CUỘC HẢI CHIẾN TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA NGÀY 19 THÁNG 1, 1974: VIỆT NAM CỘNG HÒA

 

Ngô Bắc

biên dịch

TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ CUỘC HẢI CHIẾN

TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA NGÀY 19 THÁNG 1, 1974:

CÁC VĂN KIỆN NGOẠI GIAO CỦA VIỆT NAM CỘNG  HÒA

nguồn:www.gio-o.com

 

Lời Người Dịch:

Dưới đây là bản dịch 6 Công Hàm, Giác Thư, gửi đến các ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, và Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa cùng Bản Tin Phổ Biến Báo Chí của Văn Phòng Đại Diện Thường Trực Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc trong Tháng Một, 1974, ngay trước và sau khi Trung Cộng xâm lăng và cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Các văn kiện này, ngoài giá trị bằng chứng cho chủ quyền của Việt Nam trên các vòng cung đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn nêu bật một yếu tố pháp lý quan trọng, rằng Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự hành sử sự kiểm soát hành chính trong một thời gian lâu dài mà không có sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa [Trung Cộng].

Nguyên bản Anh ngữ và Việt ngữ chính thức chắc chắn còn được lưu trữ tại Văn khố Liên Hiệp Quốc và hồ sơ gốc của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa./-


Văn Kiện 1: gửi Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

 

CÔNG HÀM


Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa gửi lời chúc tụng đến Ngài Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và hân hạnh thỉnh cầu sự chú ý của Hội Đồng Bảo An đến sự việc sau đây:

 

Vào ngày 11 Tháng 1, 1974, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng đã tuyên bố một cách đột nhiên và sai trái chủ quyền của nó trên các vòng cung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Trong ngày kế tiếp, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đã tức thời bác bỏ sự tuyên nhận vô căn cứ này.

 

Bất kể sự bác bỏ này, trong ít ngày vừa qua, nhà cầm quyền Trung Cộng đã không chỉ từ chối việc rút lại sự tuyên nhận bất hợp lý của nó, mà còn vi phạm một cách công khai chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa bằng cách phái các công dân và thuyền của nó tiến vào lãnh hải bao quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quan [?Quang, ND] Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) vốn là các phần thuộc vòng cung đảo Paracels [Hoàng Sa, ND] của Việt Nam Cộng Hòa. Những kẻ này còn đổ bộ lên trên các đảo kể trên, dựng các túp lều và trương cờ của Trung Cộng, trong sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Chính Phủ và Nhân Dân Việt Nam Cộng Hòa phẫn nộ trước các sự vi phạm thô bạo này và cương quyết không khoan thứ chúng.

 

Sự kiện rằng các vòng cung đảo Paracels [Hoàng Sa] và Spratley [Trường Sa] là các bộ phận bất khả phân ly của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa thì hiển nhiên


 

và không thể phủ nhận, và được dựa trên các nền tảng địa dư và lịch sử cũng như theo luật quốc tế.

Thực vậy, từ quan điểm địa dư, các vòng cung đảo Paracels và Spratley gần bờ biển miền trung Việt Nam Cộng Hòa hơn nhiều so với bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc.

 

Về mặt lịch sử, Việt Nam là quốc gia đầu tiên khám phá và phát triển vòng cung đảo Paracels. Theo các tài liệu lịch sử trong quyển Đại Nam Nhất Thống  Chí, Hoàng Đế Gia Long đã thiết lập trong năm 1802 Đội Hoàng Sa để kiểm soát và khai thác nhóm đảo đó; trong năm 1834 dưới thời Hoàng Đế Minh Mạng, quần đảo Hoàng Sa được khắc họa lần đầu tiên trong các bản đồ được ấn hành bởi triều đình Huế, trong chuyên san địa dư nhan đề Hoàng Việt Địa Dư.

 

Trong thời Thực Dân Pháp, Toàn Quyền Đông Dương, qua Nghị Định số 156/SC ngày 15 Tháng Sáu, 1932, đã thiết lập Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên. Sự việc này đã được xác nhận sau hết bởi Dụ số 10 ngày 30 Tháng Ba, 1938 của Hoàng Đế Bảo Đại.

 

Ngày 5 Tháng Năm, 1939, Toàn Quyền Đông Dương một lần nữa phân định các ranh giới hành chính của nhóm đảo Hoàng Sa có danh nghĩa là “Phái Viên Hành Chính Đảo Croissant [Lưỡi Liềm) và Các Đảo phụ Thuộc: Delegation Administrative du Croissant et Dependances” và của nhóm đảo Trường Sa có danh nghĩa là “Phái Viên Hành Chính đảo Amphitrite [An Vĩnh, ND] và Các Đảo Phụ Thuộc: Delegation Administrative de l’Amphitrite et Dependances”.

 

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Việt Nam, Tổng Thống Cộng Hòa vào ngày 13 Tháng Bảy, 1961 đã ban hành Nghị Định Số 174-NK đặt vòng cung đảo Hoàng Sa thành một bộ phận của tỉnh Quảng Nam thay cho tỉnh Thừa Thiên, và thiết lập thành xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang.


 

Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long của cùng quận Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam), theo Nghị Định số 709/BNG/HC ngày 21 Tháng Mười, 1969 của Thủ Tướng Chính Phủ.

Tất cả các sự kiện đó khẳng định và hành sử chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo đó đã không bị phản kháng bởi bất kỳ nước nào, kể cả Trung Cộng.

 

Về mặt luật quốc tế, Trưởng Phái Đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Hòa Bình San Francisco năm 1951 đã tuyên bố rằng Việt Nam thu hồi chủ quyền trên các vòng cung đảo đó, sau khi Nhật Bản từ bỏ các lãnh thổ mà nó đã chiếm đóng bằng vũ lực trong thế chiến thứ nhì. Không nước nào trong số 51 nước tham dự hội nghị đó nêu lên bất kỳ sự phản đối nào trước sự tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

 

Về mặt thực tế, nhà cầm quyền Việt Nam đã nhất quán cho đồn trú binh sĩ và hành sử sự kiểm soát hành chính trên các vòng cung đảo đó, và Hải Quân Việt Nam tuần tra thường xuyên và giám sát an ninh hải hành tại khu vực.

 

Khi cứu xét tất cả sự kiện xác thực nêu trên, sự phản kháng đột nhiên bởi Trung Cộng đối với chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên vòng cung đảo Paracels và sự vi phạm của nó đối với chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa không thể chấp nhận được. Chúng cấu thành một sự đe dọa cho hòa bình và an ninh của vùng này.

 

Chính Phủ và Nhân Dân Việt Nam Cộng Hòa quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của mình và bảo lưu quyền thực hiện mọi biện pháp thích đáng cho cứu cánh này.

 

Việt Nam Cộng Hòa xem tình trạng gây ra bởi hành động nêu trên của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là một hành vi nhiều phần làm nguy hại đến hòa bình và an ninh quốc tế. Do đó, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn yêu cầu Hội Đồng Bảo An thực hiện mọi biện pháp thích đáng mà Hội Đồng xét thấy cần thiết để cải thiện tình hình.


 

Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa nhân cơ hội này xin bày tỏ sự tôn kính trân trọng nhất đến Ngài Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


Đã ký: VƯƠNG VĂN BẮC

Sàigòn, ngày 16 Tháng Một, 1974


 

 

Văn Kiện 2 gửi Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc


Kính Thưa Ngài Chủ Tịch,


Nhân danh Chính Phủ nước Việt Nam Cộng Hòa, tôi mong mỏi có sự lưu tâm của cá nhân ông và của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các hành vi chiến tranh nguy hiểm hiện đang được kéo dài bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chống lại Việt Nam Cộng Hòa, trên lãnh thổ Việt Nam và tại các lãnh hải của Việt Nam.

 

Theo sau sự xác lập vô căn cứ của nó -- như được công bố hôm 11 Tháng Một, 1974 tại Bắc Kinh -- về chủ quyền trên vòng cung đảo của Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng được gọi là Paracels), và tọa lạc giữa các kinh tuyến 111 và 113 Đông, và các vĩ tuyến 15.45 và 17.05 Bắc), Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vào ngày 17 Tháng Một, 1974 và những ngày tiếp theo, đã phái một lực lượng đặc nhiệm hải quân quan trọng gồm 11 chiếc tàu với trọng tải khác nhau, kể cả hai tàu có gắn hỏa tiễn loại Komar, đến khu vực Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 170 hải lý.

 

Chiến sự đã bắt đầu hôm 19 Tháng Một, 1974 vào lúc 8:29 phút (giờ địa phương) sau khi một toán đổ bộ Trung Cộng khai hỏa vào các binh sĩ Việt Nam trên đảo Quang Hòa (cũng gọi là Duncan, 14;42 Đông, 16.27 Bắc).

 

Cùng lúc, các tàu Trung Cộng đã giao chiến với các tàu Việt Nam đồn trú trong khu vực, gây ra các sự tổn thất nhân mạng nặng nề và các sự tổn hại vật chất.

 

Vào ngày 20 Tháng Một, 1974, các máy bay Trung Cộng vốn đã bay qua khu vực trong các ngày trước, đã tham gia cuộc chiến và đã ném bom các vị trí của Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa (Paracels), Cam Tuyền (Robert) và Vĩnh Lạc (Money).


 

Vào lúc thảo văn thư này, binh sĩ Trung Cộng đã đổ bộ lên tất cả các đảo thuộc vòng cung đảo Hoàng Sa, và toán đặc nhiệm hải quân Trung Cộng dường như chuẩn bị để tiến đánh vòng cung đảo Trường Sa (Spratley).

 

Các biến cố nêu trên cho thấy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang dấn mình vào một cuộc xâm lăng vượt qua các biên giới quốc tế, chống lại một quốc gia độc lập và có chủ quyền, với mục đích chiếm đóng và sáp nhập bằng vũ lực các lãnh thổ vốn là một bộ phận bất khả phân ly của Việt Nam Cộng Hòa. Về điều  này, tôi muốn đề cập đến kháng thư của tôi đề ngày 16 Tháng Một, 1974 trong đó tôi đã trình bày chi tiết bằng chứng không thể phủ nhận được về chủ quyền của Việt Nam trên các đảo hiện đang bị tấn công bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

 

Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong khi kêu gọi sự quan tâm của Hội Đồng Bảo An, một lần nữa tái khẳng định sự tin tưởng của mình nơi Liên Hiệp Quốc và sự chấp nhận các mục đích và các nguyên tắc được nêu rõ trong Hiến Chương của Tổ Chức. Việt Nam Cộng Hòa xem sự xâm lược của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa như một sự vi phạm nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế, đe dọa nền độc lập, chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của các nước nhỏ ở mọi nơi, đặc biệt tại Á Châu.

 

Chiếu theo Điều 35, đoạn 2, của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, bởi thế, long trọng kêu gọi sự chú ý của Hội Đồng Bảo An đến tình trạng nghiêm trọng gây ra bởi hành động của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tại khu vực vòng cung đảo Hoàng Sa.

 

Do đó tôi xin thỉnh cầu ông cho triệu tập một phiên họp tức thời để cứu xét sự xâm lăng này bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chống lại Việt Nam Cộng Hòa nhằm thực hiện các hành động khẩn cấp nhằm cải thiện tình hình và đưa đến một sự chấm dứt cuộc xâm lược.


 

Về phần mình, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận trước các nghĩa vụ của sự giải quyết hòa bình dự liệu trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

 

Lâm thời, tôi cũng thỉnh cầu ông vui lòng cho phổ biến thư này như một tài liệu chính thức của Hội Đồng Bảo An đến tất cả quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc và đến mọi quốc gia có tư cách Quan Sát Viên Thường Trực của Tổ Chức [Liên Hiệp Quốc].

 

Xin Ngài Chủ Tịch tiếp nhận sự tôn kính trân trọng nhất của tôi.

 

Sàigòn, ngày 20 Tháng Một, 1974 Đã ký: VƯƠNG VĂN BẮC


 

Văn Kiện 3: gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc

Kính Gửi Ngài Tổng Thư Ký,

Nhân danh Chính Phủ nước Việt Nam Cộng Hòa, tôi mong mỏi có sự lưu tâm của cá nhân ông và của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các hành vi chiến tranh nguy hiểm hiện đang được kéo dài bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chống lại Việt Nam Cộng Hòa, trên lãnh thổ Việt Nam và tại các lãnh hải của Việt Nam.

 

Theo sau sự xác lập vô căn cứ của nó -- như được công bố hôm 11 Tháng Một, 1974 tại Bắc Kinh -- về chủ quyền trên vòng cung đảo của Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng được gọi là Paracels), và tọa lạc giữa các kinh tuyến 111 và 113 Đông, và các vĩ tuyến 15.45 và 17.05 Bắc), Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vào ngày 17 Tháng Một, 1974 và những ngày tiếp theo, đã phái một lực lượng đặc nhiệm hải quân quan trọng gồm 11 chiếc tàu với trọng tải khác nhau, kể cả hai tàu có gắn hỏa tiễn loại Komar, đến khu vực Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 170 hải lý.

 

Chiến sự đã bắt đầu hôm 19 Tháng Một, 1974 vào lúc 8:29 phút (giờ địa phương) sau khi một toán đổ bộ Trung Cộng khai hỏa vào các binh sĩ Việt Nam trên đảo Quang Hòa (cũng gọi là Duncan, 14.42 [111.42. ND] Đông, 16.27 Bắc).

 

Cùng lúc, các tàu Trung Cộng đã giao chiến với các tàu Việt Nam đồn trú trong khu vực, gây ra các sự tổn thất nhân mạng nặng nề và các sự tổn hại vật chất.

 

Vào ngày 20 Tháng Một, 1974, các máy bay Trung Cộng vốn đã bay qua khu vực trong các ngày trước, đã tham gia cuộc chiến và đã ném bom các vị trí của Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa (Paracels), Cam Tuyền (Robert) và Vĩnh Lạc (Money).


Vào lúc thảo văn thư này, binh sĩ Trung Cộng đã đổ bộ lên tất cả các đảo thuộc vòng cung đảo Hoàng Sa, và toán đặc nhiệm hải quân Trung Cộng dường như chuẩn bị để tiến đánh vòng cung đảo Trường Sa (Spratley).

 

Các biến cố nêu trên cho thấy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang dấn mình vào một cuộc xâm lăng vượt qua các biên giới quốc tế, chống lại một quốc gia độc lập và có chủ quyền, với mục đích chiếm đóng và sáp nhập bằng vũ lực các lãnh thổ vốn là một bộ phận bất khả phân ly của Việt Nam Cộng Hòa. Về điều  này, tôi muốn đề cập đến kháng thư của tôi đề ngày 16 Tháng Một, 1974 trong đó tôi đã trình bày chi tiết bằng chứng không thể phủ nhận được về chủ quyền của Việt Nam trên các đảo hiện đang bị tấn công bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

 

Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong khi kêu gọi sự quan tâm của Hội Đồng Bảo An, một lần nữa tái khẳng định sự tin tưởng của mình nơi Liên Hiệp Quốc và sự chấp nhận các mục đích và các nguyên tắc được nêu rõ trong Hiến Chương của Tổ Chức.

 

Việt Nam Cộng Hòa xem sự xâm lược của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa như một sự vi phạm nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế, đe dọa nền độc lập, chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của các nước nhỏ ở mọi nơi, đặc biệt tại Á Châu.

 

Vì thế, tôi thiết tha yêu cầu, chiếu theo Điều 99 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Ngài lôi kéo sự chú ý của Hội Đồng Bảo An đến tình trạng nghiêm trọng gây ra bởi hành động của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc kể từ ngày 11 Tháng Một, 1974 tại khu vực vòng cung đảo Hoàng Sa.

 

Về phần mình, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận trước các nghĩa vụ của sự giải quyết hòa bình dự liệu trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.


 

Tôi cũng thỉnh cầu Ngài vui lòng cho phổ biến thư này đến tất cả quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc và đến mọi quốc gia có tư cách Quan Sát Viên Thường Trực của Tổ Chức [Liên Hiệp Quốc].

 

Xin Ngài Tổng Thư Ký tiếp nhận sự tôn kính trân trọng nhất của tôi.

 

Sàigòn, ngày 20 Tháng Một, 1974 Đã ký: VƯƠNG VĂN BẮC


 

Văn Kiện 4:

 

GIÁC THƯ

 

Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa gửi lời chúc tụng đến các Quốc Gia tham dự vào Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam, được ký kết tại Paris ngày 2 Tháng Ba, 1973, và xin hân hạnh thỉnh cầu sự chú ý đặc biệt của các quốc gia về tình hình nghiêm trọng đang xảy ra tại quần đảo Paracels, ngoài khơi Việt Nam Cộng Hòa.

 

Vào ngày 16 Tháng Một, 1974, đối đáp một sự tuyên xác bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức công bố một lời tuyên bố nêu rõ rằng hai nhóm quần đảo được gọi là vòng cung đảo Paracels và Spratley cấu thành một bộ phận kết hợp của Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ bởi sự gắn bó địa dư, mà còn trên căn bản của một sự biểu lộ liên tục và hòa bình thẩm quyền quốc gia trong một thời khoảng lâu dài. Lời tuyên bố nhằm tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên các vòng cung đảo này.

 

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã tức thời áp dụng hành động quân sự, qua việc phái nhiều tàu chiến đến khu vực và đổ bộ binh sĩ lên quần đảo Paracels. Vào ngày 19 Tháng Một, 1974, lúc 8:29 phút, các binh sĩ Trung Cộng đã khai hỏa vào các binh sĩ Việt Nam trên đảo Quang Hòa (cũng được gọi là Đảo Duncan). Cùng lúc, các tàu của Trung Cộng đã giao chiến với các tàu Việt Nam trú đóng trong khu vực, gây ra sự tổn thất nhân mạng nặng nề và các sự tổn hại vật chất. Vào ngày 20 Tháng Một, 1974, các máy bay Trung Cộng vốn đã bay trên không phận khu vực trong các ngày trước đó, đã tham gia vào hoạt động và ném bom trên các vị trí của Việt Nam trên các đảo Hoàng` Sa (Pattle), Cam Tuyền (Robert), và Vĩnh Lan (Money). Vào buổi chiều ngày 20 Tháng Một, 1974, binh sĩ Trung Cộng đã đổ bộ lên tất cả các đảo của vòng cung đảo Hoàng Sa, và toán đặc nhiệm hải quân Trung Cộng dường như chuẩn bị để tiến tới vòng cung đảo Trường Sa (Spratley).


Điều rõ ràng từ các sự tiến triển này rằng Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang cố tình vận dụng sự sử dụng vũ lực như một phương cách để chiếm hữu lãnh thổ; là một sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc được chấp nhận thông thường của Luật Quốc Gia, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam được ký tại Paris ngày 27 Tháng Một, 1973, và Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam được ký tại Paris ngày 2 Tháng Ba, 1973.

 

Chính Phủ Việt Nam mong muốn kêu gọi sự chú ý đặc biệt của các Bên đến Điều 1 của Hiệp Định Paris, và Điều 4 của Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế, cả hai đều long trọng thừa nhận sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam phải được tôn trọng một cách nghiêm ngặt bởi mọi quốc gia và đặc biệt bởi các nước đã ký kết vào Định Ước sau cùng.

 

Vì tầm nghiêm trọng của tình hình hiện tại, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi các Bên, vì hòa bình và sự ổn định tại khu vực Tây Thái Bình Dương, thực hiện mọi biện pháp mà Các Bên xét thấy thích đáng như được dự liệu nơi Điều 7 của Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam.

 

Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa nhân dịp này bày tỏ lòng tôn kính trân trọng nhất đến các Bên ký kết vào Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam.

 

21 Tháng Một, 1974


 

Văn Kiện 5:

 

BẢN TIN BÁO CHÍ

 

VIỆT NAM CỘNG HÒA

VĂN PHÒNG QUAN SÁT VIÊN THƯỜNG TRỰC TẠI LIÊN HIỆP QUỐC




866 UNITED NATIONS PLAZA, SUITE 547-9, NEW YORK, N.Ỵ 10017 - Điên Thoại: 688-3850

 

Thông Cáo phổ biến bởi Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đề ngày 19 Tháng Một, 1974 về sự xâm lăng các vòng cung đảo Paracels và Spratley bởi Trung Cộng

 

o/o

 

Theo sau các sự tuyên xác phi lý ngày 11 Tháng Một, 1974 về chủ quyền trên các vòng cung đảo của Việt Nam tại Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratley), Trung Cộng đã phái các đơn vị hải quân đến khu vực Hoàng Sa và đổ bộ binh sĩ lên các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).

 

Lực lượng đặc nhiệm hải quân Trung Cộng bao gồm mười một tàu chiến thuộc các loại và có trọng tải khác nhau, kể cả một tàu gắn hỏa tiễn loại Komar.

 

Đối diện với sự xâm lược quân sự này, và để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và An Ninh Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa, các lực lượng hải quân Việt Nam trong khu vực đã ra lệnh quân xâm lăng rời đi.

 

Thay vì tuân hành, các tàu Trung Cộng đã lựa chọn việc giao chiến kể từ ngày 18 Tháng Một, 1974 bằng các cuộc thao diễn khiêu khích và mưu toan đâm vào các tàu Việt Nam.


 

Sáng hôm nay, 19 Tháng Một, 1974, vào lúc 8:29 phút, một hộ tống hạm Trung Cộng loại Kronstadt đã khai hỏa vào khu trục hạm Trần Khánh Dư- HQ-04 của Việt Nam. Các đơn vị Việt Nam đã bắn trả để tự vệ và gây ra sự tổn hại cho chiếc tàu của Trung Cộng. Sự giao tranh vẫn còn đang tiếp diễn gây ra các sự tổn thất nhân mạng và vật chất cho cả hai bên.

 

Các hành động quân sự khởi phát bởi Trung Cộng cấu thành một sự xâm lược công khai chống lại Việt Nam Cộng Hòa, chúng một lần nữa cho thấy chính sách bành trướng và đế quốc được theo đuổi một cách nhất quán của Trung Cộng, như được minh họa bởi sự sáp nhập Tây Tạng, sự xâm lăng Hàn Quốc, và các cuộc tấn công Ấn Độ.

 

Sự xâm lược hiện tại chống lại Việt Nam Cộng Hòa không chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn cấu thành một mối nguy hiểm cho hòa bình và sự ổn định của Đông Nam Á và toàn thể thế giới.

 

Với tư cách một nước nhỏ bị tấn công một cách bất công bởi một cường quốc quân sự, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi tất cả các nước yêu chuộng hòa bình và công lý của thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh bạo tàn của Trung Cộng nhắm vào một quốc gia có chủ quyền và độc lập, hầu bắt buộc Trung Cộng phải tức thời đình chỉ phương hướng hoạt động nguy hiểm của nó. Làm ngơ để sự xâm lược trơ trẽn này tiếp diễn mà không bị kiềm chế sẽ chỉ khuyến khích kẻ xâm lược bám chặt các chính sách bành trướng của nó, sẽ đe dọa sự tồn tại của các nước nhỏ, đặc biệt tại Á Châu.

 

Trong dòng lịch sử của mình, nhân dân Việt Nam đã đánh bại nhiều kẻ xâm lăng ngoại lai. Ngày nay, Chính Phủ và Nhân Dân Việt Nam Cộng Hòa cương quyết không kém để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của mình.

 

Ngày 19 Tháng Một, 1974




Văn Kiện 6: gửi Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

 24 Tháng Một 1974

 

Kính Gửi

Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc,

New York

 

Kính Thưa Ngài Chủ Tịch,

 

Tôi xin đề cập đến thư của tôi đề ngày 20 Tháng Một, 1974, yêu cầu một phiên họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để cứu xét mối đe dọa hòa bình nghiêm trọng gây ra bởi các hành vi chiến tranh kéo dài của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại khu vực vòng cung đảo Hoàng Sa (Paracels).

 

Chúng tôi đã đưa ra lời yêu cầu đó trong hy vọng nghiêm chỉnh rằng Hội Đồng Bảo An sẽ có một khảo hướng xây dựng đối với vấn đề và chấp thuận các biện pháp thích ứng để kiểu sửa chữa tình trạng.

 

Tuy nhiên, Phái Đoàn Thường Trực của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau đó đã đưa ra một tuyên bố hoàn toàn tiêu cực, trình bày một phiên bản xuyên tạc các sự kiện và bám víu vào các sự tuyên xác sai lạc về chủ quyền Trung Hoa trên các vòng cung đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratley).

 

Bởi vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là một hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và có quyền phủ quyết, sự kiện này khiến có ít hy vọng về bất kỳ sự tranh luận xây dựng hay các hành động tích cực.


 

Vì thế, tôi mong muốn thông báo Ngài hay rằng tất cả các sự truyền thông của tôi đến Hội Đồng Bảo An có mục đích lôi kéo sự chú ý của Hội Đồng về tình hình nghiêm trọng hiện có tại khu vực Đông Nam Á, hậu quả của sự xâm chiếm của Trung Cộng vào lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Mọi việc tùy thuộc ở Hội Đồng Bảo An và các hội viên của hội đồng hầu chu toàn các trách nhiệm của mình để quyết định về những sẽ được làm nhằm cải thiện tình hình đó.

 

Tôi muốn nhân dịp này để bác bỏ một lần nữa sự tuyên xác vô căn cứ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên các vòng cung đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratley) và tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam Cộng Hòa trên các quần đảo đó.

 

Trong khi Việt Nam Cộng Hòa tuân thủ một cách triệt để nguyên tắc giải quyết sự tranh chấp quốc tế bằng các phương cách hòa bình, Việt Nam phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của mình.

 

Xin ông Chủ Tịch một lần nữa tiếp nhận sự tôn kính trân trọng nhất của tôi.

 

Đã ký: VƯƠNG VĂN BẮC

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM