăm mộ hai bà mẹ già của tôi. Ông thân tôi có số trung niên táng thê khá nặng, ông có hai bà vợ qua đời trước khi ông rổ rá cạp lại với bà mẹ tôi. Là thông phán trong Dinh Tổng Ðốc Hà Ðông, ra làm việc ở Dinh Tổng Ðốc Hà Ðông, về hưu năm 1945 cũng ở Dinh Tổng Ðốc Hà Ðông, ông thân tôi trải qua ba đời Tổng Ðốc: Hoàng Trọng Phu, Vi Văn Ðịnh, Hồ Ðắc Ðiềm. Ông mua một sào ruộng ở cánh đồng làng Cầu Ðơ làm chỗ chôn hai bà vợ ông. Buổi chiều mùa xuân xưa ấy trời mát, đồng ruộng trồng mầu, tức rau đậu, cảnh thật đẹp. Không cỏ non xanh rợn chân trời nhung cũng thật đẹp. Hai bố con đang cầm tay nhau đi trên con đường nhỏ qua cánh đồng, ông bố tôi bỗng hỏi tôi:

– Mai sau con lớn con muốn làm gì?

Tôi hiểu ông muốn hỏi mai sau tôi muốn làm nghề gì: công chức, giáo học, đi buôn? Chiều xưa ấy nếu tôi khôn xảo, tôi ma-lanh, tôi đã trả lời ông bố tôi:

– Mai sau con muốn làm bác sĩ.

Nếu tôi nói thế chắc chiều ấy ông bố tôi vui lắm. Không biết tại sao, không suy nghĩ, tôi trả lời ông một câu xanh rờn:

– Mai sau con muốn làm văn sĩ!

Cả họ tôi không có ai có một xu văn nghệ, văn gừng, cả làng tôi chắc không có lấy hai người biết thơ Ðường Luật với thơ lục bát khác nhau ở chỗ nào, cả làng tôi không nhà nào có quyển Kiều. Câu trả lời của tôi làm ông bố tôi đang đi phải đứng lại. Bố con tôi vẫn nắm tay nhau. Ông nhìn mặt anh con xem anh nói thật hay nói đùa. Khi thấy anh nói thật, ông nói:

– Viết văn, làm thơ không phải là một nghề, con ạ, Việc viết văn, làm thơ không nuôi nổi người. Con phải học, phải đi làm việc như thầy, con phải có việc làm kiếm được tiền nuôi thân con, nuôi vợ con con, con muốn viết văn, làm thơ cũng được nhưng chỉ làm để chơi thôi.

Năm mươi năm cuộc đời. Hình ảnh buổi chiều mùa xuân trên cánh đồng làng Cầu Ðơ năm tôi mười tuổi, những lời ông bố tôi nói năm mươi năm xưa ở mãi với tôi. Những năm 1941, 1942, 1943, ông bố tôi nói: “Việc viết văn, làm thơ không nuôi nổi người..” là đúng; Vũ Trọng Phụng vừa qua đời vì bệnh lao phổi năm 1939, Tản Ðà vừa từ trần trong nghèo túng năm 1940 — “Văn chương hạ giới rẻ như bèo..!” – Nguyễn Vỹ viết “Nhà văn A-nam khổ như chó..!” Năm 1960 ở Sài Gòn, tôi làm nhân viên tòa soạn Nhật báo Sàigònmới, tờ báo có số bán cao nhất, nhiều độc giả nhất thời ấy, cùng một lúc tôi viết tiểu thuyết phóng tác, viết phóng sự tiểu thuyết cho nhật báo Ngôn Luận, cho các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Ngày Mai, Màn Ảnh. Tiền tôi kiếm được mỗi tháng nhiều gấp bốn lần lương ông anh tôi làm biên tập viên — độc thân — Tổng Nha Công An-Cảnh Sát Quốc Gia. Năm ấy, năm 1960, ông bố tôi nói với tôi:

– Con chọn nghề viết văn, làm báo thế mà lại hay đấy. Viết văn, làm báo con có thể giúp đỡ thầy me, giúp các em con, nếu làm công chức con chỉ nuôi được thân con và vợ con con thôi.

Hai câu nói cách nhau hai mươi năm, hai lần ông thân tôi nói đều đúng.

Tôi ôm mộng viết tiểu thuyết năm tôi mười tuổi, tôi làm thơ năm tôi mười ba, mười bốn tuổi. Sau bốn năm đi kháng chiến, năm 1950 tôi trở về Hà Nội, cầm sách đi học lại, trường Văn Lang, Hiêu Trưởng Ngô Duy Cầu, đường Phạm Phú Thứ sau chợ Hàng Da, tôi viết cuốn truyện đầu tiên. Tác phẩm đầu tay ấy của tôi không được là một truyện ngắn. Tôi viết trên quyển vở học trò — trước 1945 loại vở học trò này được gọi bằng cái tên vở Palladium — cũng viết một mặt giấy theo đúng luật lệ, nhưng cả truyện chỉ được 100 trang, chưa đầy hai quyển vở. Tôi cho như thế đã đủ tư cách là một truyện dài, đáng được xuất bản. Tôi mang tác phẩm đầu tay đến một nhà xuất bản. Ông chủ nhà xuất bản tiếp tôi ở buy-rô:

– Tôi viết truyện này xin ông xem…, xuất bản…

Tôi lí nhí nói và đặt tác phẩm lớn — hai quyển vở học trò — lên bàn. Ông chủ nhà xuất bản nói:

– Ðể đấy chúng tôi đọc. Tuần sau anh trở lại…

Ông bỏ tác phẩm của tôi vào ngăn kéo. Tôi hồi hộp ra về. Cả bẩy ngày, bẩy đêm sau đó tôi mơ nghe ông nói: “Truyện của anh được đấy.. Chúng tôi sẽ xuất bản..” Tác phẩm thứ nhất của tôi được in ra, được bán, tôi trở thành văn sĩ, tôi viết quyển thứ hai, quyển thứ ba..Tôi cũng là văn sĩ như các ông Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, tôi tưởng tượng tác phẩm của tôi, mang tên tôi trên bìa, nằm trên những kệ sách ngang hàng với tác phẩm của hai ông..

Ðúng bẩy ngày sau, gần như đúng cùng một giờ với lần đến bẩy ngày trước đó, tôi hồi hộp trở lại buy-rô của ông chủ nhà xuất bản. Quang cảnh không khác gì lần tôi đến đó trước một tuần, ông chủ nhà xuất bản vẫn ngồi sau bàn giấy. Khi tôi nói tôi đến hỏi về quyển truyện của tôi đưa ông tuần trước, ông hơi ngơ ngác:

– Quyển truyện nào?

Ông hỏi. Tôi nhắc lại. Ông nhớ ra:

– À..

Ông kéo ngăn kéo lấy ra hai quyển vở:

– Truyện này không hợp với nhà xuất bản chúng tôi..

Tôi ôm tác phẩm lớn về, thất vọng nhưng vẫn yêu thương nó, không rẻ rúng nó, không đổ nỗi thất vọng của tôi lên nó, tôi thất vọng nhưng tôi không tuyệt vọng. Năm 1951 gia đình tôi vào Sài Gòn. Ông thân tôi thông phán hưu trí năm 1945, năm 1949 hồi cư, năm 1950 ông xin đi làm lại, có thêm lương khế ước. Ông làm ở Phòng Công Báo Phủ Toàn Quyền. Năm 1950 Quốc Gia Việt Nam có chính phủ, có Thủ Tướng, tất cả những công văn, nghị định, án lệnh của Nhà nước trước đó đều viết bằng tiếng Pháp, đến năm đó vẫn viết bằng tiếng Pháp nhưng vì thể diện quốc gia nay phải dịch sang tiếng Việt. Các viên chức người Nam thường chỉ thạo Pháp văn nay gặp khó khăn khi phải dịch những nghị định, sắc lệnh – Arrêté, Décré — ra văn Việt. Ông thân tôi kể có ông công chức dịch tiếng “propriétaire” ra là “khổ chủ”. Ông thân tôi biết chút Hán văn, biết chút Pháp văn, nên hợp với công việc dịch, đưa nhà in, sửa chữ tập Công Báo Việt Nam — Journal Officiel — mỗi tháng một tập, hai thứ tiếng Pháp-Việt đề huề. Năm 1950 ông làm việc ở Phủ Toàn Quyền Hà Nội, qua năm 1951 tất cả những văn phòng trực thuộc cái gọi là Phủ Thủ Tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam được tập trung vào Sài Gòn, gia đình tôi vào Sài Gòn sớm hơn nhiều người Hà Nội khác đến bốn năm.

Ở Hòa Hưng, Sài Gòn tôi viết tác phẩm tiểu thuyết đầu tay thứ hai. Nội dung và hình thức tác phẩm tiểu thuyết Sài Gòn 1951 không khác tác phẩm Hà Nội 1950 bao nhiêu, cũng viết trên tập vở học trò, cũng chỉ hơn 100 trang viết tay. Tôi không nhớ tên hai tác phẩm lớn ấy. Tôi mang tác phẩm đến tòa soạn Nhật báo Sàigònmới.

Tòa soạn Nhật báo Sàigònmới, số 34 Ðường Colonel Grimaud — sau 1956 là đường Phạm Ngũ Lão — téléphone 22444. Tôi đã sống, đã làm việc những năm phong độ nhất của đời tôi trong tòa soạn này. Tòa soạn ở trên lầu, bên dưới là nhà in. Năm 1951 tôi mang tác phẩm đến tòa báo Sàigònmới.

 Người tiếp tôi là ông chủ bút Nguyễn Dân — Anh bệnh và từ trần khoảng năm 1953 — chuyện đã xẩy ra trong nhà xuất bản ở Hà Nội lại xẩy ra y boong trong tòa báo Sàigònmới ở Sài Gòn. Chỉ khác đôi chút là lần này tôi không đưa truyện đến để xuất bản mà là để đăng báo. Ông chủ bút Nguyễn Dân nói:

– Ðể đấy chúng tôi đọc. Tuần sau anh trở lại.

Ông bỏ tác phẩm gồm hai quyển vở học trò của tôi vào ngăn kéo bàn.

Tuần sau tôi trở lại. Ông chủ bút nhà báo Sài Gòn có vẻ còn quên dữ hơn ông chủ nhà xuất bản ở Hà Nội:

– Tác phẩm nào..?

Sau cùng nhớ ra, ông kéo ngăn kéo lấy ra trả tôi hai quyển vở. Cả hai lần tác phẩm của tôi đều nằm yên trong ngăn kéo, nó không được ông nào mở xem cả.

Năm 1952 nhật báo Tiếng Dội của ông Trần tấn Quốc mở cuộc thi Truyện Ngắn. Cuộc thi kéo dài nguyên một năm. Mỗi ngày báo chọn đăng một truyện dự thi. Mỗi truyện được đăng tác giả được tòa báo chi 200 đồng. Tôi viết truyện ngắn “Người Con Gái Áo Xanh” gửi dự thi. Bài tôi được đánh số thứ tự 26, trước tôi đã có 25 truyện gửi đến dự thi, nhưng bài tôi được chọn đăng ngay bài số 1. Giữa năm 1952 Lê Minh Hoàng Thái Sơn, tác giả “Bên Hào Vạn Lý, Ðoàn Ó Biển”, người tổ chức cuộc du lịch Nhật Bản mỗi người đóng 5.000 đồng năm 1955, bị tù 5 năm vì vụ lường gạt tập thể ấy, quen anh Thanh Sanh, chủ bút Nhật báo Ánh Sáng, Lê Minh bảo tôi:

– Báo Ánh Sáng cần một rì-pọt-tưa. Mày đến xem.. Hỏi Thanh Sanh… Nói tao giới thiệu.

Buổi sáng tôi đến tòa soạn báo Ánh Sáng, đường Bonard, ngay cạnh nhà hàng ăn Kim Hoa. Anh Thanh Sanh đưa một bài phóng sự chiến trường miền Bắc cắt ở báo Pháp ra cho tôi dịch. Anh xem qua bài tôi dịch, hỏi qua vài câu rồi nhận ngay tôi vào làm. Lương tháng đề-buýt-tăng 1.500 đồng bạc Ðông Dương. Tôi đi làm nhà báo ngay ngày hôm sau.

Giấc mơ làm báo của tôi thành sự thật. Người bạn thân của tôi năm ấy, năm 1952 — năm nay, năm 2002, vẫn là bạn thân của tôi — làm thư ký Ngân Hàng Chartered Bank đã ba, bốn năm mà lương có 1.200 đồng một tháng, tôi vừa đi làm đã có lương 1.500 đồng ngay. Khi tôi về nhà báo tin cho thầy me tôi biết tôi đi làm nhà báo, ông thân tôi ngạc nhiên:

– Mày mà làm báo?

Hơn ai hết ông bố tôi biết tôi dốt nát đến cỡ nào, ông vẫn quan niệm người làm báo phải tài giỏi, phải có học, có Pháp văn như các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh, hoặc ít nhất cũng phải tinh khôn, phải có kinh nghiệm sống, phải nói được tiếng Pháp không đến nỗi quá bồi. Ông không biết việc làm báo của tôi là việc đi săn tin xe cán chó, đi dự những cuộc hội báo thường là chẳng có gì quan trọng, ở tòa soạn chỉ lâu lâu mới phải dịch vài bản tin tiếng Pháp. Việc thứ hai tôi làm sau khi báo tin cho hai đấng sinh thành của tôi biết tôi đi làm báo là việc nã tiền bà mẹ tôi, tôi đòi bà cho tôi vay tiền may quần áo, mua đôi giày mới v.v… Làm phóng viên nhà báo phải ăn bận đàng hoàng, không còn dùng được mấy bộ đồ học sinh cơm cha, áo mẹ. Tôi hứa tôi sẽ trả bà nhưng cầm tiền rồi tôi quên luôn.

Năm 1952 tôi bước vào làng báo là năm Dương Hà cho xuất bản truyện Bên Giòng Sông Trẹm, tác phẩm làm Dương Hà nổi danh. Truyện đăng phơi-ơ-tông trên nhật báo Sàigònmới. Năm 1988 Bên Giòng Sông Trẹm được tái bản ở Sàigòn, nghe nói được quay thành phim.

Cuối năm 1952, nhật báo Tiếng Dội tổng kết cuộc thi. Khi ấy tôi đã là phóng viên nhà báo nhà nghề. Trên tường tòa soạn báo Ánh Sáng có treo cô-lếch-sông tất cả các nhật báo Sài Gòn, trong số có báo Tiếng Dội. Nhưng tôi không theo dõi cuộc thi, tôi quên béng cuộc thi. May sao anh bạn tôi đến báo cho biết truyện “Người Con gái Áo Xanh” của tôi đoạt giải nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn Tiếng Dội năm 1952.

Có ba giải thưởng, giải nhất 3.000 đồng, giải nhì 2.000 đồng, giải ba 1.000 đồng. Ba người lãnh giải được tòa soạn mời ăn một tiệc cao lâu, tiền thưởng sẽ trao trong bữa ăn. Chiều thứ bẩy tôi đến tòa soạn rồi cùng đi với các anh trong tòa soạn sang hàng ăn Tầu cũng trên đường Gia Long gần tòa báo. Bữa ăn có các anh Trần Tấn Quốc, Việt Tha, Thiệu Võ, Tiến Lợi. Anh Tiến Lợi là phóng viên báo Tiếng Dội, tôi đã gặp anh vài lần trong các cuộc hội báo và anh biết tôi làm báo Ánh Sáng. Tôi chỉ sợ trong bữa ăn anh nói chi đó làm hai người giải nhì, giải ba biết tôi làm báo, sợ họ có thể phản đối việc tôi lãnh giải nhất, viện lý do cuộc thi viết truyện dành cho độc giả, người đã làm báo không còn là độc giả nữa. May quá bữa ăn trôi qua êm đềm, ông chủ nhiệm Trần Tấn Quốc trao cho tôi tấm chèque 3.000 đồng mang tên tôi là người nhận tiền, tấm ngân phiếu thứ nhất trong đời tôi.

Hôm sau tôi mang séc ra ngân hàng lãnh tiền. Tôi về nhà biếu thầy me tôi 500, cho mỗi em tôi 100, vị chi là 1.000, tôi may bộ com-lê 700 đồng, bộ com-lê thứ nhất tôi may bằng tiền tôi kiếm được trong đời tôi.

Tôi làm phóng viên báo Ánh Sáng chưa hết năm 1952 thì Lê Minh Hoàng Thái Sơn ra tuần báo. Anh mướn manchette tuần báo Tin Ðiển của cô Anna Lê Trung Cang. Tôi bỏ chân phóng viên quá tốt ở báo Ánh Sáng để làm báo Tin Ðiển với Lê Minh. Tin Ðiển Lê Minh Hoàng Thái Sơn Ði và Sống — đúng ra là Nằm và Chết — ra không quá bốn số thì ngỏm củ tỏi, chết vì báo quá ẹ, không ai mua. Vợ Lê Minh là bà chị họ tôi. Chị buôn bán ở chợ Bến Thành, cầm cái hụi. Bao nhiêu dây hụi chị hốt hết lấy tiền cho Lê Minh làm báo. Báo chết, chị vỡ hụi. Lê Minh đưa vợ con — lúc ấy mới có một con nhỏ — ra Hà Nội trốn nợ. Tôi lang thang cu ky ở Sài Gòn. Chân phóng viên báo Ánh Sáng ngon lành đã có người khác làm. Tôi vào lính Võ Trang Tuyên Truyền thuộc Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu, dưới quyền Thiếu Tá Trần Tử Oai.

Tôi không chịu được kỷ luât nhà binh. Gần hai năm ở lính là những ngày khổ sở nhất đời tôi. Tháng Bẩy năm 1954, khi Hiệp Ðịnh Geneve vừa ký, tôi ra khỏi quân ngũ. Năm này Sài Gòn có phong trào tiểu thuyết bán từng tập 2 đồng, bằng một tờ nhật báo gập lại làm bốn, 16 trang. Loại truyện này bị gọi khinh miệt là tiểu thuyết ba xu, nhưng bán rất chạy Truyện bán chạy nhất năm ấy là truyện Bàn Tay Máu của Phi Long, tức Ngọc Sơn, tác giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông ăn khách nhất làng báo Sài Gòn những năm từ 1950 đến 1954. Những truyện Ngày Về, Hồng và Cúc, Sau dẫy nhà lầu của Ngọc Sơn đăng trên báo Tiếng Chuông, chủ nhiệm Ðinh văn Khai, được nhiều bạn đọc phái nữ đọc say mê. Tôi viết hai truyện loại tiểu thuyết ba xu cho Nhà Xuất Bản Ban Mai, đường Vassoigne, sau là đường Trần văn Thach, bên chợ Tân Ðịnh, đường Trần văn Thạch có nhà của anh Ðinh Hùng. Hai truyện của tôi là Xác Ma Giết Người, Ðầu Người Trong Hang Máu. Mỗi tập tôi được chi 300 đồng, mỗi tháng tôi kiếm được 1.200 đồng. Năm ấy mỗi tập truyện Bàn Tay Máu của Phi Long được chi 4.000 đồng.

Một hôm Nguyễn Ngọc Tú, tên thật của Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, bảo tôi anh gặp bà Bút Trà ở Bộ Thông Tin, bà Bút Trà nói với anh nhật báo Sàigònmới cần phóng viên, tôi đến tòa soạn báo Sàigònmới gặp bà Bút Trà, và được bà nhận vào làm ngay. Lương tháng 3.000 đồng. Sau đó có lần tôi hỏi bà Bút Trà vì sao bà nhận tôi vào làm nhân viên, bà nói:

– Cũng có mấy anh đến, tôi có biết khả năng của anh nào ra sao đâu. Tôi chọn anh vì thấy anh ăn bận đàng hoàng..

Thì ra tôi được làm nhân viên tòa soạn nhật báo Sàigònmới vì tôi ăn bận đàng hoàng: sơ mi trắng dài tay đã không sắn tay lại có khuy manchette, áo bỏ trong quần, đi giày da có bí-tất, đầu tóc gọn ghẽ, tôi không đến xin việc với sơ-mi-dzét bỏ ngoài quần, đi giép lẹp kẹp.

Như vậy là tôi vào làm nhân viên tòa báo trước đó hai năm tôi đã đến đưa bản thảo tiểu thuyết mong được nhà báo nhận đăng. Bàn giấy của chủ bút Nguyễn Dân còn nguyên đó, chỉ có anh Nguyễn Dân là không còn. Anh đã nghỉ làm vì tuổi già. Cũng trong tòa soạn này năm 1952 tôi là người đứng bên ngoài nhìn vào, năm nay 1954 tôi là người đứng bên trong nhìn ra. Cảm nghĩ này trở lại với tôi những năm 1980 tôi sống tơi tả ở Sài Gòn đầy cờ đỏ. Trước 1975 tôi từng đến thăm nhà tù Côn Ðảo, đứng trên Chuồng Cọp nhìn xuống, tôi từng đến Nhà Tù Chí Hòa thăm mấy ông bạn bị tù, ông thì tù vì tội thụt két, quản kho nhà hàng Tây — magasinier — lấy hàng trong kho đem đi bán, ký giả Dzoãn Binh bị bắt, tù hai niên vì tội làm tiền, hai, ba ông nữa xộ khám vì tội hút thuốc phiện — năm 1953 khi đang ở lính võ trang tuyên truyền, tôi sống mấy tháng ở cái gọi là Trại Tù Binh Phú Quốc. Những năm xưa ấy tôi đứng ngoài nhìn vào nhà tù, sau năm 1975 tôi là anh tù đứng trong nhà tù nhìn ra.

Tôi vào nghề làm báo từ năm 1952, tôi viết truyện ngắn từ năm 1952, nhưng mãi đến năm 1956 tôi mới có tên Hoàng hải Thủy viết tiểu thuyết, phóng sự. Tháng Giêng năm 1956, Thủ Tướng Ngô đình Diệm, sau khi làm cuộc trưng cầu dân ý truất phế Quốc Trưởng Cựu Hoàng Bảo Ðại — Bại Ðảo, cái tên tiền định, như tên Án Ðô Vương đời Lê Trịnh: Án Ðô: Ðố An — lên làm Tổng Thống, một thời thịnh trị của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu. Hồ Anh, chủ nhiệm nhật báo Ngôn Luận, ra tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Trước đó tôi đã đăng tập phóng sự “Ðường Về Hà Nội Ðỏ” trên nhật báo Ngôn Luận, tôi được mời viết cho Văn Nghệ Tiền Phong.

Tôi nghĩ đến chuyện viết như thế nào, viết làm sao cho tên tuổi mình được nổi, cho truyện của mình được nhiều người đọc, nhất là viết sao cho truyện mình có vẻ đặc biệt, khác người, làm người đọc truyện mình phải nhớ tên mình. Tôi thấy có những người viết cả năm, bẩy năm, có cả chục truyện ngắn được đăng báo nhưng tên tuổi vẫn không nổi, vẫn không được ai biết là tác giả tiểu thuyết. Năm ấy tôi nhớ đến Vũ Trọng Phụng và tác phẩm Số Ðỏ, tôi quyết định tôi sẽ bắt chước giọng văn châm biếm, hài hước của tác giả Số Ðỏ.

Tôi viết phóng sự tiểu thuyết Vũ Nữ Sài Gòn trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tiếp đó là những cái gọi là phóng sự tiểu thuyết Tây Ðực, Tây Cái — sau đổi là Ông Tây, Bà Ðầm — rồi Bà Lớn, Yêu Tì trên nhật báo Ngôn Luận. Tôi đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của Vũ Trọng Phụng trong những truyện tôi viết. Ảnh hưởng ấy còn ở tôi mãi đến bây giờ.

Tôi cũng chịu ảnh hưởng của Charles Chaplin qua những phim của ông, nhất là phim City Lights, hài hước xen lẫn tình cảm.

o O o

Trên đây là nửa bài viết của tôi về nguyên nhân làm tôi thích viết truyện và những ngày đầu trong đời làm báo, viết truyện của tôi. Tôi sẽ đăng nửa bài sau trong kỳ tới. Nếu quí vị không thấy bài đăng, xin nhớ cho tôi là Hội Viên Hội Hưá Lèo Quốc Tế – HuaLeo Intern – đôi khi tôi phải làm theo tôn chỉ của Hội.

Lẽ ra tôi phải hỏi Bà Chủ Trương Gio-O câu này ngay từ đầu bài phỏng vấn:

“Xin cho biết Gio-O có nghĩa gì? Tại sao lại Gio-O? Cám ơn.”

o O o 

GIÔNG TỐ

Tôi đọc Giông Tố năm tôi mười tuổi, những năm hai mươi, ba mươi, bốn mươi tuổi tôi không lần nào đọc lại Giông Tố — Nhà Xuất Bản Khai Trí Sài Gòn tái bản Giông Tố nhiều lần — nhưng tôi vẫn nhớ từng sự kiện chi tiết truyện Giông Tố, những sự kiện nhỏ trong quyển Giông Tố tôi đọc năm 1940, những sự kiện bị bỏ mất trong những quyển Giông Tố tái bản sau 1945. Như chuyện Vạn Tóc Mai kể trong tiệm hút: Lính Tây hạ thành Hà Nội, nhà kia bị lính Tây vào — lính Tây đây là chắc là lính người Ấn, người Mã lai, người Phi luật tân được tuyển vào quân đội Pháp — anh chồng trèo lên rường nhà trốn, chị vợ bị lính Tây hiếp. Khi lính Tây bỏ đi, anh chồng xuống đánh vợ. Hàng xóm can:

“Sao anh lại đánh chị ấy? Chị ấy bị nó hiếp. Chị ấy có muốn thế đâu!”

Anh chồng hậm hực :

“Tôi đánh nó vì lúc nó bị hiếp nó cứ rên lên như là nó sướng lắm..”

Rồi những chuyện Táo Tầu Nghị Hách, chuyện âm mao của Tuyết, chuyện Nghị Hách mần tình với Thị Tín, chuyện Mịch nằm nghiêng cho Long hưởng thụ ái tình… Tất cả những sự kiện tuyệt hay trên đều bị cắt bỏ, đều không còn trong những bản Giông Tố tái bản sau năm 1945. Không ai có quyền cắt bỏ những đoạn ấy. Tôi sẽ kể rõ hơn những sự kiện bị bỏ mất ấy khi tôi đăng nguyên truyện Giông Tố với lời phụ đề Việt ngữ của tôi.

Hôm nay tôi viết về chuyện Vũ Trọng Phụng bị những người cộng sản Hà Nội buộc tội “làm mật thám cho Pháp” và tội “chống đối chủ nghĩa cộng sản”, tôi viết về những nguyên nhân làm cho toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng — Giông Tố, Số Ðỏ, Vỡ Ðê, Dứt Tình, Cạm Bẫy Người, Cơm Thầy, Cơm Cô, Lục Sì, Làm Ðĩ, Trúng Số Ðộc Ðắc..vv.. — bị cộng sản cấm không được tái bản ở miền Bắc Việt Cộng từ 1958 mãi cho đến năm 1990.

Tháng Bẩy 1954 Hiệp Ðịnh Geneve được ký, tháng Mười 1954 Việt Minh vào Hà Nội, năm 1956 một số văn nghệ sĩ Hà Nội viết về văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng, nhà xuất bản Minh Ðức tái bản những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Gần như tất cả những văn nghệ sĩ, kể cả Tố Hữu, đều thấy, đều nhận Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có giá trị văn học. Thế rồi xẩy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ðảng Cộng sản, đích danh thủ phạm là Tố Hữu, mở cuộc khủng bố, đàn áp những văn nghệ sĩ đòi được tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng bị “đánh” cùng một lúc với những văn nghệ sĩ bị gọi là chống Ðảng. Người “đánh” Vũ Trọng Phụng là Hoàng văn Hoan, anh già vô tích sự, anh già Bình Vôi thứ hai sau Bình Vôi Hồ chí Minh, anh già đảng viên có tuổi đảng cao nhất thời ấy. Năm 1978 Hoàng văn Hoan ủng oẳng với Lê Duẩn, bỏ trốn sang Trung Cộng, rồi chết già trên đất Tầu Cộng mà không làm được trò trống gì.

Trước khi xét Hoàng văn Hoan, năm 1960, viết những gì về Vũ Trọng Phụng, chúng ta xem lại những dư luận về Vũ trọng Phụng trong giới văn nghệ Việt Minh trước đó.

Nhà Văn Vũ trọng Phụng với chúng ta. Bài của Trần hữu Tá, viết năm 1999 nhân Kỷ Niệm 60 năm ngày Vũ trọng Phụng qua đời.

Tại Hội nghị tranh luận văn nghệ tổ chức ở Việt Bắc (9-1949) chỉ trong một buổi chiều thảo luận, ba nhà văn rất hiểu biết về tình hình văn học trước Cách Mạng Tháng Tám, rất đáng trọng về tài năng và phẩm chất chính trị đã không hẹn mà nên đều nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Tác giả Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng – đã khẳng định “Sáng tạo Số Ðỏ, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ, thái độ không công nhận cái xã hội ấy” và ca ngợi thái độ cách mạng của nhà văn quá cố. Nhà thơ Tố Hữu trân trọng hơn: “Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng, nhưng cách mạng cảm ơn Vũ Trọng Phụng”. Và theo Nguyễn đình Thi, Vũ Trọng Phụng cũng như Balzac “tác phẩm chép đúng thực tại cũng đã có giá trị cách mạng rồi”. Những nhận xét thật khách quan, khoa học và “mắt xanh tri kỷ”.

Những tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng (Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê) được in lại và được người đọc đón nhận nhiệt tình. Nhà xuất bản Minh Ðức in tập “Vũ Trọng Phụng với chúng ta” gồm các bài viết của Ðào duy Anh, Phan Khôi, Nguyễn mạnh Tường, Trương Tửu, Hoàng Cầm, Văn Tâm. Cũng nhà xuất bản này đã tổ chức kỷ niệm nhà văn. Theo Chế lan Viên “Tố Hữu đã giục Nguyễn huy Tưởng kỉ niệm Vũ trọng Phụng ké với Nhà Xuất bản Minh Ðức kì ấy, lúc ta còn trù trừ”. Trong một bài viết cho báo nước ngoài, giới thiệu văn học Việt Nam, khi nhắc đến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn đình Thi ca ngợi ông là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam” (…) Ðáng chú ý hơn cả, ông Trường Chinh — một trong những vị lãnh đạo chủ chốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam — trong báo cáo tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thú hai (1957) đã xếp Vũ Trọng Phụng bên cạnh tên tuổi những nhà văn, nhà thơ gắn bó hết mình với cách mạng như Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tố Hữu..(…)

Thế nhưng năm 1958 lại có thể được coi là bước ngoặt trong việc đánh giá Vũ trọng Phụng. Trong một số bài viết quan trọng, ông bị phủ nhận triệt để. Tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam Nguyễn đình Thi trong một bài viết nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc Tế Lao động năm 1958 đã đi ngược lại với những đánh giá mấy năm trước đó của chính mình. Tác phẩm Vũ trọng Phụng không còn có “giá trị cách mạng”, nhà văn Vũ trọng Phụng không còn là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của Việt Nam”. Theo Nguyễn đình Thi, tiểu thuyết của Vũ trọng Phụng cũng như tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh “chỉ là hai mặt của cùng một dòng văn học tư sản trước cách mạng. Dòng văn học đó bắt nguồn từ lối sống mục nát của những lớp người trưởng giả bóc lột hoặc ăn bám bóp hầu bóp cổ nhân dân lao động”. Thật khó hiểu trước sự thay đổi thái độ, quan điểm quá nhanh và quá lớn như vậy!

Tiêu biểu hơn cả là sự lên án gay gắt nhưng thiếu căn cứ khoa học là bài viết của ông Hoàng văn Hoan. Về mặt “nhân sinh quan và thế giới quan” ông Hoàng văn Hoan khẳng định: “Vũ Trọng Phụng sống một cách bừa bãi, trụy lạc, chơi bời lung tung”, “có thể nói là một người sống để mà sống, để hưởng lạc, không có lý tưởng lành mạnh”.

Về “khuynh hướng chính trị” theo ông “dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, cách mạng và người cách mạng đã bị xuyên tạc méo mó” và “quan niệm của Vũ Trọng Phụng đối với dân tộc càng bỉ ổi”.

Xét về “khuynh hướng văn học”, theo ông “thì có thể cho là loại văn học đồi trụy”, còn “nếu nhìn về mục đích văn học mà nói thì có thể cho là loại văn học đầu cơ”. Chính vì đầu cơ, nên Vũ trọng Phụng “đã có tiền, có xe ôtô đưa đón đi hút thuốc phiện và công khai viết báo chửi cộng sản!”

Bạn vừa đọc vài đoạn trích bài viết về Vũ Trọng Phụng của Hoàng văn Hoan. Tháng 6 năm 1960 ở Hà Nội, Hoàng văn Hoan là Ủy viên Bộ Chính Trị Ðảng Lao động VN, tức đảng Cộng sản. Y tham dự những buổi thảo luận về Vũ Trọng Phụng với tư cách cá nhân. Sau đó y gửi bài viết của y về Vũ Trọng Phụng đến tạp chí Nghiên Cứu Văn Học. Người chủ trương tạp chí NC Văn Học năm ấy là Ðặng thái Mai đã không đăng bài viết của HV Hoan, nhưng bài viết vẫn được lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ. Vì quá sợ bọn trong Bộ Chính Trị Ðảng CS, vì nhóm Nhân văn Giai Phẩm vừa bị “đánh” tàn nhẫn, đánh đến rập đầu, quì mọp vẫn còn bị đánh, đánh chết dở vẫn không tha, tất cả văn nghệ sĩ đều câm miệng. Tố Hữu, Trường Chinh cũng im tiếng, Vũ Trọng Phụng bị HV Hoan “chôn” từ đấy.

Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam.” Ðấy là đầu đề bài viết của HV Hoan. Mở đầu HV Hoan đánh nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Năm 1956, trong lúc bọn Nhân Văn Giai Phẩm điên cuồng tiến công vào sự lãnh đạo của Ðảng, đặc biệt là lãnh đạo về văn nghệ, thì tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được nêu lên và được coi là đỉnh cao của văn học Việt Nam trong thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Bọn NVGP qua sự lũng đoạn các cơ quan văn hóa, đã in lại hàng nghìn cuốn những tiểu thuyết của VT Phụng, truyền bá rộng rãi trong nhân dân và làm giáo tài về khoa văn ở một số trường học. Việc làm đầy ý thức của chúng cốt để chứng minh rằng: chỉ có văn chương trước Cách Mạng Tháng Tám mới có giá trị, còn sau Cách Mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhà văn phải phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, nghĩa là nhà văn đã mất tự do, nên văn chương chẳng ra hồn. Chúng đã nói ra mặt rằng: một nhà văn thiên tài như VT Phụng thì chẳng cần cách mạng, chẳng cần phải Ðảng lãnh đạo cũng vẫn có thể có tác phẩm tốt. Chúng cho rằng VT Phụng là nhà văn hiện thực chủ nghĩa xuất sắc nhất của chúng ta, chúng nói VT Phụng đã chết với thời gian, nhưng tác phẩm của anh sống vĩnh viễn với lịch sử văn học, chúng nói VT Phụng là bậc thầy của giới văn chương, VT Phụng là cách mạng hơn cả Ðảng.

Nhưng việc làm đầy ý thức của chúng vẫn không mang lại kết quả mong muốn. Rất nhiều người đã viết thư cho các báo và các cơ quan có trách nhiệm văn hóa, yêu cầu đình chỉ ngay việc xuất bản tác phẩm VT Phụng, đình chỉ ngay việc giảng dạy tác phẩm đó trong các trường. Sau một thời gian đấu tranh, bọn NVGP bị vạch trần, đã cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân, và sau khi phát hiện VT Phụng là thư ký tòa soan của Ðông Dương Tạp Chí, đã viết bài công khai chửi cộng sản và Quốc tế cộng sản, thì việc yêu cầu đó mới được thực hiện. (…)

…các đồng chí ta đều biết VT Phụng công khai chửi Ðảng và chửi Quốc tế cộng sản mà sao lại quan tâm đến tác phẩm VT Phụng một cách sâu sắc như thế? Chắc chắn đó phải là những áng văn chương có cái gì quí giá đặc biệt, nếu không đưa vào văn học sử Việt Nam thì sẽ là một sự đáng tiếc chăng? Ðể giải quyết lúng túng này, tôi đã tìm đọc ba quyển Số đỏ, Giông tố và Vỡ đê của VT Phụng viết hồi 1936 là hồi cao trào cách mạng, mà người ta đã coi là “bậc thầy”, “đỉnh cao của văn học”…

Ðoạn viết của HV Hoan ta vừa đọc cho ta thấy hai chuyện:

1 — HV Hoan chưa bao giờ đọc VT Phụng, y mù tịt về những tác phẩm của VT Phụng. Như lời cung khai của y, đến lúc cần viết về VT Phụng y mới tìm đọc ba tác phẩm nòng cốt của VT Phụng là Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê. Tôi nghi không phải chính HV Hoan là người viết bài về VT Phụng, một tên văn sĩ tay sai nào đó đã viết bài để cho HV Hoan ký tên.

2 — Nguyên nhân làm HV Hoan cay cú và căm thù VT Phụng là “VT Phụng đã viết tố cáo những sai lầm và những tội ác của Ðảng Cộng sản Nga, đã tố cáo đích danh bọn Mạc tư khoa gây ra những cuộc biến động trên thế giới”, đã ví Stalin với Am B, đã xếp Chúa Ðỏ ngang hàng với tay cờ bạc bịp trong phóng sự Cạm Bẫy Người. Ðây là lời HV Hoan viết trong bài “Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ trọng Phụng…”

Ðối với Ðảng Cộng sản, Vũ Trọng Phụng viết: “có thể nói rằng những cuộc rối loạn xảy ra trên khắp mặt địa cầu phần nhiều do bàn tay bí mật của Mạc tư khoa gây nên, thì những cuộc thua xiểng liểng của bọn thờ “chủ nghĩa đổ bác” ở khắp Bắc kỳ cũng đều do cái bàn tay bí mật của ông Am B. (ý muốn nói Bolchevich) dính vào vậy. Hơn hẳn Stalin một phương diện. Am B. đã đặt cho tòa nhà mình ở Phố Hàng Cá là “kinh đô đảng bạc bịp”, trong khi Stalin chưa được lúc gọi “Moscou, Capital du Monde”. (Cạm bẫy người, trang 56-theo VT). Ðây là chưa kể những bài công khai chửi Quốc tế cộng sản trên mặt báo.

Bồi bút Hoài Thanh, về hùa, theo đuôi, bám đít HV Hoan, viết về chuyện VT Phụng đả kích Nga Cộng trong bài “Tiếp thu phải có phê phán”:

Gần đây, chúng ta có nhắc đến bài báo dài của Vũ Trọng Phụng:”Nhân sự chia rẽ của Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế”, đăng trên Ðông Dương tạp chí vào tháng 9 và tháng 10-1937 và sau đó bọn tờrốtkít đem in lại thành tập cho dễ phổ biến. Tài liệu ấy chứng tỏ Vũ trọng Phụng nhìn Ðảng rất sai, thậm chí đã đả kích vào Ðảng và ngả theo bọn tờrốtkít.

Như vậy ta thấy nguyên nhân làm cho những người cộng sản Việt Nam ở Hà Nội mạ lỵ, vu khống nhà văn Vũ Trọng Phụng là vì nhà văn chống Cộng sản, chống những tàn ác của cộng sản. Không phải đến những năm 1955, 1960 mới có người Việt chống đảng cộng sản — nhà văn Vũ Trọng Phụng đã chống Cộng từ năm 1933 — những người cộng sản Việt không thể vu cho nhà văn chống Cộng ăn tiền của CIA Mỹ, họ vu cho nhà văn cái tội còn bẩn thỉu hơn là tội « làm mật thám cho Tây », người cộng sản ba láp Hoàng văn Hoan dựng lên chuyện nhà văn được Pháp chi tiền, cho xe ôtô đưa rước đi hút thuốc phiện, một chuyện mà những văn nghệ sĩ cùng thời với Vũ Trọng Phụng lúc đó sống nhăn ở Hà Nội như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn công Hoan, Tú Mỡ, Vũ đình Liên biết là không có nhưng tất cả đều câm miệng hến, không ai dám hé răng nói nửa lời chống lại hành động vu cáo hèn mạt ấy.

Thời gian qua… 1960-1986… Cộng sản Việt thắng trận chiến tranh Việt Nam nhưng chủ nghĩa cộng sản lụn bại trên khắp thế giới, nhân dân Ba Lan vùng lên đập phá gông cùm cộng sản từ năm 1980, đảng Cộng sản Nga mất quyền độc đảng, Liên Xô — thành trì của phong trào cộng sản thế giới — xụp đổ tan tành không còn mảnh vụn. Những người cộng sản Việt Nam không thể không đi vào cuộc đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ”, nền văn nghệ-báo chí bị rọ mõm dưới chế độ cộng sản bắt đầu ngọ nguậy, ve vẩy đuôi, le lưỡi, hít hà. Tên tuổi Vũ Trọng Phụng được nhắc đến, những tác phẩm của Vũ trọng Phụng nằm trong những đáy tủ thời gian dài trong 26 năm được lấy ra, phủi bụi, được nâng niu, hôn hít, bưng lên đặt trên bàn thờ, phóng sự tiểu thuyết Số Ðỏ được thực hiện thành phim. Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số tháng 3-4-1988 đăng bài “Vài ý kiến nhỏ” của Chế lan Viên:

…Sau khi chỉnh huấn, phân biệt bạn thù, phe nó, phe ta, thì anh (VT Phụng) là người của phe ta. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, qua giảm tô, cải cách ruộng đất, anh là người của phe ta. Về Hà Nội, trước các nhố nhăng của tư sản, anh lại càng là người của phe ta. Không phải chỉ tôi thấy như thế mà anh Trường Chinh cũng thấy như vậy khi anh xếp Vũ Trọng Phụng ngang hàng Nam Cao, Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Tố Hữu. Và Tố Hữu cũng thấy như vậy khi anh giục Nguyễn huy Tưởng kỉ niệm Vũ trọng Phụng ké với nhà xuất bản Minh Ðức tổ chức lễ ấy, lúc ta còn trù trừ.

Ấy thế mà đùng một cái, Vũ Trọng Phụng đang từ phe ta bỗng bị đẩy sang phe nó. Vừa rồi, anh Trần hữu Tá có công bố một tư liệu về “vụ” ấy. Ở đây, chỉ nhân cái vụ ấy, tôi muốn xin phép đặt một vấn đề này để suy nghĩ. Là cái nhớ tiềm thức có giá trị gì không bên cái biết nhờ kiến thức? Cố nhiên cái nhớ của anh Tố Hữu, của tôi là những người miền Trung, xa anh Vũ Trọng Phụng không đáng kể lắm. Nhưng cái ấn tượng, cái nhớ của anh Trường Chinh, sống giữa Hà Nội, cùng làm báo một thời với Vũ Trọng Phụng là phải tính đấy. Huống gì anh Trường Chinh lại là người lãnh đạo cách mạng, ai phe ta, phe nó, cái gì là nó, cái gì là ta, anh ở giữa vòng vây của địch, của mật thám, nhất nhất anh phải nhận ra ngay. Thế mà suốt một cuộc kháng chiến, về đến Hà Nội, anh vẫn nhớ ra Vũ Trọng Phụng là người của mình kia mà. Tại sao các nhà phê bình ta lúc ấy không tôn trọng sự nhớ ấy? Chỉ một vài lời phán, một vài tư liệu đâu đâu đã lật ngược, xóa nhào tất cả. Thật đáng buồn!

Anh Chế lan Viên buồn nôn nói bậy. Vũ Trọng Phụng không bao giờ ở trong phe cộng sản. Không những chỉ không bao giờ ở trong phe cộng, Vũ Trọng Phụng còn tích cực chống cộng. Ngay từ năm 1932, khi tuyệt đại đa số dân Việt Nam chưa biết chủ nghĩa cộng sản là gì, Vũ Trọng Phụng đã chống cộng sản, bằng chứng là những bài báo VT Phụng phê phán âm mưu quấy phá thế giới hòng nhuộm đỏ thế giới của Chúa Ðỏ Stalin. Ngoài văn tài, tôi thán phục VT Phụng ở điểm ông có năng khiếu sắc bén về chính trị, ông đã nhìn thấy tính ác độc của những đảng viên cộng sản trước đồng bào của ông những năm mươi năm, ông đã sáng suốt chống cộng trong khi những người được coi là “học giả” cùng thời với ông như Ðặng thái Mai, Bùi Kỷ. Lê Dư vẫn mù tịt về cộng sản. Ông đã một mình lên tiếng chống lại những người cộng sản. Nói ông làm việc ấy vì tiền của Pháp, nói người Pháp chi tiền cho ông làm công việc chống cộng ấy là nói láo.

Anh Chế lan Viên Lè Phè, kẻ suốt một đời bợ đít bọn Trường Chinh, Lê Duẩn, Tố Hữu.., mãi đến năm 1988 — 28 năm sau năm Vũ Trọng Phụng bị bôi nhọ, bị phết bẩn, bị chửi bới tàn tệ ở Hà Nội — mới lè phè góp tiếng. Trong bài nói chuyện ngắn không có ý tưởng gì mới cả anh vẫn bợ đít Trường Chinh, anh nâng bi Trường Chinh là “nhà lãnh đạo biết hết mọi chuyện”, lời nói của anh cho ta thấy rõ hơn tính cách bỉ ổi của bọn đầu xỏ cộng sản: Trường Chinh từng ca tụng Vũ Trọng Phụng, y biết Vũ Trọng Phụng không bao giờ làm mật thám cho Tây, y thấy Hoàng văn Hoan kết tội VT Phụng làm mật thám cho Tây là láo, nhưng y cứ ngậm miệng, y cứ để mặc.

Chế Lè Phè nói Trường Chinh “cùng làm báo một thời với VT Phụng”, lời đó tôi nghi cũng là nói láo. Tôi chưa từng nghe, từng đọc ở đâu chuyện trước 1945 anh Ðặng xuân Khu có thời làm báo, viết báo. Anh Lê Duẩn còn có thời hành nghề công nhân Sở Hỏa Xa Ðông Dương, anh giữ việc bẻ ghi đường tầu, nhưng Trường Chinh Ðặng xuân Khu dường như là anh vô nghề nghiệp. Kể cũng lạ, nghề văn, nghề báo vẫn bị mang tiếng là không nuôi nổi người, những người viết văn, làm báo vẫn bị rè bỉu là bọn sống trụy lạc, trác táng, lưu manh, viết khiêu dâm, viết láo — nhà báo nói láo ăn tiền — nhưng có không ít người vẫn cứ tự nhận mình là nhà văn, nhà báo. Phải chăng vì những người làm văn, viết báo có một cái hào quang hấp dẫn mà những người làm các nghề khác không có, đặc biệt là hấp dẫn những nữ độc giả — những nữ độc giả thân mến của bổn báo, những nữ độc giả thường bỏ tiền mua báo chứ không đọc báo cọp — ở Sài Gòn những năm 1960 thường xẩy ra chuyện có những anh ca la bương tự nhận là văn sĩ nổi danh, là người viết có tiểu thuyết đang ăn khách, đi lừa các nữ độc giả. Có lần một thiếu nữ ẵm con đến tòa báo Lẽ Sống tìm người viết Ngọc Linh — người viết tiểu thuyết Ngọc Linh vừa tạ thế ở Sài Gòn, thọ 72 tuổi — cô nói cô là vợ Ngọc Linh, con cô bồng trên tay là con Ngọc Linh, Ngọc Linh bỏ mẹ con cô nên cô đến tòa báo tìm. Tòa báo cho người đi mời Văn sĩ Ngọc Linh đến gấp để cô nhìn mặt. May quá Ngọc Linh Mái Tóc Dĩ Vãng không phải là anh chàng tự nhận Ngọc Linh văn sĩ đi gạt tiền, gạt tình.

Trong thời gian Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm của ông bị bôi nhọ, bị vùi dập, bị lãng quên ở Hà Nội — từ 1960 đến 1988 — thì ở Sài Gòn, thủ đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, Vũ Trọng Phụng được tôn trọng, những tác phẩm Giông Tố, Số Ðỏ vv.. vẫn có người đọc, toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được tái bản đều đều, được in và lưu hành tự do. Người đọc có thể đến nhà sách Khai Trí tìm mua, dễ dàng, có ngay, bất cứ tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng. Chính quyền và văn giới Việt Nam Cộng Hòa không ca tụng Vũ Trọng Phụng thái quá, cũng có những bài phê bình văn phẩm Vũ Trọng Phụng, những bài viết, những số tạp chí đặc biệt về văn nghiệp của ông, thân thế ông. Nhưng với giọng điệu rất vừa phải. Chúng ta tôn trọng, yêu mến Vũ Trọng Phụng nhưng chúng ta không bốc ông lên mây xanh, chúng ta trang trọng, nhưng không khúm núm trước ông, không công kênh ông, chúng ta đặt ông vào đúng chỗ của ông trong văn học sử. Cũng trong thời gian đó những anh cộng sản ở Hà Nội sau khi vứt Vũ Trọng Phụng xuống cống nay lại moi Vũ Trọng Phụng lên, hôn hít, ca tụng…

Năm 1960 khi Hoàng văn Hoan kết tội láo Vũ Trọng Phụng, tất cả văn nghệ sĩ Hà Nội, nếu không hùa theo chửi hôi, đều câm như hến, Trường Chinh, Tố Hữu cũng ngậm miệng.. Thời gian qua.. Những ngày như lá, tháng như mây… 27 năm sau Ủy Viên bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Oai Như Hạch Hoàng văn Hoan được một người Hà Nội nhắc đến như sau:

Vũ Trọng Phụng và niềm căm uất không nguôi. Người viết Nguyễn đăng Mạnh, báo Thể Thao & Văn Hóa Việt Cộng số 42, ra ngày 17-10-1987.

Một điều may mắn đối với những giá trị văn học, thời gian vẫn là người thẩm định công minh nhất. Nhớ hồi năm 1960, có một kẻ kia đã viết hẳn một bài “nghiên cứu” đánh giá Vũ Trọng Phụng chỉ được có một tài xỏ xiên và gọi ông là một cây bút lưu manh. Sự nghiệp Vũ Trọng Phụng hồi ấy tưởng chừng bị dìm sâu xuống bùn đen không sao ngoi lên được nữa. Nhưng kẻ phát ra ý kiến ấy sau này đã trở thành một tên đại phản quốc, trong khi đó Vũ Trọng Phụng cứ từng bước được giải oan, chiêu tuyết. Giới nghiên cứu lại viết về ông. Rồi Vỡ Ðê được tái bản và Vũ Trọng Phụng trở lại chương trình văn học sử ở đại học. Và không lâu nữa Tuyển Tập Vũ Trọng Phụng sẽ ra mắt bạn đọc.

Ðồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, người đảng viên cộng sản lão thành có tuổi đảng cao hơn tuổi đảng của Chủ Tịch Hồ chí Minh, người đồng chí trung kiên của Chủ Tịch… mà lại là “tên đại phản quốc..?” Ðồng chí khả kính Hoàng văn Hoan là Việt Gian? Kỳ dzậy? 27 năm sau ngày Hoàng văn Hoan kết tội láo văn tài Vũ Trọng Phụng, mười mấy năm sau ngày Hoàng văn Hoan chết già bên Tầu, người viết Nguyễn đăng Mạnh ở Hà Nội vẫn không dám gọi thẳng tên y, vẫn phải nhắc đến y một cách mơ hồ là “kẻ kia”. Người viết Nguyễn đăng Mạnh không dám, và không thể gọi đích danh Hoàng văn Hoan vì gọi đích danh anh sẽ phải nhắc đến việc Việt Gian Ðại Phản Quốc Hoàng văn Hoan là Ủy viên Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng..!

Hôm nay 63 năm sau ngày nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời, tôi sống liêu lạc ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi viết những dòng chữ này về ông. Tôi nghĩ nếu không từ trần về bệnh lao phổi năm 1939 ông Vũ Trọng Phụng sẽ khó sống nổi với những người cộng sản Việt năm 1945, 1946. Những người cộng sản Việt Nam sẽ giết ông trong năm 1945 hay năm 1946 như họ đã giết Khái Hưng, Lan Khai, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Sâm… Những năm trước 1945 các ông Khái Hưng, Lan Khai chỉ viết tiểu thuyết, đâu có ông nào viết đả kích cộng sản Nga và Stalin như ông Vũ Trọng Phụng. Vậy mà hai nhà văn đó đã bị bọn đảng viên Công sản Việt Nam cắt cổ, ông chửi ông nội của bọn Cộng là Stalin, làm sao ông thoát được tay chúng nó!.

Tôi sẽ viết một loạt bài về tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, tôi sẽ trích đăng một số đoạn truyện Giông Tố , những đoạn tôi cho là hay nhất, hấp dẫn nhất, có nhiều vấn đề nhất, cùng với lời bình loạn, lời phụ đề Việt ngữ của tôi. Theo dõi loạt bài ấy quí bạn sẽ có dịp đọc lại tác phẩm Giông Tố của Vũ Trọng Phụng

 

Hoàng Hải Thủy

2011

 


Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM