Michael G. Vann: Máu Người Da Trắng Đổ Trên Đường Phố Huế

 


Michael G. Vann

California State University, Sacramento  

 

Máu Người Da Trắng Đổ Trên Đường Phố Huế --

Vụ Ám Sát Bazin, “kẻ buôn bán nô lệ”

   

Ngô Bắc dịch 

 

 

(gio-o.com: Xem phần phụ chú đặc biệt của dịch giả Ngô Bắc ở cuối bài dịch này để có chi tiết thêm về vụ ám sát Bazin ở Hà Nội.)

 

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1929, lúc tám giờ tối, Alfred François Bazin rời khỏi nhà của congaï métisse [vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp trong nguyên bản, ND] (tình nhân lai chủng tộc) của mình trên đường Phố Huế [route de Hue, tiếng Pháp trong nguyên bản, ND]. Bazin là giám đốc của Tổng Văn Phòng Nhân Lực Đông Dương [Office générale de main d'oeuvre indochinoise, tiếng Pháp trong nguyên bản, ND], một danh xưng chính thức tên của một tổ chức do tư nhân điều hành chuyên "tuyển dụng" lao động cho các đồn điền Michelin. Doanh nghiệp của ông ta tham gia vào khai thác những gì đang trở thành món hàng sinh lợi nhiều nhất của Bắc Kỳ: lao động tay chân với giá rẻ. Làm việc như một người trung gian, Bazin đóng vai một công cụ quan trọng trong việc điều động hàng ngàn nông dân nghèo khổ đến các địa điểm biệt lập ở Vùng Đất Đỏ (Red Earth) của Nam Kỳ. Một số công nhân đã được gửi đến các địa điểm xa xôi ở Thái Bình Dương như New Caledonia, New Hebrides, và Tahiti. Những linh hồn tuyệt vọng này sẵn sàng rời bỏ làng mạc tổ tiên của họ đổi lấy sự hứa hẹn về một mức lương tốt và công việc được đảm bảo. Sau những chặng đường dài khó khăn mà họ đã bị đối xử như chuyến hàng động sản, họ thấy mình gặp phải các điều kiện tồi tệ, những tay quản lý lạm dụng, và những vất vả mà họ không ngờ tới. 1 Suy dinh dưỡng và bệnh tật thì phổ biến và đã kết liễu nhiều sinh mạng. Không nói ngoa quá mức, số phận của những người lao động đã ký giao kèo này được so sánh với phiên bản thế kỷ XX về của việc mua bán nô lệ; Bazin, khi đó là một négrier [tiếng Pháp trong nguyên bản, ND], một kẻ buôn bán nô lệ. 2 Ông ta và văn phòng đã sử dụng nỗi thống khổ ngày càng tăng ở nông thôn để làm lợi cho riêng mình, tìm kiếm lợi lộc đáng kể từ sự tuyệt vọng của nông dân nghèo và cơn thèm khát lao động của các đồn điền. Công việc kinh doanh có lãi cho phép anh ta tận hưởng những khía cạnh tốt đẹp hơn của cuộc sống ở Hà Nội - bao gồm cả một người tình mà anh ta bảo bọc ở rìa thành phố.

 

Xin nhớ cho rằng đêm đó là tối giao thừa đón Tết âm lịch của Việt Nam và rằng ông ta đang rời khỏi giường của nhân tình, Bazin có lẽ không nghĩ ngợi gì về những hàm ý đạo đức trong công việc của mình. Tuy nhiên, một người khác đã nghĩ về điều đó. Theo các báo cáo của cảnh sát, hai người đàn ông Việt Nam mặc âu phục đã tiến tới Bazin. Khu phố chung quanh yên tĩnh lạ thường bởi vì con đường nhộn nhịp bình thường ở Huế trở nên vắng vẻ trong kỳ nghỉ Tết giống như những khu vực dân bản địa còn lại của thành phố. Trên đường phố, họ "cưỡng buộc" và bắt ông ta đọc một bức thư dài 6 trang. Trước khi ông ta có thể đọc hết tài liệu, một bài viết công kích chính trị lên án việc tuyển mộ lao động chân tay cho các đồn điền cao su, một trong hai người đàn ông đã rút ra một khẩu súng lục và bắn người Pháp ba phát ở cự ly rất gần. Tiếng súng thu hút ít sự chú ý bởi tiếng nổ lớn nhỏ của các loại pháo thường thấy trên đường phố Hà Nội trong mùa Tết. Dưới sự bao phủ của bóng tối, những kẻ sát thủ bỏ chạy, không để lại nhân chứng nào cho sự kiện.  3

 

Ý nghĩa của vụ hạ sát Bazin vượt xa sự mất mạng của người đàn ông này. Hành động bạo lực này, tiếp theo là luận chiến chính trị và bạo lực hơn nữa, là một trường hợp nghiên cứu lý tưởng để xem xét các cấu trúc quyền lực chính trị, kinh tế và chủng tộc và các cuộc đấu tranh trong khung cảnh thuộc địa Pháp. Theo mô hình của Edward Berenson trong tập Phiên tòa xét xử bà Caillaux (The Trial of Madame Calliaux), bài viết này sử dụng vụ hạ sát Bazin như một bước tiến tới một lịch sử của đế quốc Pháp, trong đó thuộc địa được liên kết vào câu chuyện quốc gia.4 Tôi cũng rút ra những ví dụ gần đây từ tài liệu về chủng tộc và đế chế. Tác giả Jonathan G. Katz đã nghiên cứu vụ giết một bác sĩ người Pháp ở Maroc thời tiền thuộc địa. Ông sử dụng vụ đám đông giết chết Émile Mauchamp để mô tả các cách thức mà chủ nghĩa thực dân đã len lỏi vào chế độ quân chủ độc lập, trình bày phương cách làm sao một cái chết vì bạo lực đã trở thành lý lẽ cho cuộc chinh phục chính thức. 5 Ở nơi khác, tác giả David Stannard đã khảo sát lịch sử của một vài người đàn ông Á Châu và Hawaii bị tố cáo một cách giả dối tội hiếp dâm và sau đó bị bắt cóc và sát hại bởi người mẹ giàu có của kẻ tố cáo loạn trí.6 Cả hai câu chuyện này đều minh họa tầm quan trọng của bạo lực chủng tộc trong việc duy trì hoặc tranh chấp đế chế.

 

Câu chuyện về cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập của Việt Nam đã được kể nhiều lần và rất chi tiết ở những nơi khác. Bởi mục đích của chúng tôi, chúng tôi có thể giới hạn cuộc thảo luận về tác động của các hoạt động của phe dân tộc chủ nghĩa và phe cộng sản trên dân số người Pháp tại Hà Nội. Như các nhà sử học về cách mạng Việt Nam chẳng hạn như Patrice Morlat đã ghi nhận, năm Bazin bị sát hại, 1929, đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý trong cuộc đấu tranh chống Pháp. "Đã qua rồi chuỗi ngày của những người yêu nước lưu vong, những người ôn hòa và những cuộc bãi khóa của sinh viên!” 8 Thay vào đó, những nhà cách mạng chuyên nghiệp chiếm vị trí trung tâm. Theo sau các gương mẫu của các nhà cách mạng Trung Hoa và được trợ giúp bởi các đồng minh như khối Comintern và Quốc Dân Đảng (Goumindang), các lực lượng Việt Nam chống thực dân đã thành lập các đảng phái quần chúng được tổ chức một cách chặt chẽ. Trong số này, Đảng Cộng sản Đông Dương (Parti Communist Indochinois hay viết tắt là PCI) và Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Nam Quốc dân Đảng hay VNQDD) nổi bật là những phản ứng hiệu quả nhất đối với sự cai trị của Pháp. Trong khi cách mạng được thực hiện và thành công tại vùng nông thôn, các sự kiện ở các thành phố, đặc biệt là Hà Nội, thường xuyên có được sự chú ý áp đảo của thực dân da trắng.

 

Năm 1929 cũng đánh dấu sự trỗi dậy của bạo lực chống thực dân. Trong khi các cuộc kháng chiến vũ trang và các cuộc nổi dậy riêng lẻ xảy ra hàng năm dưới sự cai trị của Pháp ở châu Á, khoảng giữa thập niên 1920 chứng kiến một  thời kỳ tương đối bình lặng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 2 năm 1929, vụ hạ sát Bazin đã ném Đông Dương thuộc Pháp vào một chu kỳ nổi dậy và đàn áp. Bất chấp cường độ đàn áp bạo lực của chính quyền thực dân, cả phong trào dân tộc chủ nghĩa và cộng sản chống thực dân đều phát triển và tiếp tục đặt ra những vấn đề nghiêm trọng cho chính quyền thuộc địa. Tại Hà Nội, sự đổ máu của người da trắng đã gây lo lắng sâu sắc cho cộng đồng châu Âu. Khi sự đàn áp nặng nề diễn ra sau mỗi cuộc nổi dậy, tạo ra một chu kỳ leo thang căng thẳng đè nặng lên người Pháp ở Hà Nội, những năm 1930 trở thành một thời kỳ khủng hoảng kéo dài ở thành phố thuộc địa này. Sự lo lắng, bất an và sợ hãi, thường bị lãng quên kể từ thời kỳ trước chiến tranh, đã quay trở lại Hà Nội thuộc Pháp.

 

Bạo lực là trung tâm của cuộc đối đầu ở thuộc địa. 9 Trong ba thế hệ từ cuộc chinh phục của người Pháp cho đến khi cuộc giải phóng của Việt Minh, bạo lực cụ thể do chủng tộc phân hóa đã bão hòa mọi khía cạnh của cuộc sống ở Hà Nội thuộc địa. Thủ phủ của các phần đất chiếm hữu tại Đông Nam Á của Pháp, thành phố thuộc địa này được sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành và chết trong bạo lực. Bạo lực phổ biến khắp nơi đến mức nó trở thành đặc điểm chính của bản sắc da trắng. Mối quan hệ giữa người da trắng thực dân với bạo lực là một nghịch lý, thể hiện sự kết hợp giữa quyền lực và tính dễ bị xâm hại. Một mặt, đặc quyền của người da trắng được xây dựng dựa trên sự đổ máu trong cuộc chinh phục, sự nghiền nát tàn bạo của các cuộc nổi dậy, và sự đàn áp thường ngày trong cuộc sống hàng ngày. Bạo lực của người da trắng đã tạo nên thực trạng thuộc địa. Mặt khác, là một thiểu số nhỏ bé bị bao quanh bởi đa số thù địch, người da trắng ở trong tình trạng nguy hiểm thường trực. Mối đe dọa về bạo lực bản địa dưới chiêu bài nổi loạn, đấu tranh chính trị hoặc tội phạm đè nặng lên tâm trí của những người định cư. Sự mâu thuẫn giữa quyền lực của người da trắng và tính dễ bị xâm hại của người da trắng đã nâng các trường hợp bạo lực lên mức độ quan trọng và sự biểu trưng thường xuyên phi lý. Bạo lực chủng tộc do đó đã trở thành một đặc điểm trung tâm của cuộc sống ở Hà Nội thuộc Pháp.

 

Ý thức hệ thực dân đã cổ vũ bạo lực. Bối cảnh thuộc địa đã mang lại cho cá nhân người da trắng quyền lực to lớn đối với những người không phải da trắng. Những mối quan hệ quyền lực này bao gồm sự kiểm soát về chính trị, kinh tế và thể chất đối với dân bản địa. Việc trao quyền lực như vậy cho những người định cư mà không có một hệ thống kiềm chế có ý nghĩa đã khuyến khích sự lạm dụng cụ thể những người bị trị. Sự bất bình đẳng về chủng tộc của chủ nghĩa thực dân đã dỡ bỏ những hạn chế xã hội khiến cho bạo lực được kiểm soát ở mẫu quốc, cho phép thực dân da trắng đánh đập, tấn công hoặc xử bắn tương đối không bị trừng phạt. 10 Nói cách khác, người bản xứ bị đánh vì họ có thể bị đánh. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thực dân đã làm mất nhân tính và phân biệt các dân tộc phi châu Âu, gán cho họ nhãn hiệu chung là người bản xứ [indigène, tiếng Pháp trong nguyên bản, ND] và đảm bảo rằng các hành động bạo lực chống lại người không phải da trắng ít quan trọng, thậm chí là gây hậu quả gì, trong nhãn quan của các người da trắng tại thuộc địa. Vì bạo lực là một hành động thống trị thể xác với những tác động tâm lý mạnh mẽ, việc đánh đập một người bản xứ đã làm nhục và hạ phẩm giá nạn nhân. Đối với cả hai bên liên quan, sự làm giảm phẩm giá này báo hiệu sự thấp kém của người dân thuộc địa bị trị và ưu thế của thực dân thống trị. 11 Ý thực hệ đế quốc cũng giúp đổ lỗi cho người da trắng về bạo lực phi da trắng trên nạn nhân bản địa. Viện dẫn đến tâm lý của người bản xứ (indigène), bao gồm trí thông minh thấp hơn, khiếm khuyết về đạo đức và không lương thiện, đầu óc thực dân coi người bản xứ và hành vi xấc xược của người đó như vie6c. Khiêu khích sự đáp ứng khắc nghiệt. từ người da trắng thực dân.12 Từ quan điểm của người định cư, bạo lực thực dân là kết quả bình thường những thất vọng chung khi đối phó với những người bản xứ có vấn

đề. 13

 

Bối cảnh chính trị của thuộc địa đẩy tất cả các khía cạnh của bạo lực vào một khía cạnh khác hẳn với bạo lực ở quê nhà. Trước Thế Chiến I và sự cập bến của một số lượng lớn người không phải da trắng ở châu Âu, các trường hợp bạo lực giữa các chủng tộc thực tế chưa từng xảy ra ở Pháp.14 Bạo lực liên sắc tộc giữa công nhân Pháp và người nhập cư - đáng chú ý nhất là người Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha - thì phổ biến nhưng không kéo theo cùng động lực chủng tộc như bạo lực giữa những người thực dân da trắng và người châu Á, châu Phi, Ả Rập hoặc người Polynesia bị đô hộ. 15 Vì là một phần của cuộc xung đột chính trị lớn hơn, bạo lực giữa các chủng tộc trong bối cảnh thuộc địa hoặc hậu thuộc địa được khoác cho ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bạo lực giữa các chủng tộc. Như tác giả Hannah Arendt đã nhận xét, "bạo lực trong đấu tranh giữa các chủng tộc luôn mang tính giết người, nhưng nó không phải là 'phi lý'; nó là hậu quả hợp lý (logical) và hữu lý (rational) của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism)." 16 Khi mọi người đàn ông hay phụ nữ da trắng đều là một đại diện của một tầng lớp ưu tú của chủng tộc thống trị và mọi người đàn ông hay phụ nữ không phải da trắng đều là thành viên của chủng tộc bị chinh phục, bất kỳ hành động bạo lực cụ thể nào giữa các chủng tộc đều là một phần của cuộc xung đột chính trị lớn hơn. Mỗi khi một người da trắng đánh đập một người hầu hạ, ông ta đang củng cố quyền lực tối cao của người da trắng. Bất cứ khi nào một người không phải da trắng phạm tội chống lại người da trắng, cộng đồng thực dân xem đó là một sự sỉ nhục đối với trật tự mọi việc của thực dân. Chùm quyền lực chính trị này là không thể tưởng tượng được ở Pháp và khác hẳn với tình hình ở Việt Nam thời tiền Pháp thuộc; bạo lực thuộc địa là một hiện tượng độc đáo.

 

Cảnh tượng bạo lực ở Hà Nội không giống như bạo lực ở phần còn lại của Đông Dương thuộc Pháp. Trong trí tưởng tượng của thực dân, Hà Nội đã khác biệt. Với những con phố trang nghiêm và những kiến trúc nghệ thuật đầy ấn tượng thể hiện quyền lực, trật tự và sự ổn định của chế độ thực dân Pháp, Hà Nội không chỉ là một thủ đô chính trị; nó còn là một biểu tượng đế quốc truyền đạt ý tưởng rằng sự can thiệp của Pháp là một cuộc thập tự chinh cho nền văn minh. Quy chế pháp lý của Hà Nội với tư cách là lãnh thổ của Pháp, không phải là một xứ bảo hộ như phần còn lại của Bắc Kỳ, củng cố ý tưởng rằng Hà Nội là một thực thể khác biệt với phần còn lại của Đông Dương và ngụ ý rằng nó được giám sát cao hơn, được kiểm soát tốt hơn, và do đó trật tự và an toàn hơn. Thật không may cho những người thực dân, ý tưởng rằng Hà Nội như một thế giới cách biệt là một ảo tưởng. Với hơn 90% dân số là người Việt và người Hoa, thành phần thiểu số da trắng quá nhỏ để đảm bảo sự yên tĩnh và thanh bình như mong muốn. Tuy nhiên, những đầu óc của viên chức và giới bình dân của chủ nghĩa thực dân Pháp tin rằng Hà Nội duy nhất không bị thâm nhập bởi sự hỗn loạn trong khu vực. Khi sự rối loạn ngẩng cái đầu xấu xí của nó lên, cả cộng đồng dân sự và nhà nước đã phản ứng với sự tức giận, nhanh chóng tìm cách thiết lập lại trật tự. Giải thích bạo lực của người bản xứ ở thủ đô như một sự nhạo báng đối với tất cả những gì mà sứ mệnh khai hóa nền văn minh của Pháp tiêu biểu, những người thực dân da trắng đã đáp trả bằng cách trả thù khắc nghiệt, tàn bạo và thường quá mức đối với những vi phạm trật tự của thực dân.

 

Khi họ rút lui vào buổi đêm Bắc Kỳ lạnh lẽo và tăm tối, hai sát thủ chắc hẳn nghĩ rằng họ đã phạm một tội ác hoàn hảo. Thật không may, nhưng theo phong cách phim đen [film-noir, tiếng Pháp trong nguyên bản, để chỉ loại phim trinh thám, gây sự hồi hộp cho khán giả, ND] cổ điển, những kẻ giết người đã để lại một bằng chứng quan trọng. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ tìm thấy tài liệu viết tay dài sáu trang. Tại văn phòng của Sở Mật Thám [Sûreté, tiếng Pháp trong nguyên bản, ND], một nhân viên đã tuyên bố nhận ra người chấp bút này. Theo các điều tra viên, một Léon Văn Sanh nào đó, tốt nghiệp trường Lycée Albert-Sarraut danh tiếng, đã viết thư. Sau sự khám phá gây kinh ngạc này của cảnh sát, nhà cầm quyền Pháp đã lôi cổ Léon Van Sanh bất hạnh này. Việc này không có gì khó khăn vì cảnh sát đã có một hồ sơ đang theo dõi anh ta kể từ khi anh ta bị bắt vì tội phân phát truyền đơn phản đối việc tuyển mộ và sử dụng "cu-li lao động: coolie labor". Trên thực tế, anh ta đã nhận được bản án sáu tháng tù treo chỉ một tháng trước khi sự từ trần không đúng thời của Bazin.

 

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn cho những kẻ âm mưu khi cảnh sát áp giải Léon Văn Sanh xuống đồn cảnh sát trung tâm. Bị thẩm vấn, anh ta thú nhận đã viết tài liệu cho bố vợ là ông Nguyễn Tấn Long cũng như đã tiếp tay cho ông Nguyễn gây án. Tuy nhiên, anh ta từ chối thừa nhận đã bắn súng và cũng từ chối cho biết địa điểm của ông Nguyễn. Khi các nhân viên của Sở Mật Thám (Sûreté) lục soát quần áo của anh ta, họ tìm thấy một số vật chứng buộc tội được khâu vào lớp lót áo. Đầu tiên là một tài liệu liệt kê tên của nhiều thành viên của VNQDD, do đó ám chỉ anh ta liên hệ với một âm mưu lớn hơn và nối kết Quốc Dân Đảng với vụ hạ sát Bazin. Vật chứng thứ nhì là một bộ sưu tập các truyền đơn và tài liệu cách mạng. Lấy bằng chứng này làm nguyên nhân khả dĩ, Sở Mật Thám đã nhanh chóng tóm gọn những kẻ tình nghi thường lệ. Tòa án đã xét xử 38 nhà hoạt động chống thực dân và tuyên án 2 người trong số họ bị án tử hình treo.17 Thật kỳ lạ, Léon Văn Sanh nhận một hình phạt tương đối nhẹ: một án tù treo 6 tháng khác. Mặc dù là chìa khóa để giải quyết vụ án, nhưng vai trò của anh ta dường như đã bị gạt sang bên lề phần nào. Có lẽ anh ta đã đạt được một sự mặc cả với người Pháp. Một số nhà quan sát cho rằng anh ta không phải là một phần của một âm mưu lớn hơn mà chỉ là hành động vì nghĩa vụ gia đình với Nguyễn Tấn Long. Nguyễn có thể đã gọi cháu trai của mình như một người biết chữ Pháp và một kẻ tốt nghiệp trường danh tiếng nhất của thuộc địa.

 

Bất kể vai trò thực sự của Sanh trong nội vụ, tên tuổi của anh ta sớm trở thành công cụ trong một cuộc bút chiến ở Paris. Sự di cư của tội phạm từ các đường phố Hà Nội sang các trang nhật báo của Paris chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của các thuộc địa tại mẫu quốc. Thật vậy, đây là một ví dụ rõ ràng về bản chất đan xen giữa người dân thuộc địa bị trị và thực dân thống trị ở đế quốc Pháp. Tờ Humanité, nhật báo của Đảng Cộng sản Pháp, ban đầu đã hoan hô cái chết của "kẻ buôn bán nô lệ" Bazin, nhưng cảnh báo trước những hành vi cá nhân như vậy:

 

Có thể giải thích hành động của chàng học sinh trẻ tuổi Léon Sanh là do anh quá bực tức khi chứng kiến cảnh  đồng hương bị bắt nạt, bị cướp bóc và bị tàn sát dã man. Nhưng không phải thông qua một hành động khủng bố mà một người ta có thể chấm dứt hàng ngàn nỗi thống khổ do chế độ này gây ra: đúng là phải thông qua hành động đồng loạt của toàn thể nhân dân Đông Dương chống lại những kẻ áp bức họ. Mà hai mươi triệu 18 người An Nam có thể tự giải phóng mình.

 

Trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Pháp (PCF) đã lên án chủ nghĩa khủng bố, có lẽ họ lo sợ những hành động khủng bố ngẫu nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nó cũng có thể có cảm giác mơ hồ về mối liên hệ khả hữu giữa vụ ám sát này và VNQDD, một đảng phái dân tộc chủ nghĩa nằm ngoài sự kiểm soát của khối Comintern. Vì điều này xảy ra trước khi Stalin tán thành Mặt Trận Bình Dân (Popular Front), thời kỳ mà các cán bộ Đảng Cộng Sản Đức chế nhạo Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức là "Phát Xít Xã Hội" và Tưởng Giới Thạch tàn sát các đồng minh Cộng Sản của mình trên đường phố Thượng Hải, nên việc PCF không ủng hộ ngay lập tức bất kỳ và mọi hoạt động chống thực dân là điều dễ hiểu. Vấn đề cũng phức tạp hơn, PCF cũng phải chú ý đến các mối quan tâm chính trị trong nước của mình, và hàng ngũ những người Cộng Sản Pháp cấp dưới không miễn nhiễm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. 19

 

Bất chấp những phức tạp này, Câu Chuyện Bazin sớm bị đe dọa trở thành Câu Chuyện Sành, ít nhất là trong các trang nhật báo Paris. Nắm bắt các sự kiện và sử dụng chúng cho mục đích riêng của mình, tờ Humanité đã tường thuật chỉ vài tuần sau khi câu chuyện vỡ lở rằng "học sinh Sahn [Sanh]" đã được chuyển từ nhà tù trung tâm Hà Nội đến một phòng giam đặc biệt trong văn phòng của Sở Mật Thám (Sûreté). Khi ở đó, các nhân viên được cho là đã gây ra "những cuộc tra tấn khủng khiếp nhất", bao gồm đốt anh ta bằng chì nóng nấu chảy và xát muối vào miệng bị bỏng của anh ta. Bị đẩy đến quá mức của sự điên cuồng nhưng vẫn không chịu thú nhận chính mình đã sát hại Bazin, linh hồn tội nghiệp này cuối cùng đã chết và trở thành một người tử vì đạo cho sự nghiệp độc lập. Tờ báo kết thúc bài báo bằng cách kêu gọi giai cấp vô sản Pháp đoàn kết với những người An Nam bị đô hộ và giải phóng những người bị áp bức trên trái đất. 20 Tuy nhiên, Sanh không phải là một thanh niên vô tội, như tờ Humanité đã tuyên bố, cũng không phải là một người vô tư về chính trị.

 

Hơn nữa, anh ta không chết trong một căn hầm tối tăm dưới bàn tay của những nhân viên tàn bạo của sở mật thám thực dân. Như tờ Le Matin tiết lộ vài ngày sau đó, câu chuyện chỉ là bịa đặt. Theo bác sĩ trưởng trại giam, Sanh có dáng vóc khá khỏe và còn sống mạnh. Tờ Le Matin sau đó cáo buộc tờ  Humanité đã nói dối để kích động tình cảm chống Pháp ở thuộc địa. 21

 

Rõ ràng, Hà Nội và toàn bộ thuộc địa đang đảm nhận một vai trò mới trong sân khấu chính trị Pháp. Vươn ra khỏi sự che khuất của đế chế Pháp, Câu Chuyện Bazin đã tái tạo Hà Nội như một sân khấu cho các vở kịch có tính chất quốc gia [national, tiếng Pháp trong nguyên bản, ND] Pháp. Mỗi bên trong cuộc bút chiến ở Paris đều tìm thấy tài liệu để đưa sự kiện này thành phiên bản thuộc địa của các cuộc xung đột đe dọa nước Pháp. Đối với Đảng Cộng Sản Pháp, hành động của Sanh là kết quả tự nhiên của hoạt động tội ác của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Việc Michelin sử dụng lao động gần như nô lệ tại các đồn điền cao su của mình để sản xuất nguyên liệu thô cho các nhà máy ở Pháp đã nối kết cuộc đấu tranh của công nhân Pháp tại mẫu quốc với cuộc đấu tranh của các người dân thuộc địa của Pháp. Một quan điểm như vậy đã bác bỏ sự khác biệt về chủng tộc và nhấn mạnh tình đoàn kết quốc tế của những người lao động trên thế giới. Những việc làm của Sanh, ngay dù chỉ là sản phẩm của lòng trung thành với gia đình, sự ganh đua trong kinh doanh hay hoạt động của VNQDD, đã trở thành một trong những hành động đấu tranh cho công bằng xã hội. Các đảng phái ở phía đối lập của phổ trường chính trị đã sử dụng vụ việc như một mối đe dọa đỏ [của phe cộng sản, ND]. Tương tự, bỏ qua một số sự kiện không thuận tiện nào đó và xóa tan mọi sắc thái, tờ Le Matin trực tiếp gắn việc giết Bazin với hoạt động của cộng sản. Trong một bài báo có tựa đề "Một âm mưu cộng sản được khám phá ở Đông Dương: A Communist Plot Is Discovered in Indochina", tờ báo tuyên bố rằng những cá nhân được liệt kê trong tài liệu của Sanh là những người tổ chức một "nhóm chính trị theo kiểu cộng sản". Tuy nhiên, không ai đưa ra bằng chứng để liên kết vụ giết người với PCI. Hơn nữa, bài báo không đề cập đến việc những người có tên trong danh sách là thành viên của một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc, không phải chủ nghĩa Marx.22 Thật vậy, như tác giả Huệ-Tâm Hồ Tài đã ghi nhận, VNQDD trước đây đã lên tiếng tố cáo đấu tranh giai cấp. 23 Sau sự công bố của tờ Humanité báo cáo gỉả dối về cái chết của Sanh, tờ Le Matin đã cáo buộc Đảng Cộng Sản nói dối để kích động một cuộc nổi dậy chống Pháp ở Đông Dương. Theo sự hình dung của tờ Le Matin về vụ việc, những người Cộng sản đã tấn công trật tự xã hội của Pháp cả ở quê hương lẫn thuộc địa. 24 Do đó, cả hai bên đều lợi dụng vụ hạ sát Bazin cho mục đích riêng của mình, biến sự kiện thành một câu chuyện đạo đức liên quan đến chính trị nội nước Pháp nhiều hơn về các tình trạng ở chính Đông Dương. Ở đây, chúng ta thấy sự khởi đầu của vai trò mới của Hà Nội như một

diễn trường cho chính trị Paris. 25

 

Cái chết của Bazin đã không xảy ra trong chốn trống không. Sự bộc phát bạo lực và cường độ hoạt động chống thực dân diễn ra cùng lúc với cái chết của ông ta. Không giống như các phong trào phản kháng dựa trên giới tinh hoa trước đây, các đảng quần chúng hiện đại dẫn đầu làn sóng hoạt động mới này. Cả bản chất và phương thức hoạt động của các đảng phái chống thực dân này đều liên kết họ với những người dân thành thị đông đảo và bất mãn ở Hà Nội và Sàigòn. Sự hấp dẫn của các tổ chức này là hệ quả trực tiếp của sự gián đoạn kinh tế xã hội gây ra bởi sự cai trị của Pháp ở châu Á. Bằng cách phá bỏ tầm quan trọng của làng xã, đánh thuế xa lạ và vô sản hóa giai cấp nông dân Việt Nam, thực dân đã phá bỏ trật tự xã hội hiện có. Chính sách thực dân Pháp tìm cách hiện đại hóa người Việt Nam bằng cách đô thị hóa họ, bắt họ phải nộp thuế, và phá hủy căn cước tập thể của họ. Trật tự thuộc địa mới nhằm tạo ra một Việt Nam hiện đại giữa các đường nét của mô hình tư sản phương Tây. Nhưng trước khi người ta có thể xây dựng hiện đại, các truyền thống phải bị phá hủy trước tiên. Thật không may cho người Pháp, một sự bất chính danh chính trị nội tại đã gây thương tích chí tử cho trật tự thuộc địa mới lấp đầy khoảng trống xã hội của những truyền thống bị phá hủy. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Pháp vào giới tinh hoa được cho là truyền thống của Việt Nam đã làm mất tính chính danh của những cộng tác viên quan lại này. Ngay cả Bảo Đại, vị hoàng đế trẻ tuổi, cũng bị mất uy tín bởi sự phụ thuộc của ông vào các lãnh chúa thuộc địa. Nhân danh chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa phổ thông, sự can thiệp của Pháp và kỹ thuật xây dựng xã hội đã cố gắng lật đổ hệ thống đạo đức Nho giáo truyền thống. Tiếp xúc với phương Tây đã dẫn đến vie6c. hiện đại hóa chính trị - xã hội nhưng trước sự sững sờ của những kẻ thống trị thực dân bảo thủ, lý thuyết Mácxít- Lêninít và hoạt động công đoàn đã có tác động lớn nhất ở Việt Nam. Vào đầu thập niên 1930, các tổ chức dân tộc chủ nghĩa, cộng sản và công đoàn đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự cai trị của Pháp.

 

Nếu vụ hạ sát Bazin, bản thân nó là một hành động bạo lực chính trị phân biệt chủng tộc táo bạo và dữ dội, khiến cư dân da trắng ở Hà Nội hoảng hốt, những sự kiện năm sau đó đã gây nên nỗi kinh hoàng tuyệt đối, một nỗi kinh hoàng chưa từng biết từ những năm trước Thế Chiến I. Vào đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, một năm sau khi Bazin bị sát hại, khoảng bốn mươi binh lính bản địa đã tổ chức một cuộc nổi dậy trong trại của họ ở Yên Báy, giết chết một số sĩ quan da trắng. Trong khi đó, khoảng 60 thường dân đã tấn công một tiền đồn cảnh sát gần đó. Các cuộc tấn công tại Yên Báy được cho là xảy ra trong bối cảnh một loạt các cuộc nổi dậy đồng thời, nhưng vào phút cuối, ban lãnh đạo quân nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc đã hủy bỏ các cuộc tấn công phối hợp. Không may cho nghĩa quân Yên Báy, sự cố đứt liên lạc đã khiến họ không thể hay biết được việc trì hoãn cuộc tấn công. Một phần do sai sót về tiếp vận này, cuộc nổi dậy đã bị đàn áp dữ dội trong vòng vài ngày; trong vòng vài tháng, người Pháp đã bố ráp các người tổ chức đảng, hầu hết là các thành viên cao cấp của VNQDĐ. Trong khi từ quan điểm quân sự, hoạt động chống nổi dậy là một thành công đối với người Pháp, từ khía cạnh chính trị, quân nổi dậy Yên Báy bị kết tội đã ghi được một chiến thắng mang tính biểu tượng. Như chính quyền thực dân đã ghi nhận trong thông tin liên lạc nội bộ của mình, bóng ma của bạo lực chống thực dân như vậy khiến người da trắng cư dân Hà Nội run sợ. 26 Thật vậy, có lý do để lo ngại khi một số quả bom phát nổ trong thành phố, và các nhà chức trách phát hiện thêm vũ khí trong các kho dự trữ bí mật. 27 Đối mặt với một cuộc nổi dậy tiềm tàng ở Hà Nội, chính quyền thực dân đã chỉ định một đội quân lớn cho thành phố. Với các binh sĩ đóng trên toàn thành phố và lệnh giới nghiêm có hiệu lực trong gần hai tuần, Hà Nội bất ngờ được quân sự hóa, biến thành một khu phức hợp được canh gác rộng lớn. 28 Cả lực lượng cảnh sát thành phố và mật vụ đều được đặt trong tình trạng báo động và được tiến hành giám sát suốt ngày đêm khối dân số không phải da trắng. 29 Ngoài Hà Nội, các cuộc nổi dậy đã nổ ra ở một số tỉnh ở Bắc Kỳ. Nhà nước thực dân đã dốc toàn lực chống lại những xáo trộn này, kể cả lần đầu tiên sử dụng máy bay oanh tạc ở Việt Nam. Trong vòng vài tuần, phong trào VNQDD dường như bị dập tắt và tình hình ở Hà Nội trở lại bình thường.

 

Ngay khi người Pháp đang phục hồi sau cuộc nổi dậy của Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản Đông Dương bước vào sàn đấu. Trong khi các cuộc biểu tình thành công nhất của PCI xảy ra bên ngoài Hà Nội, thành phố đóng một vai trò quan trọng cho các nhân viên liên quan đến nhiều âm mưu của đảng. Do vị trí của thành phố là đầu mối trung tâm của mạng lưới đường sắt và đường bộ thuộc địa, các đại lý du lịch thường xuyên đi qua Hà Nội hoặc tổ chức các cuộc họp tại các khách sạn và nhà hàng ở Phố Cổ. 30 Ngay dù con đường dẫn tới chiến thắng của phe Cộng Sản tại Việt Nam đi qua vùng nông thôn nhiều hơn các đường phố, quy mô của khu phố dân bản xứ ở Hà Nội cung cấp một mức độ ẩn danh cho việc lập kế hoạch bí mật. Cộng đồng thường dân da trắng nói chung vẫn không biết gì về các hoạt động ngầm trong khu dân cư bản địa. Không biết gì về những diễn biến này nhưng biết rõ về những trường hợp nổi dậy cấp tỉnh như Yên Báy và Xô Viết Nghệ An, cộng đồng người da trắng kiên quyết cho rằng Hà Nội là một hòn đảo an toàn cho người da trắng trong một vùng biển thù địch của người bản xứ cách mạng. Nông thôn Bắc Kỳ có thể bùng lên trong ngọn lửa phản kháng, nhưng Hà Nội vẫn an toàn. Hà Nội đã được trị an.  Hà Nội là của Pháp. 31

 

Niềm tin của người da trắng này vào sự an toàn của thành phố của họ là một ảo tưởng. Bất chấp sự đàn áp VNQDD và sự tập trung của PCI vào vùng nông thôn, các vụ bạo động chống thực dân lẻ tẻ trong suốt thập niên 1930 đã khiến cảm giác an toàn của người da trắng ở Hà Nội cần phải bị nghi vấn. Ví dụ, vào tháng 6 năm 1932, một người tên Cung-Ngô báo cho cảnh sát về âm mưu ám sát viên chánh án tòa phúc thẩm Hà Nội. Người cung cấp thông tin tuyên bố rằng một hội kín, bao gồm một cách kỳ lạ những người An Nam ăn mặc như người Trung Quốc, sẽ hạ sát viên thẩm phán tại nhà của ông ta trên đường Beauchamp. Việc những kẻ chủ mưu sẵn sàng thực hiện hành vi trong khu vực được cho là an ninh của khu phố châu Âu đã làm tăng thêm sự táo bạo khi sát hại một quan chức cấp cao như vậy. 32 Nếu nhà chức trách Pháp không dập tắt được tội ác này, cộng đồng người da trắng sẽ mất tinh thần một cách nghiêm trọng.

 

Các hành động chống thực dân khác ít chết chóc hơn nhưng có giá trị biểu tượng mạnh mẽ không kém. Để chào đón Thống đốc Jonkheer de Graf, thủ lĩnh vùng Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan, chính quyền thuộc địa đã dựng hai cổng vòm khải hoàn gần ga xe lửa. Trước sự bối rối của nhà chức trách Pháp, các nhà hoạt động đã thiêu rụi các công trình kiến trúc vĩ đại vào đêm trước ngày vị quan khách Hà Lan đến thăm. Hành động đoàn kết chống thực dân toàn châu Á này là một đòn giáng mạnh vào uy tín của người da trắng ở vùng Đông Nam Á thuộc địa. Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng hơn xảy ra khi hai người cộng sản trẻ tuổi châm lửa đốt Sở Cảnh Sát (commissariat) trên đường rue Borgnis-Desbordes [sic, theo bản đồ thời đó, Sở Cảnh Sát Pháp nằm trên đường Rue de Palais de Justice, ND] . Đồn cảnh sát vẫn tồn tại mà không bị hư hại nghiêm trọng, nhưng trong lúc bắt giữ hai kẻ đốt phá, một phát súng đã làm bị thương nhẹ một người châu Âu.33 Những tội ác này, mang tính biểu tượng quan trọng hơn là những cử chỉ phản kháng thực tế, cho thấy sự kiểm soát mỏng manh mà người Pháp đã thực sự thực hiện trên Hà Nội. Cảnh sát của Pháp hoàn toàn không có hiệu quả trong việc dự đoán và ngăn chặn nhiều trường hợp tuyên truyền hành động như vậy.

 

 

Việc Alfred François Bazin bị giết có nhiều tầng ý nghĩa. Thứ nhất, nó cho thấy sự lạm dụng của hệ thống lao động thuộc địa và sự phẫn nộ của người dân đối với việc thực hiện sứ mệnh khai hóa văn minh của Pháp. Thứ nhì, vụ hạ sát là vụ đầu tiên trong một loạt các hành động bạo lực leo thang trên khắp Đông Dương thuộc địa và do đó nên được đưa vào tường thuật tổng thể của cách mạng Việt Nam cùng với vụ Yên Báy, tháng 8 năm 1945, Điện Biên Phủ, cuộc Tổng Tấn Công Tết [Mậu Thân 1968, ND] và sự Sụp Đổ / Giải Phóng Sài Gòn năm 1975 [sic, sự tổng gộp các hành động/chiến dịch bạo động thành một chuỗi đấu tranh cách mạng nhất quán xem ra có phần gượng ép, hời hợt và thiếu sót khi không xét đến sự khác biệt về ý thức hệ chính trị của cả phe dân tộc chủ nghĩa lẫn phe cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương la6`n thứ nhất và cuộc Chiến Tranh Việt Nam sau này, ND]. Thứ ba, cuộc bút chiến sau đó của báo chí Paris chứng minh vấn đề thuộc địa được sử dụng như thế nào trong các cuộc đấu tranh chính trị của quốc gia Pháp; cuộc tranh luận không giải quyết dứt khoát này của báo giới báo giới tiết lộ các hoạt động của đế quốc Pháp. Cuối cùng, vụ hạ sát Bazin đâm sâu vào trung tâm của bản chất nghịch lý của thực dân da trắng Pháp, trong đó quyền tối cao về chính trị, vật chất và văn hóa của người da trắng không bao giờ có thể tạo ra cảm giác an toàn và an ninh mà thực dân mong muốn biết bao./-

 

 

_____

 

CHÚ THÍCH

 

1.        Để biết chân dung cuộc sống tại các đồn điền, xem Trần Tử Bình, The Red Earth: A Vietnamese Memoir of Life on a Colonial Rubber Plantation (Đất Đỏ: Hồi ký Của Một Người Việt Nam về Cuộc Sống tại một đồn điền cao su thuộc địa), phiên dịch bởi John Spagens, Jr.

(Ohio: Ohio University Center for International Studies, Center for Southeast Asian Studies, 1985). 

 

2.        Nhật báo Cộng sản ở Paris đưa tin vụ hạ sát Bazin là cái chết của một kẻ buôn bán nô lệ: "Le

'négrier' Bazin, grand recruteur d'Annamites, a été abattu d'un coup de revolver," Humanité  , ngày 14 tháng 4 năm 1929. Cũng xem David Northrup, Indentured       Labor in the Age of Imperialism

(Lao động hợp đồng trong thời đại chủ nghĩa đế quốc), 1834-1922 (New York: Cambridge University Press, 1995). Bên cạnh văn bản học thuật này, chúng ta cũng nên ghi nhận những bức chân dung khắc nghiệt của thị trường lao động, các đồn điền và các công trường xây dựng đường sắt thuộc địa trong bộ phim Indochine của Régis Wargnier, một khía cạnh của bộ phim bị Panivong Norindr bỏ qua một cách lạ lùng trong cuộc tấn công kiên quyết của ông vào nỗi hoài niệm thuộc địa trong điện ảnh Pháp: Panivong Norindr, Phantasmatic Indochina: French Colonial Ideology in Architecture, Film, and Literature (Durham NC: Duke University Press, 1996), 131-54. 

 

3.        Center des Archives Section d'Outre-Mer [sau đây gọi là CAOM], Fonds de Service de Liason avec les Originaires des Territoires de la France d'Outre- Mer, III, hồ sơ 39, hồ sơ phụ (sous-dossier) 7: "Assassinat à Hanoï le 9 février, par Léon Van Sanh, de M. Bazin, directeur de l'Office général de recrutement de main d’oeuvre indochinoise "(1929);"Assassinat de M. Bazin ", một tài liệu sao chép không có thông tin về tác giả hoặc nhật kỳ ghi chép; và" Dépêche

Télégraphique Chiffrée: Pasquier, Hanoi au Ministre des Colonies, Paris" (10 tháng 2 năm 1929). Xem thêm Louis Roubaud, Việt-Nam: la tragédie indo-chinoise (Paris: Librairie Valois, 1931), 23.

 

4.        Edward Berenson, The Trial of Madame Caillaux (Berkeley: University of California Press, 1992). 

 

5.        Jonathan G. Katz, Murder in Marrakesh: Émile Mauchamp and the French Colonial Adventure (Bloomington: Indiana University Press, 2006). 

 

6.        David E. Stannard, Honor Killing: How the Infamous "Massie Affair" Transformed Hawai’i, (New York: Viking, 2005). 

 

7.        Công trình của Marr vẫn là quan trọng nhất trong lĩnh vực này: David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 (Berkeley: University of California Press, 1971); cùng tác giả trên (idem), Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981); và cùng tác giả trên (idem), Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley: University of California Press, 1995).

 

8.        Patrice Morlat, La       Répression coloniale au Vietnam (1908-1940) (Paris: L'Harmattan, 1990), 111. 

 

9.        Michael Taussig, Shamanism, Colonialism, and the Wild Man: A Study in Terror and Healing (Chicago: University of Chicago Press, 1987) kết hợp lịch sử, nhân chủng học và những phản ánh cá nhân trong một cuộc khám phá phức tạp và kích thích về bạo lực thuộc địa và phản ứng của người bản xứ ở vùng trồng cao su Putamayo, Nam Mỹ.

 

10.    Nỗi kinh hoàng của Congo Bỉ là minh họa tinh tường cho việc giải tỏa các kiềm chế xã hội đối với bạo lực; xem Adam Hochschild, King Leopold's Ghost: A Story of Greed, Terror, and Heroism in Colonial Africa (Boston: Houghton Mifflin, 1998).

 

11.    Về sự hạ thấp phẩm giá như một tiến trình thuộc địa hóa, xem David Spurr, The        Rhetoric of

Empire: Colonial Discourse in Journalism, Travel Writing, and Imperial Administration (Durham NC: Duke University Press, 1993), 76-91. Frederick Douglass đã chứng kiến những  hiệu ứng làm hư hỏng và hạ thấp phẩm giá của bạo lực chủng tộc. Ông ghi lại cách thức làm sao mà một trong những chủ nhân của ông, một phụ nữ sống ở Baltimore, kẻ chưa bao giờ sở hữu nô lệ trước đây, đã đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của mình khi được giới thiệu với thực tế tàn khốc của việc sở hữu nô lệ. Frederick Douglass, Narrative of the Life of Frederick Douglass, an American Slave, Written by Himself (New York: Signet, 1968), 52-3. 

 

12.    Xem Syed Hussein Alatas, The Myth of the Lazy Native: A Study of the Image of Malays, Filipinos and Javanese from the 16th to the 20th Century and Its Function in the Ideology of Colonial Capitalism (London: Frank Cass, 1977) để có một sự thảo luận về tiến trình này ở Đông Nam Á thuộc địa.

 

13.    Eugène Pujarniscle, Philoxène ou de la littérature coloniale (Paris: Librairie de Paris, 1931), 85-9.

 

14.    John Horne, "Immigrant Workers in France during World War One: Lao động nhập cư ở

Pháp trong Thế chiến thứ nhất," French Historical Studies 24: 1 (1985): 57-88; Tyler Stovall,

"Colour-Blind France? Colonial Workers during the First World War”, Race and Class 35: 2 (1993): 33-55 và cùng tác giả trên (idem), "The Color Line behind the Lines: Racial Violence in France during the Great War,” American Historical Review 103: 3 (1998): 737- 69.

 

 

15 Charles Tilly, The Contentious French (Cambridge MA: Harvard University Press, 1986); và Eugen Weber, France, Fin de Siècle (Cambridge MA: Harvard University Press, 1986), 130-42.

Giống như phần còn lại của Tây Âu, cuộc đấu tranh của nước Pháp thời hậu thuộc địa với chủ nghĩa đa văn hóa đã dẫn đến bạo lực giữa các chủng tộc và sự bài ngoại cứng rắn của Mặt Trận Dân Tộc (Front National); xem Maxim Silverman, Deconstructing the Nation: Immigration,

Racism, and Citizenship in Modern France (New York: Routledge, 1992); Rogers Brubaker,

Citizenship and Nationhood in France and Germany (Cambridge MA: Harvard University Press, 1992); Emmanuel Todd, La nouvelle France (Paris: Seuil, 1987); và cùng tác giả trên (idem), Le        destin des immigrés: Assimilation et ségrégation dans les démocraties occidentales (Paris: Seuil, 1994). 

 

16.     Hannah Arendt, On Violence (New York: Harcourt, Brace, & World Inc., 1969), 76.

 

17.     "Un complot communiste est découvert en Indochine," Le Matin, ngày 18 tháng 4 năm 1929 và "Le Communisme en Indo-Chine," Le Matin , ngày 2 tháng 1 năm 1930.

 

18.     "Le ‘négrier ' Bazin, grand recruteur d'Annamites. "

 

19.     Về lịch sử của Cánh Tả Pháp và chủ nghĩa thực dân, xem David H. Slavin, " The French Left and the Rif War, 1924-25: Racism and the Limits of Internationalism,“ Journal de Contemporary History 26 (1991): 5-32 và Edward Rice-Maximin, Accommodation and Resistance: The French Left, Indochina, and the Cold War, 1944-1954 (New York: Greenwood Press, 1986). Xem thêm Jakob Moneta, La politique du Parti commue français dans la question coloniale, 1920-1963 (Paris: Maspero, 1971) và William J. Duiker, The Comintern and Vietnamese Communism (Athens: Ohio University Center for International Studies - Southeast Asian Program, 1975). 

 

20.     "L'étudiant Sahn a été torturé, et assassiné par la Sûreté générale d'Hanoi," Humanité , 20 tháng 4 năm 1929.

 

21.     "Une provocation à la révolte des Annamites," Le Matin, ngày 11 tháng 5 năm 1929; và "Comment l'Humanité bourre les crânes," Le Matin , ngày 13 tháng 5 năm 1929.

 

22.     "Un complot communiste est découvert en Indochine."

 

23.     Hue-Tam Ho Tai, Radicalism and the Origin of Vietnam Revolution (Cambridge MA:

Harvard University Press, 1992), 218.

 

24,  "Une provocation à la révolte des Annamites," và  "Comment l'Humanité       bourre les crânes," 25 Để nghiên cứu về nỗi ám ảnh của nước Pháp giữa các cuộc thế chiến về các điệp viên và những âm mưu ở những địa phương kỳ lạ, hãy xem Michael B. Miller, Shanghai on the Metro: Spies, Intrigue, and the French Between the Wars (Berkeley: University of California Press, 1994).

 

26.     Văn Khố Quốc Gia Hà Nội [ Hanoi National Archives: sau đây gọi tắt là HNA], Fonds de Mairie de Hanoi [sau đây gọi tắt là MdH], hồ sơ 44: "Rapport annuel du 1er Juillet 1930 au 30 Juin 1931" (1931).

 

27.     CAOM, Fonds du Gouverneur-Général d’Indochine [sau đây gọi tắt là GGI] 53,430:

"Commission Criminelle de Hanoi, Rapport 200 du Président de la Commission Criminelle, Affaire 44: Affaire des bomes de Hanoi" (1930).

 

28.     Morlat, 121. 

 

29.     HNA, MdH, dossier (hồ sơ) 44: "Rapport annuel du 1er Juillet 1930 au 30 Juin 1931" (1931).

 

30.     CAOM, GGI, dossier (hồ sơ) 64200: "Tonkin: Rapport sur la situation politique du Tonkin au cours du mois de Décembre 1936" (1936) và CAOM, GGI, dossier 64201: "Tonkin: Rapport sur la situation politique du Tonkin au cours du mois de Janvier 1937 ”(1937).

 

31.     Không nên bỏ qua sự so sánh với quan điểm của Paris rằng thành phố bị bao quanh bởi một biển các vùng ngoại ô thù địch.

 

32.     CAOM, Fonds de Résident Supérieur du Tonkin (RST), dossier 6775: "Projet d'attentat sur le Premier Président de la Cour" (1932).

 

33.     HNA, MdH, dossier 44: "Rapport annuel du 1er Juillet 1930 au 30 Juin 1931" (1931).

 

-----

Nguồn: Michael G. Vann, White Blood on Rue Hue: The Murder of "le négrier" Bazin,  Proceedings of the Western Society for French History  Volume 34 (2006) , các trang 246- 262.

 

***

 

 

Phụ lục của dịch giả NGÔ BẮC: Để có chi tiết rõ ràng về vụ ám sát Bazin, dưới đây là trích đoạn (các trang 53-58) từ  “CHƯƠNG III: Thực Dân Mua Bán Nô Lệ, trong quyển Việt Nam Quốc Dân Đảng -- Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954 của tác giả Hoàng Văn Đào, tái bản kỳ II tại Westminster, Ca., Hoa Kỳ, không ghi nhật kỳ tái bản). Tác giả là một trong những nhân vật tham dự vào các quyết định cao cấp của Đảng này vào thời điểm đó và do đó hiểu rõ nội vụ và có thẩm quyền để tường thuật sự việc.

 

***

(Trích đoạn)

CHƯƠNG III

 

THỰC DÂN MUA BÁN NÔ LỆ

 

…………………………

.

 

TÊN THỰC DÂN BAZIN BỊ ÁM SÁT

 

1

 

Buổi chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm 1929 tức chiều ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thìn, chiều 30 Tết âm lịch. Tên trùm mua bán nô lệ là Bazin bị giết chết trước căn nhà số 110 phố Huế (Chợ Hôm) Hà nội.

Qua 3 ngày Tết, các báo chí Thủ đô đều loan tin, dân chúng Việt Nam mới biết; còn giới thực dân Pháp thì họ hay tin liền, đều tỏ ra vô cùng hoang mang xao xuyến.

Sang sáng ngày mồng 4 tết (13-2-1929) sở mật thám Bắc Việt phái thám tử đến bổ vây khám xét nhiều nhà trong thành phố, trong số có nhà một học sinh Trung học Albert Sarraut tên là Léon Sanh (1) ở số 25 phố Hàng Đào Hà nội. Nguyên cách đấy hai tháng, Léon Sanh đã bị bắt quả tang rải truyền đơn tố cáo vụ mộ phu đi Tân Thế Giới của Bazin; bị Tòa án Tiểu hình Hà nội kết án 6 tháng tù treo, theo đạo luật vận động có tính cách làm rối cuộc an ninh và gây ra những rối loạn

Do sự nghi ngờ này mà sở mật thám cho khám xét nhà Léon Sanh. Trong khi khám xét lại tìm thấy một mẩu giấy có ghi số 110, và còn lượm được bức thư của cậu viết gửi vào Sàigòn chưa kịp bỏ vào thùng thư nhà Bưu điện, bức thư ấy lối chữ lại giống hệt chữ viết trong bức thư mà người thanh niên bí mật đã trao cho Bazin trước khi hạ thủ.

Do sự kiện trên, mà sở mật thám đã quyết định ra lệnh bắt giam Léon Sanh. Ban đầu họ tưởng là Pháp kiều, sau khám phá ra là công dân Việt Nam hoàn toàn, nên bị tra tấn rất tàn nhẫn. Léon Sanh bắt buộc phải nhận liều chính mình là thủ phạm, rồi được đưa đến trước cửa căn nhà số 110 phố Huế, diễn lại tấn kịch sát nhân. Nhưng căn cứ theo lời khai của chủ nhân số nhà 110 và người tài xế lái xe cho Bazin thì còn thiếu một tòng phạm, người đưa bức thư; không còn biết khai cho ai? Léon Sanh phải khai một tên tưởng tượng là Trần Bình Nam. Sở mật thám không tìm ra ai có tên này, nên bắt đại Nguyễn Tấn Long là chú của Sanh, vì ông Long trước có thầu việc phá rừng cho công ty Đất đỏ ở Nam Việt, mật thám tình nghi cho ông Long có ý cạnh tranh công việc làm ăn với Bazin chăng?

Ra trước phòng Dự thẩm Tòa Án Hà Nội, luật sư súi [sic, xúi?] Léon Sanh cải cung. Nhà chức trách đứng trước một tình thế lúng túng: không thêm được bằng cớ gì chân xác để buộc tội bị can. Hơn nữa, cuộc giảo nghiệm tự dạng trong 2 bức thư nói trên mà sở mật thám đặt hết hy vọng vào đó, thì nhà chuyên môn ở Tòa Án lại kết luận trái với chuyên viên sở mật thám: bức thư đưa cho Bazin không phải do tay Léon Sanh viết, mặc dầu lối chữ giống với chữ bị can.

Đến đây thừa biết rõ thủ phạm không phải là Léon Sanh, nhưng để chấn [sic, trấn?] áp dư luận đương sôi nổi, sở mật thám cho các báo loan tin là đã bắt được thủ phạm vụ ám sát Bazin là Léon Sanh.  Sanh bị tống giam vào ngục thất Hỏa lò.


Sự thực trong vụ ám sát tên thực dân Bazin, nguyên nhân chính xác, và bí mật như sau:

Đứng trước cảnh thống khổ của đồng bào, một số đoàn viên V.N.Q.D.Đ. ở trong các xí nghiệp: Gô Đa, Poinsard et Veyret, Descourd et Cabaud, Denis Frères, Brasserie Hommel … cử đại biểu là đồng chí Nguyễn Văn Viên là ủy viên trong Thành bộ V.N.Q.D.Đ. được Thành bộ trao phó trách nhiệm lãnh đạo các Chi đoàn công nhân, đến yêu cầu Tổng Bộ cho thi hành giết tên trùm mua bán nô lệ là Bazin, để trừ mối đại họa cho dân tộc.

Bước vào Khách sạn Việt Nam [số 38 phố Hàng Bông Đệm, giáp ngõ Tạm Thương, ND] Nguyễn Văn Viên gặp Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt, đồng chí Viên đưa đề nghị của các đại biểu Chi Đoàn Công nhân yêu cầu Tổng bộ xét, xin ra lệnh cho ban ám sát giết Bazin, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trả lời:

- “Nếu nay vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong cấp lãnh đạo của Đảng chúng ta phần đông có tên trong “SỔ ĐEN” của sở mật thám. Thực dân sẽ bắt hết. Đảng sẽ tan, lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở Đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cái cành cây, cây mà đổ tức khắc cành phải héo.”

Hoàng Văn Đào, Nguyễn Hữu Đạt cũng đồng ý với Nguyễn Thái Học. Nguyễn Văn Viên ra về báo cáo lại với các đại biểu Chi đoàn; nhưng họ đều năn nỉ với Nguyễn Văn Viên yêu cầu với Tổng bộ cứu xét lại một lần nữa.

Giữa khi ấy V.N.T.N.C.M.Đ.C.H. [tức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ND] cũng hoạt động rất ráo riết vào với công nhân để tranh thủ đoàn viên, họ cũng rải truyền đơn chống việc mua bán nô lệ của Bazin.

Muốn tranh thủ đoàn viên trong giới công nhân, để gây lực lượng cho Đảng mình, phải có hành động và thành tích đấu tranh cụ thể, làm cho anh em giới công nhân tin tưởng, mà họ đang đòi hỏi ở Đảng mình; nhưng Đảng trưởng lại đã không đồng ý, thì không khi nào ông lại chịu đưa vấn đề ra bàn trước Tổng bộ. Anh Nguyễn Văn Viên tự động bắt đầu theo dõi Bazin. Sau ít ngày được biết rõ là hàng ngày vào mỗi buổi chiều khi tan sở, thì Bazin thế nào cũng đến căn nhà số 110 phố Huế, nhà nhân tình của y là Germaine Carcelle, một ả đầm lai làm nghề bán hàng cho hãng Gô-Đa ở phố Tràng Tiền.

Sau khi điều tra được biết rõ ràng mọi chi tiết, Nguyễn Văn Viên bí mật lấy trộm một khẩu súng lục và một số đạn của hãng Poinsard et Veyret, hãng mà anh đương làm công tác bán hàng cho hãng, đem về huấn luyện cho một đồng chí là Nguyễn Văn Lân để biết xử dụng một cách thuần thục.

Đợi đến chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm 1929, nhằm chiều ngày 30 Tết âm lịch, mọi gia đình trong thành phố đều đóng cửa nghỉ, sửa soạn bữa cơm chiều cúng vái Tổ Tiên, cảnh binh cũng như mật thám đều sao lãng việc canh phòng, Nguyễn Văn Viên cùng Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung tức Ký Cao đến cạnh miễu con, nơi xế cửa nhà Germaine Carcelle đứng đợi Bazin.

Theo thường lệ, Bazin ngồi trong chiếc xe hơi lộng lẫy hiệu Hotchkiss sơn mầu bleu royal đến nhà Germaine.

Vào khoảng hồi 20 giờ, Bazin đầu đội mũ phớt, mình khoác áo pa đờ suy từ trong nhà Germaine bước ra qua đường tiến tới chỗ xe hơi đậu, tài xế của y vội mở cửa xe, Bazin một chân bước lên bệ xe, một chân còn đứng dưới đường, mặt ngoảnh lại để ngón tay lên môi ra hiệu chào lại tình nhân còn đứng trước cửa. Giữa khi ấy tiệm bán thuốc lào xế cửa nhà Germaine đem tràng pháo dài ra đốt ngay trước cửa. Nguyễn Văn Viên liền ra lệnh cho Nguyễn Đức Lung tiến đến trao cho Bazin một phong thư (Bản án tử hình) ngoài bì có tên Hãng Tàu thủy Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Lân liền tiến đến bắn một phát súng lục vào má, trúng hàm răng Bazin; Bazin ngã gục; Lân bồi thêm hai phát nữa, kết liễu đời tên thực dân chuyên mua bán nô lệ.

Mọi nhà trong phố đều đã đóng kín cửa nghỉ ăn Tết, tiếng súng hòa lẫn tiếng pháo, nên không một ai hay biết, ngoài trừ Germaine và tên tài xế, Germaine quá sợ, vội chạy thụt vào trong nhà đóng sập cửa, nhìn ra đường qua khe hở; còn tài xế cũng quá hoảng sợ, vội nằm gục xuống chỗ ngồi lại trong xe.

Sau khi thi hành xong nhiệm vụ, Nguyễn Văn Viên cùng Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung rẽ vào con đường cạnh Chợ Hôm, hồi ấy con đường này còn nhiều hồ ao, đèn điện chưa có, rất ít người qua lại, mãi sau này mới mở mang, đặt tên phố là Harmand. Khi rút lui tới khu nhà rượu, thì ba người chia tay. Nguyễn Văn Viên trở lại nhà Nguyễn Thái Trác ở số 46 Chợ Đuổi (Goussard) trao cho Thái Trác bộ quần áo trút ra, rồi ra đi. Bộ quần áo màu xám ấy gói lại đem sang nhà Lê Thành Vị, và báo cho Vị biết: Nguyễn Văn Viên đã thi hành xong việc giết Bazin. Lê Thành Vị tức khắc buộc thêm một viên gạch rồi đem liệng xuống hồ Chính Trung ở cuối phố Chợ Đuổi.  Phong trào mua bán nô lệ từ đấy dần dần bước vào con đường cáo chung…

-----

(1)   Léon Sanh là người Việt đã dùng một tờ khai sinh của một thanh niên Việt có Pháp tịch đã chết mà không khai tử. Chính tên cậu học sinh bị khám xét nhà và bị bắt giam ấy là Hoàng Văn Tiếp.

(2)   …. 

Ngô Bắc dịch và phụ chú

12.2020

 

http://www.gio-o.com/NgoBac.html

 

© gio-o.com 2020

 

Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM