tản mạn Lê Thị Huê: Đen Lên

 

lê thị huệ

đen lên

tản mạn

                                      lê thị huệ (bìa trái) và đồng nghiệp tại Evergreen Valley College

 

Tháng Mười men mùa thu len nhẹ vào cổ.

Cứa Cali lá vàng bay bay.

Trường làng tôi mời bà Menchu về nói. Bạn Đỏ lên hát khúc cầu hồn trước khi bà Menchu bắt đầu. Khi đứng giữa sân trường tràn nắng cuối mùa lách hồn vàng vắt qua khung kính Gullo, tôi nói với D., mi đưa cái hình để ta cho lên bài viết của ta. D. nói, oh no no. Không ai được phép chụp hình. Trong khi hát, ta đã muốn dừng lại để nói với mọi người đừng bấm máy. Mi phải biết nếu mi yêu lời hát của ta. Mi được một thứ ân sủng rồi. Đừng hỏi ta những lời như thế.

D. cứ lằng nhằng nói không ai được phép chụp ảnh vì phong tục bộ lạc Da Đỏ xem nghi lễ hát cầu hồn Isáalisali là chuyện thiêng liêng. Không ai được đụng chạm đến những sự linh thiêng ấy. Làm tôi nhớ năm nào về Nam Định đến tham dự lễ Lên Đồng của các bà nhà mình. Tôi muốn chụp hình mà các bà Nam Định nhà mình cũng cứ như D. chuyên môn huơ tay và nói chuyện Lên Đồng là chuyện thiêng liêng. Chụp chụp cái giề. Cất máy hình đê.

Tôi học lối phiên dịch Việt ngữ "ta mi" từ một cô bạn nhỏ gốc Huế sinh ra và lớn lên ở New Jersey Mỹ. Năm 25 tuổi, khi vừa rời một cuộc tình, L. bỏ về Việt Nam mấy tháng. Sang lại Mỹ, bỏ việc ở New York về California. Rồi L. lấy chồng gốc Việt, học nói tiếng Việt, sanh hai thằng con. Hiện L là phụ tá khoa trưởng một University trong hệ thống UC của tiểu bang California. L. làm công việc của một người giám đốc. Cái nghề rất nhiều quyền hành và rất phải "cãi cọ ăn thua tranh giành phân bua đòi hỏi..." L. thường gọi tôi là "cô" và xưng "em", rồi kể những chuyện trên trời dưới đất về cái công việc đầy áp lực kia. Mỗi khi L. kể L. thường phiên dịch như cãi nhau với Khoa Trưởng này Giám Đốc nọ, thì "ta" đã nói cho "mi" nghe như thế, hiểu chưa. Tôi thích cái cách L. dùng "ta và mi". Người Việt hay dùng "tao và mày" để phiên dịch những câu chuyện với người ngoại quốc. Đó là một cách giảm sự kính trọng, so với đời thường, người Việt bị có thái độ qúa kính trọng không cần thiết mỗi khi giao tiếp với người ngoại quốc. Kính trọng vừa phải thì rất nên, nhưng kính trọng dư thừa và không cần thiết đến độ khúm núm thì rất chán.

Ở Mỹ phong trào Việt Kiều Cali nói "mi" theo nghĩa là "Me" của tiếng Anh, tức là "tôi" nhân xưng đại danh từ. Mẹ nói với con thì nói như thế này: "Me (mi) đã nói với you là you đừng có đi sóp ở đó nữa mà you không nghe lời me (mi), you cứ đi", nghĩa là: Mẹ đã nói với con là con đừng đi mua sắm ở đó nữa mà con không nghe lời mẹ, con cứ đi". "Mi" ở đây có nghĩa là "me" trong tiếng Anh

Mi mi "me me", tiếng Việt thời toàn cầu hoá.

 

Bà Menchu lĩnh giải Nobel Hoà Bình lên diễn đàn trường làng tôi chơi một tràng toàn tiếng Tây (Ban Nha). Bả mặc một bộ đồ truyền thống có khăn tròn vấn trên đầu như khăn vấn của mẹ tôi ngày xưa phong tục người Hà Tĩnh. Bà này từng là dân quê mùa cục mịch xứ Guatamela, nổi lên làm cách mệnh ở xứ bả. Được chúng lôi ra cho giải Hoà Bình Nobel 1992. Bây giờ được mời đi diễn thuyết khắp ta bà thế giới. Buổi diễn thuyết ở trường làng tôi có 6 ông cảnh sát to béo đứng nhìn trừng trừng vào đám đông phía dưới để canh cho bả thuyết trình. Bả nói như một bà thần giảng đạo. Chúng ta đang sống trong một thời đại chỉ biết tiền tiền và tiền. Phải để ý đến những giá trị tinh thần hơn. Phải hành động chứ không chỉ nói. Nhớ đi bỏ phiếu mà đừng bỏ cho những người như Bush. Điều tôi ngưỡng mộ bà là bà vấn khăn như khăn vấn người Hà Tĩnh của mẹ tôi. Cái thông điệp đáng nhớ của bả là hãy giữ gìn identity của mình. Ngồi nhìn bả nói chuyện, tôi bỗng hãnh diện là chị em tôi vẫn trò chuyện với nhau bằng tiếng Hà Tĩnh. Có bạn ghẹo tôi nói tiếng Anh giọng Hà Tĩnh. So what. Tôi yêu tiếng Hà Tĩnh mẹ tôi truyền đạt. Hồi nhỏ tôi ương nghạnh giữ tiếng Hà Tĩnh của mình mà không cần biết ai lại ai. Lớn lên bây chừ mới thấy nhờ đó mà tôi tiếp tục giữ được những cái identity khác. Để ngày kia bỗng nhìn lại thấy tự tin và hãnh diện là mình tự phấn đấu để giữ riêng cho mình một cái identity mà sống với đời. Để không bị khủng vì hội chứng "khủng hoảng tên tuổi gốc gác" identity crisis như các bạn mình. Lâu lâu gặp phải những người như Menchu ngày hôm nay cũng biết giữ cái identity của Menchu khi Menchu vấn khăn chu du khắp nơi, tôi bỗng thấy yêu đời, yêu nắng vàng rớt trong sân trường làng của tôi vài giây.

 

Sáng nay tôi diện một mảnh cotton xám thâm thời trang có nịt to bản trễ bụng mua ở phố đông Tokyo. Vớ ni lông đen. Giày cao gót. Len lén kẻng chút xíu. Mặc đi. Mặc đi. Tôi tự nhủ. Ngoài 50 rồi tôi ơi. Tuy cái eo còn ngon nhưng thời gian không còn xanh. Mặc đi. Mai mốt phải vứt bỏ hết. Đến ngày đi bác sĩ và bác sĩ dặn không được đi giày cao gót, phải kiêng cái này kiêng cái kia. Làm sao lòng còn hồ hỡi muốn mang giày cao gót với nịt trệ nữa. Hôm nay ngày mùa thu Cali nắng vàng ơi là đẹp. Tôi bước từ nhà ra xe, đã thấy nhớ tha thiết một nhún đường xưa cũ, chân mang giày nâu cao gót bít kín cột giây từ tiệm Phương 42 Tăng Bạt Hổ Đà Lạt, nhẩy theo những mảng tường nắng loang êm chiều nao. Nhớ nhung và muốn thơ. Muốn dừng lại bên đường ghi xuống giấy lau miệng một câu thơ vừa chợt nẩy trong hồn. Muốn dừng xe viết câu thơ gót dày nhớ hè phố. Lòng rưng rưng khi nghĩ về mình đã từng nhún nhẩy trên những hè phố với những người đàn ông nào đó. 

 

Ba ngày hội thảo gặp toàn Đen. Những Đen thân mến của tôi.

 

Đen nhún nhẩy hát Obama.Obama. Obama. Đen rủ rê tôi mua cái áo thun xanh Obama. Đen hát hip hop. Đen dancing all night. Nhóm sinh viên SBBC Đen lên thuyết trình về kinh nghiệm xì ke, bỏ học, mất nhà, mẹ ly dị, không bố, con mồ côi, dân đầu đường xó chợ, bây giờ thành lập một nhóm đi học đàng hoàng, hứa sẽ chuyển sang UCLA, Berkeley trong tương lai gần. Ai nói dân Việt Nam sính thơ. Tôi chơi với Đen, đi đâu cũng nghe Đen đọc thơ đấy. Và thơ Đen làm cho tôi dâng ngập nỗi buồn chơi vơi.

 

nếu bạn sẵn sàng lớn dậy như tôi sẵn sàng lớn dậy **

hãy với tôi, quay niềm giận dữ thành năng lực

năng lực sẽ tự nó bày tỏ thành lòng quyết tâm

nếu bạn đồng ý như tôi từng đồng ý với bạn

cùng nhau ta hãy chinh phục thế giới, bạn thân (SBBC)

 

Đen trên đây là Đen drug, bỏ học, bây giờ trở lại học, và làm thơ tự nhủ là mình phải "chinh phục thế giới". Đen Obama chắc cũng đã bắt đầu với giấc mơ "chinh phục thế giới" vậy thôi.

 

Trong lúc Tommie Smith thuyết giảng trên bục hội thảo về làm thế nào để đạt một giải Olympic, làm người Đen, và vẫn chiến thắng. Những lời nói của Tommie Smith thật thú vị. Nhưng sáng nay trong lúc ngồi trên xe lửa Caltrain tôi mở laptop ra đã thấy mấy câu thơ . Rồi tôi mang laptop vào phòng hội, len lén mở ra, vừa nghe Tommie Smith thuyết minh vừa đọc bài thơ và rưn rức cười một mình.

 

nằm phơi ơi

nắng mơn man

đời chẳng còn bao nhiêu năm nằm phỡn phơ

nhìn chim hồng mào quay về vườn cũ

kiếm những hạt thu tâm

chim ngoe nguẩy

cùng tôi chia thịt da ương hồn nắng biếc

nuốt ngụm thu giòn lom lỏm môi nhau

chim cùng người áp mặt ngực thu phân

hôn lên đời sống

tháng mười quẩy mùa

mây ửng rừng lá khô

rong rỡ vườn

tôi nằm phơi thời gian

trong háng ấm

rượu ngập tràn tứ chi

bỗng nhớ giọng người đàn ông đã ca bài thu reo

 (thơ lê thị huệ)

 

Tại sao tôi khoái lặn mình trong đám chữ nghĩa lơ ngơ đi tìm chữ ơi đặt vào câu thơ. Trong khi sự thúc hối của đời sống cũng hấp dẫn đá đít tôi không ngừng. Đen đang là đề tài nóng. Nước Mỹ đang lộn ruột vì Đen lên. Con trai tôi suốt ngày tơ tưởng Obama thắng cử. Tháng Mười sinh nhật con lên 18 tuổi. Ngày sinh nhật, trong khi đang luyện đời ở trạm Shanghai, thay vì thắp lên 18 ngọn nến hát Happy Birthday, thay vì mua 18 cái CD, con trai ký đường truyền thẻ tín dụng internet tặng 18 đô la cho qũi bầu cử Barack Obama 2008. 

 

Đời sống của tôi thời gian qua hấp lực Đen bám sát. Ngày nào cũng nghe toàn một lỗ tai Đen. Tôi háo hức cho Obama thắng. Nên tôi bị nhiều kẻ chung quanh sủa la um sùm. Từ lâu tôi là kẻ trật đường. Từ lâu tôi là kẻ ngoài lề. Thiên hạ ôm Trắng thì tôi đã gần rất thân với Đen. Bạn thân mến của tôi là một con Đen to như thùng phi và đẹp cơ cầu. Tôi sống với EOPS mấy chục năm. EOPS là chương trình do Đen tranh đấu từ thập niên 1960 ở sân trường đại học California mà ra. Tuần vừa qua trong chương trình đại hội thường niên thứ 38 của EOPS đại học cộng đồng toàn bang Cali, tôi được vinh danh vì đã phục vụ tốt sinh viên EOPS hơn mười lăm năm nay.

 

Tôi rảo bộ từ khách sạn Westin băng qua cầu xa lộ 101. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi rảo bộ qua bầu trời treo trên xa lộ 101 California. Bình an đã ở cùng tôi.

Tôi đứng trên đường rầy xe lửa cao tầng lầu Caltrain Millbrae lộng gió. Nhìn trời thu trong vắt. Nắng tháng Mười êm. Nắng ba giờ rưỡi chiều mơn man như nắng chiều nào bước lên đồi đại học Đà Lạt. Thứ nắng quái ngây ngất hồn người.

Tôi tựa lưng vào nắng gió tháng Mười. Say cùng tháng Mười Cali có thu vàng trong trong. Có nắng thương vắt qua những tường kính đô thị.

Đen vừa lên.

Đen yêu, Đen đang lên có nghĩa là nhân loại cũng đang lên.

 

lê thị huệ

30/10/2008

 

** If you are ready to grow like I am ready to grow

Bond with me, and turn whatever anger you have to energy

Energy that will manisfest itself to determination,

If you agree with me like I agree with you

Together we conquer the world my friend


 

© gio-o.com

 

 

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM