Phạm Chu Thái Dòng Sông Héraclite


tác giả Phạm Chu Thái

Phạm Chu Thái

dòng sông Héraclite

Vú Mẹ đã khô nguồn sữa cũ

Tình Con còn lại bấy nhiêu thôi …

 (Hồ Dzếnh)

 

Lỗi nào phải ở người Mẹ . Và tình cảnh đứa Con kia cũng nào có gì là đáng trách . Bởi chính Thời Gian là thủ phạm bất nhân : Xem vạn vật như loài chó rơm ( Đạo Đức Kinh - Lão Tử ) .

Nó đã ngâm nga câu thơ trên tự lúc còn rất thanh xuân và tự cho là mình đã cảm , đã thấu : Vú Mẹ , Tình Con , đã khô , còn lại , nguồn sữa cũ , bấy nhiêu thôi . Nhưng có đâu ngờ , phải đến khi ly hương bạc tóc , mới biết mình lầm . Cái lầm đầu tiên , là về chữ Mẹ .                                            

Mẹ trong câu thơ trên thì ra không phải là Mẹ . Lại càng không phải là Mẹ bằng hình hài thịt xương , mà phải được hiểu khác đi . Bạn đã quen gọi đó là Hoa Trắng ư ? Lại coi chừng lầm chết ! Hoa Trắng không phải lúc nào cũng được hiểu , được gọi tên là Hoa Trắng ; tên hoa còn tùy phải được cài trên đâu . Nếu không phải trên Tà Áo Tím thì hoa sẽ có một tên khác : vì trắng đã không còn là trắng , nên gọi đó là Hoa Cố Nhân . Và lắm lúc hoa cũng đã không còn là hoa , nên có người gọi đó là Mầu Kỷ Niệm , kể ra cũng không sai . Con ngựa già của Chúa Trịnh cũng không nên hiểu là tả con ngựa già : 12 năm lao tù và 25 năm quản thúc đến chết dành cho tác giả Phùng Cung là một minh chứng . Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều … mà lại ngỡ rằng thi nhân chỉ có tiếc thương một mùi hương chanh thôn nữ , thì là một cảm nhận nông nỗi . Trước khi bị lọt vào cái bẫy Cộng Sản để rồi trở thành kẻ 30 năm cuối đời phải sống một kiếp sống vờ : ăn gian nói dối , đau ngầm giả vui ; Xuân Diệu có lẽ cũng đã linh cảm được số phận mình mai sau , nên đã có một câu thơ ly biệt xuất thần : Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm / Đem gửi hương cho gió phũ phàng … Bạn bảo sao ? Câu thơ ấy chỉ thuần là nói về hoa , về quy luật thiên nhiên của loài thực vật ? Các ngươi là chất muối của đời … Bạn lại bảo sao ? Chỉ là khoáng chất , chỉ thuần về phạm trù cơ thể học ?

                                                               

Cũng thế , tác phẩm La Peste thai nghén trong thời chiến tranh điêu linh Đệ Nhị Thế Chiến , được chào đời tháng 7 năm 1947 của Albert Camus , cái tên La Peste phải được hiểu khác đi , vì chủ đích tác giả cũng không phải chỉ là viết về câu chuyện cư dân chung quanh thành phố Oran , về chứng bệnh mang tên là Dịch Hạch . La Peste phải được nhìn thẳm sâu , thành phố Oran phải được hiểu là Thế Giới này , để nhận thấy rằng nguyên căn bệnh lý là nằm trong thời đại Hư Vô vì bệnh dịch chủ thuyết không tưởng và tàn độc , mang đúng tên : Phát-Xít và Cộng-Sản . Trong suốt cuộc bình sinh tại thế , Camus đã sáng suốt sớm nhận ra và đã không ngừng dày công cảnh báo . Hai vở kịch MalentenduCaligula là những hồi chuông ban đầu , báo động một đại họa của thế kỷ 20 , mà ngày nay còn rơi rớt lại trên mảnh đất Việt Nam .

 “ Thế hệ chúng tôi 20 tuổi khi Hitler nắm quyền lực , và nơi thủ đô Cộng Sản-Moscou kia , những Tòa Án Nhân Dân đầu tiên đang được thiết lập để thi hành đấu tố , giết người . Chúng tôi đã mất đi 10 năm để chiến đấu chống lại triều đại bạo tàn Phát Xít- Hitler và những kẻ ủng hộ nó ở trong cánh Hữu . Và chúng tôi cũng lại phải mất đi 10 năm kế tiếp , để đấu tranh chống lại chế độ tàn độc Cộng Sản-Staline và bè lũ Qủy Biện đang bảo vệ nó ở trong cánh Tả “ .

 “ Les hommes de ma génération ont eu vingt ans à l’époque où Hitler prenait le pouvoir et où s’organisaient les premiers procès de Moscou . Il nous a fallu , pendant dix ans , lutter d’abord contre la tyrannie hitlérienne et contre les hommes de droite qui la soutenaient . Et pendant dix autres années , combattre la tyrannie stalinienne et les sophismes de ses défenseurs de gauche ” ( Oeuvres complètes - Albert Camus ) .

                                                               

Công lao đóng góp 4 năm (1949-53) cho Việt Minh của chàng kỹ sư Hoàng văn Chí không thể gọi là nhỏ . Nhưng sự chuộc tội của Mạc-Địch thì quả thật là một kỳ tích . Kẻ nào tự nhận mình là một Thư Sinh , biết cầm quyển sách mà đọc , thì không thể không đọc Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc (xb1959 - Sàigòn) , không thể không biết sự dã man vô sản trong Cải Cách Ruộng Đất , không thể không thấy sự ác độc kinh hồn của quái vật chuyên chính Cộng Sản đang sát hại quê hương . Thế thì : tại sao trong đám học trò ấy , từ Nguyễn Khắc Viện đến Nguyễn Ngọc Giao , từ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến Tiêu Dao Bảo Cự , lại theo Cộng Sản ?

 

Là một nhà văn , nhưng lại còn là một nhà báo , Albert Camus đã rất sâu sắc khi kể lại cho người Thầy cũ , dạy Triết những năm đại học ở Algérie , câu chuyện sau đây : khi những chiếc xe tăng Cộng Sản Xô Viết tràn vào lòng phố Budapest ngày 04 tháng 11 năm 1956 , tàn sát đẫm máu sinh viên học sinh và những con người phản kháng của đất nước Hongrie này , một phóng viên nhà báo hỏi một cô bé gái người Hung : lớn lên , nếu chọn phải gia nhập một đảng chính trị , thì em sẽ chọn đảng nào ? Cô bé gái điềm nhiên trả lời : em sẽ chọn gia nhập đảng chính trị bạo tàn nhất , ác độc nhất . Phóng viên nhà báo rất đỗi kinh ngạc về câu trả lời , lại là xuất phát từ một cô bé , nên bàng hoàng hỏi thêm : vì sao thế ? Cô bé gái lại điềm nhiên trả lời : vì nếu cái đảng tàn độc ấy thắng , thì em được an toàn , bời em ở trong đảng của chúng ; còn nếu như cái đảng tàn độc ấy chúng nó có bị thua , thì em cũng được an tâm , vì không sợ bị sát hại !                      

Nguồn Sữa Cũ ! Người ta bảo Thi Nhân rất gần với Thần Linh , nghĩa là chỉ phán , chỉ ngôn theo cảm hứng , chẳng bao giờ bận tâm đến việc lý giải . Là Triết Nhân thì khác , khổ đau rất nhiều , bách chiết thiên ma . Cặm cụi suốt 80 năm trời trong cánh rừng Hắc-Lâm như Heidegger để làm gì thế ? Phải chăng là muốn chỉ ra cái Mạch Giếng Xưa từ cổ đại Hy-La đã bị chôn vùi ? Tại sao lại ưu tư thiết tha về nó như thế ? Vì nhìn thấy cái đi về của Sa Mạc lan dần ? Trời-Đất từ nay xa cách mãi ? Nguồn giếng trong , nhưng không còn người múc , thì giếng kia rồi cũng phải cạn dòng , khô đi . Rời Marseille-Pháp Quốc tháng 5 năm 1942 , đưa cha mẹ xuống tàu sang lánh nạn ở New York-Mỹ Châu , rồi lại khấu đầu tạ lỗi song thân , tự xoay sở tìm cách xuống tàu , tháng 11 năm 1942 , vượt Đại-Tây-Dương quay ngược về Liverpool-Âu-Châu đang dưới bầu trời bom đạn , tự xung phong ghi học khóa huấn luyện để thành nữ-cứu-thương nơi tuyến đầu chiến địa chống Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến , nhưng bị khước từ vì thể chất mong manh , cô giáo triết Simone Weil , cô tiểu thư của kinh đô ánh sáng Paris , cô học trò cưng của vị thầy triết lỗi lạc Alain trường Henri-IV , cô sinh viên tốt nghiệp được chấm hàng đầu môn Triết năm 1931 tại trường lớn Normale Supérieure -rue d’Ulm , đã nhường phần ăn của mình cho các chiến binh , trong căn phòng nhỏ đóng kín cửa nơi khu phố thật nghèo Notting Hill , ngoại ô Luân Đôn , đêm ngày miệt mài viết cả nghìn cả nghìn trang văn , cho đến khi kiệt sức ngã xuống sàn nhà , để rồi chết đi , tuổi mới ngoài 30 ( 03 Fevrier 1909 - 24 Aout 1943 , nghìn nghìn trang văn ấy , Albert Camus ngưỡng mộ nàng vô song , đã gom góp lại , in thành sách cho nàng , cuốn đầu tiên là L’Enracinement ) . Cô thổn thức tâm can gì lắm thế ? Cái Rễ Trời – Racines Célestes.  

“chỉ riêng Ánh Dương là đã không ngừng , tự Trời cao , chiếu ban nguồn năng lượng giúp Rễ cây lớn mạnh cắm sâu vào lòng Đất . Đại Thụ kia , thật ra , vốn đã bén Rễ tự Trời         

 “ seule la Lumière qui tombe continuellement du Ciel fournit à un arbre l’énergie qui enfonce profondément dans la Terre les puissantes racines .  L’arbre est en vérité enraciné dans le Ciel ” (L’Enracinement - Simone Weil)

                                                         

Nguồn Sữa Cũ ! Đứa con Trần Trọng Kim đã bú mút vô cùng thiết tha đẫm lệ trong lời tựa mở đầu bộ Nho Giáo . Đứa con Hồ Dzếnh đã bú mút vô cùng chân phác nghẹn ngào qua 5 chữ : Cô gái Việt Nam ơi ! Đứa con Kiên Giang mỗi bài thơ là một cơn bú mút : Manh Lụa Mo Cau , Gánh Hát Cúng Đình , Lượm Trái Mù U …                                              

Những hạng người như Steve Jobs thì có là gì khiến cho ta phải trầm trồ , kinh ngạc . Chính cái lão nông kia , nghìn thu trước nơi mảnh đất Hán Âm xưa , nhìn cái gầu tát nước , đã nói lên điều gì ( Nam Hoa Kinh – Trang Tử ) , khiến ta cảm động , gợi nhớ hình ảnh Tolstoy lúc cuối đời .

                “ Hãy cho tôi một điểm tựa , tôi sẽ nâng Quả Địa-Cầu này lên ”

                “ Donnez-moi un point d’appui , je soulèverai La Terre”
                  (Archimède)

Điểm tựa ấy , người tìm ở đâu để vịn , để nâng mình ? Linh hồn Câu Thơ ở đâu ? Rừng Thệ-Đa ở đâu ? Đỉnh Núi-Sọ ở đâu ?                    

Rồi sẽ phải ngẩn ngơ như người Kỉ-Nữ của Tố Như trong Văn Tế , mà quay lại chính nơi TÂM mình : Rừng Thệ-ĐaĐỉnh Núi-Sọ ở đó , đồng qui nhi thù đồ , như một lời hằng-thủy đạm nhiên của Khổng nơi chốn Nho-Lâm .                

Võ Phiến sẽ chẳng thể nào gặp Bùi Giáng . Bởi một điều vô cùng giản đơn : kiếp xưa , nơi cõi Ta Bà bể dâu , Võ Phiến là mẫu người “ khôn ” ; mà Bùi Giáng thì lại là hạng rất “ dại ” đến quên mình . Võ Phiến rồi sẽ được gặp lại : Nguyễn Hiến Lê ( trùm hương nguyện - đức chi tặc ) , Vũ Hạnh ( thờ ma Cộng Sản ) , Nhất Hạnh sẽ nhập bọn , thường xuyên có huynh trưởng Nhất Linh ghé thăm ; xà-lim kề cận : có Chế , có Trịnh , có lớp lớp văn thi họa sĩ lũ lượt đi về chen chúc , rất đông ( vui !!! ) . Thanh cao lắm trên kia là cõi Bùi Giáng đang dưỡng vết thương tâm : thi thoảng , vẫn dáng đi cúi gầm mặt , Nhượng Tống cùng người bạn là tác giả “ Nỗi lòng Đồ Chiểu ” đến vấn đạo ; lặng lẽ đi một mình , chàng thanh niên Nguyễn Thái Học âm thầm đến thụ giáo “ Tâm Pháp Huyền Môn ” ; mỗi đầu Xuân , Trần Trọng Kim lại hẹn Nguyễn Du , Nguyễn Trãi đến khai sơn : gặp nhau họ chẳng nói với nhau câu gì , ngay cả đối diện đàm tâm cũng không , chốc chốc có cô Em Mọi ra pha trà ( nhìn bằng nhục nhãn thì cho là có phân chia giai cấp , kỳ thị giới tính ; nhìn bằng tâm nhãn thì : Ôi thôi ! sự thơ ngây man mác thuần nhiên thượng thừa lô hỏa thuần thanh kia của gái sơn lâm đang hằng hằng ban chiếu những hồng ân , những cam lồ cho những tâm hồn xưa kia nơi trần thế đã lắm đa ưu , đa hoạn ! ) .

                                        Hỡi ôi ! Người chỉ là du khách

                                       Giây phút dừng chân Vọng Hải Đài

                                      (Phạm Hầu 1920-1944)                                               

Dăm ba tháng , nó lại lái xe vào phố , mua : thùng nước mắm 12 chai , gạo , bún , phở , hồi , quế , đinh hương , đậu phụ , mắm tôm , nó thích món bánh đúc chấm mắm tôm từ thuở nhỏ . Mỗi lần như thế , từ vùng ngoại ô đèn mờ muỗi mòng bùn lầy kinh rạch , phải bắc qua cây cầu lớn dẫn vào thành phố . Cây cầu lớn mang tên Charles de Gaulle . Cái tên vì thế trở nên quen thuộc với nó .

Đời một gã đàn ông , được ăn to nói lớn như De Gaulle , coi như là đã đạt : sự nghiệp của tay sĩ quan tốt nghiệp trường võ bị St-Cyr ấy không phải là sa trường trận mạc , mà là cái sự nghiệp đọc “ Discours de Guerre “ . Trong suốt 4 năm gian khổ kháng chiến , Moi , Général de Gaulle là viên Tướng bạc tình , yên thân 3 bữa trong ngôi biệt thự ở Berkhamstead , vùng tây-bắc Luân Đôn , nơi xứ sở sương mù Anh Quốc ; chẳng có lấy được một lần dám đặt gót chân trở về Pháp Quốc , cho dù chỉ là để chia sẻ điếu thuốc lá với những người kháng chiến quân gian khổ đói rét kia , một lần . Phải chờ đợi đến khi quân Đồng Minh càn quét bọn Nazi ra khỏi cõi bờ , La Victoire des Nations Unies est maintenant certaine  , thì Đại Tướng mới có can đảm về , bộ quân phục ủi hồ thẳng nếp , đôi bốt đen bóng lưỡng khoe mẽ uy nghi , Khải Hoàn Môn kia , đại lộ Champs-Élysées kia , Ngài hiên ngang đi bước tiên phuông , và không ngừng xuống lệnh với đám tả hữu rằng : chỉ được bước sau chân Ta ! Ăn cũng thế , luôn chơi cha . Trong buổi dạ tiệc thết đãi tại lâu đài La Boisserie , dinh thự của De Gaulle vùng Colombey , tất cả quan khách đều ăn gà , chỉ riêng Đại Tướng thôi là được hưởng món bíp-tếch ; một vị khách nóng mặt chất vấn Mon Général  ( vâng , đánh đấm thì chẳng có gì và cũng chẳng ra gì , nhưng lại rất thích tha nhân gọi mình là Mon Général ; cũng tỷ như tay lính kiểng lính cậu thì rất thích vênh vang hào khí ngút tận mây xanh : mai mốt đụng trận ta không chết … ) , thì Đại Tướng vừa cắt miếng thịt bò vừa trả lời đểu : bởi vì Ta không quen ăn những món thịt mà Ta đã từng quen biết ! Tất cả những điều trên , thật sự ra , chẳng liên quan gì đến nó . Dông dài ra , bởi cái điều liên quan , ấy là : trong chiến tranh , thế giới ngữ ngôn của De Gaulle rất cao cả ,  kêu gọi hy sinh , khiêu gợi tình cảm cao thượng của nhân loại : Cette guerre n’est pas tranchée par la bataille de France . Cette guerre est une guerre mondiale … Elle est la lutte du mensonge contre la vérité , de l’ombre contre la lumière , du mal contre le bien …Sauver la Liberté du Monde … Nhưng sau chiến tranh , thì De Gaulle trở mặt . Cái não trạng tái chiếm thuộc địa nơi các dân tộc nhược tiểu , tiếp tục áp đặt nền bảo hộ nô lệ , duy trì chính sách thực dân kia của tay chính trị gia De Gaulle , khí thế lúc ấy đang ngất trời sau ngày Paris được giải phóng , đã xem khinh nhờn lời cảnh báo của Simone Weil ( nàng phê phán chính sách thực dân bằng vũ lực là con bệnh , là độc dược , là một thứ tâm linh mất gốc , déracinement ; nàng đã viết lá thư lời lẽ rất chân thành cảm động bày tỏ niềm xấu hổ và tạ lỗi đến dân tộc Việt Nam khi nhìn 13 cái đầu Yên-Báy rơi xuống ) mà võ biền De Gaulle đã bỉ thử nàng là “con điên” ( vâng , “con điên” ; mấy chục năm trường Gandhi cũng đã được bỉ thử là “thằng điên” ! ) . Và cũng chính cái chính sách thực dân ấy sau thế chiến đệ nhị , sẽ là cơ hội bằng vàng , miếng mồi béo bở cho Cộng Sản đeo cái mặt nạ dũng sĩ “ Giải Thực ” phát động chiến tranh , từ trường kỳ tiêu thổ chúng chỉ đạo tửng bước đến đốt cháy Trường Sơn . Non nước Việt Nam điêu linh lại càng điêu linh dưới ách Thực Dân Đỏ : tàn độc gấp trăm nghìn lần Thực Dân Trắng ! Vâng , cái đầu dây mối nhợ oan nghiệt của Việt Nam là chỗ đó . Nó ghét De Gaulle là chỗ đó . Còn cái chuyện Ngài Tổng Thống Đại Pháp rất ngưỡng mộ ông hiện sinh-cộng sản-nhân bản-qủy biện J-P Sartre , thì điều ấy chẳng lạ , chỉ là chuyện trâu ngựa tìm nhau , nó chẳng để tâm . Cuối đời , De Gaulle có một điều ray rức hối hận thành tâm , và chính điều hối hận ray rức ấy làm ta thương tâm , ấy là : lúc danh vọng quyền lực tột đỉnh , thì cũng như các bậc vua chúa cổ kim xưa nay , là mong tấm thân được trường sanh bất tử , vì thế mà đi nghe lời thày thuốc cai thuốc lá ; phải đợi đến khi hấp hối nằm trên giường , con người cao ngạo De Gaulle mới vỡ lẽ ra một điều : cai thuốc lá thì cũng chết , trường sanh thì cũng chết , là người thì phải chết .

Trước khi vào thành phố , nó có thói quen : rẽ xuống chân cầu , mua cho mình ly cà phê đen , rồi gã đàn ông già châu Á lũi thủi ra ngoài bãi cỏ men sông , ngồi bệt châm điếu thuốc , mông lung ngó bầu trời dòng sông , chẳng nghĩ ngợi gì . Nhưng , 40 năm đã trôi qua , bao nhiêu nước đã chảy qua cầu , và bây giờ thì nó hiểu , câu văn của Tản Đà ám nó cả đời : Này ai ơi ! Trèo bức tường đổ , trông quãng đồng xa …

                                        Nửa xin để lại bên cầu

                                        Nửa xin trường mộng nhiệm màu mang đi

                                                  ( Bùi Giáng )                                   

           Cho dù Mùa Đông Bắc Cực tưởng như vô tận , tuyết rơi như mãn thiên hoa vũ , trắng xóa cả đất trời ; bước những bước chân lầm lũi tái tê trên mặt nước giá băng , nó vẫn biết rằng dòng sông Héraclite vẫn không ngừng chảy ở đáy sâu : chế độ Cộng Sản rồi sẽ sụp đổ trên Quê Hương nhiệt đới của nó .

 

Phạm Chu Thái

Hiver 2016 - Canada

http://www.gio-o.com/Tet/Tet2016PhamChuThai.htm

© gio-o.com 2016

 

Comments

Popular posts from this blog

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM