Lê Thị Huệ -Trong Khi Sáng Tạo Những Nhân Mạng

 

lê thị huệ

 

trong khi sáng tạo

những nhân mạng 

 

tùy bút

 

MỘT

 

Tôi sanh con trai đầu lòng vào năm ba mươi sáu tuổi.

 

Không có biến cố cá nhân nào trong đời tôi lớn hơn kinh nghiệm này.

 

Trước đây tôi cũng trải qua một biến cố khá lớn lao. Là việc chứng kiến Miền Nam sụp đổ vào năm tôi hai mươi hai tuổi, dẫn đưa đến biến cố tôi rời bỏ Việt Nam và sống ở ngoại quốc cho đến giờ phút này. Còn điều gì lớn hơn việc chứng kiến một quốc gia sụp đổ. Đất đai, quyền lực, quốc kỳ, gia sản, căn cước, lịch sử, bị xóa tẩy tên trên bản đồ!

 

Đây là một biến cố quốc gia mang nhiều yếu tố ngoại tại mà dẫu sao đi nữa, một cô gái tầm thường như tôi chỉ góp phần tương đối nhỏ nhoi nào đó lên bức tranh vĩ đại của một dân tộc.

 

Về phương diện cá nhân hơn, tôi  đã quyết định tời bỏ quê hương vào năm 1975. Nhưng quyết định lớn lao nhất có lẽ là quyết định tôi sanh con vào năm 1989. Tôi đã có con với một quyết định sau bao nhiêu năm sống độc thân. Tôi đã sinh con với những tính toán sau những lần tính toán không muốn có và chưa muốn có. Khi quyết cho ra đời những đứa con tôi đã nghĩ: Nếu có một bí mật nhất trong đời tôi là tại sao mình được sanh ra đời, thì cái cơ hội để tôi có thể tháo gỡ niềm bí mật ấy chính là việc tôi sẽ được quyền chọn lựa và sanh ra đời một đứa con với tất cả mọi dự tính, hiểu biết, và ý thức rõ rệt nhất.

 

Tôi đã muốn rằng đó là một điều tôi hoàn toàn chọn lựa.

 

Điều bí mật về định mệnh con người được sanh ra và quẳng vào đời sống thường được dành phần cho Thượng Đế. Nhưng với vị trí làm mẹ, có lẽ người đàn bà có cái tư cách gần gũi nhất để phát biểu về niềm bí mật này.

 

Tôi trăn trở từ khi có trí khôn về niềm bí mật của số mệnh con người. Tôi đã từng ước muốn khi tôi cho ra đời một con người, tôi đã suy nghĩ, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, và không còn điều gì để thắc mắc nữa.

 

Tôi đã nghĩ mình có một sứ mạng lớn lao đến là dường nào.

 

Tôi đã nghĩ mình có thể nắm được hết chân lý của cuộc đời.

 

Trong cái trực giác bén nhạy của một đứa con gái, trong tư thế tò mò của môt người trí thức, và trong nỗi tham lam tra hỏi của một người cầm bút bi quan, tôi đã cho ra  đời một mạng người là một biến cố hết sức vĩ đại. Tôi đã từng không uống cà phê. Tôi đã từng không say sưa rượu bia trong suốt những năm con gái.

 

Tôi đã từng khôn ngoan đủ để biết  giữ gìn đất đai thân xác mình cho việc trồng trọt những đứa con tương lai. Cả đời tôi chỉ uống bảy viên thuốc ngừa thai. Mấy chục năm trước khi có con, tôi đã cố tránh dùng những chất “hóa học” như thuốc thang. Tôi tránh ngay cả những viên Aspirin  thần dược của những cơn nhức đầu, một chứng bệnh thường xảy đến với tôi vào thời kỳ độc thân. Tôi đã có thể ẩu tả  về nhiều thứ khác nhưng tôi đã tính toán rất kỹ trong việc tôi phải giữ gìn cơ thể tôi cho đến ngày sanh con trước đã.

 

Từ cái ý thức đây là một quyết định hoàn toàn có tính chất chọn lựa. Chọn lựa thời gian để có con . Chọn lựa người để làm bố những đứa con của tôi. Chọn lựa trong tính toán rằng đây là một trong những chọn lựa quyết liệt khác của đời mình… Tôi đã chuẩn bị để sẵn sàng trả lời những câu hỏi nếu mai này con tôi sẽ hỏi về cái ngày ra đời định mệnh của nó.

 

Tôi tưởng là mình đã tính toán mọi chuyện một cách rất hoàn hảo.

 

Tôi tưởng là tôi sẽ tìm được một câu trả lời hoàn hảo về định mệnh của con tôi.

 

Đứa con đầu lòng  của tôi ra đời nặng gần bốn ký. Mẹ nó phải mất gần hai ngày đau đớn gần chết mới sanh được. Thằng bé rất dài, to xương, và đẹp trai. Người bác sĩ Mỹ khi  thấy con trai tôi đã buộc miệng nói: Cô có một cháu trai rất đẹp và sau này cháu sẽ chơi bóng rổ được.

 

Con tôi là kết quả của những gì tôi chăm bón và chuẩn bị. Tôi đã tính toán từng loại Vitamin, từng chất Folic Acid, từng phân tử iron trong mỗi bữa ăn để đủ phần con đang thành hình người trong cơ thể tôi. Tôi đã đọc hàng trăm quyển sách, từ sách rẻ tiền đến sách chuyên môn của trường y khoa làm thế nào để chuẩn bị sanh con cho hoàn hảo. Vào cái năm tháng già cả của cuộc đời con gái ấy, tôi ý thức rằng đây là một niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời. Cái ý thức chín chắn rằng hạnh phúc là do tôi tự tìm lấy và đạt cho bằng được, chứ không ai cho, và không phải là một may mắn bất ngờ. Tôi sanh con ra và ôm con vào lòng cùng một lúc thấy mình chạm đến cái điều mà người ta định nghĩa thế nào là sự nắm bắt niềm “tuyệt đối” và “tương đối” về ý nghĩa của đời sống.

  

 

HAI.

 

Có lẽ biến cố nội tại lớn nhất xảy ra trong đời người đàn bà không phải là ngày đầu có kinh nguyệt, hoặc cuộc hôn phối thứ nhất với người nam, mà có lẽ là cái kinh nghiệm đầu tiên về việc sanh con đẻ cái.

 

Cái ý thức lớn lao nhất đã chuyển biến tâm hồn người đàn bà đã xảy ra trong giai đoạn để trở thành một người mẹ, là kinh nghiệm về tha nhân.

 

Trong công việc trực tiếp góp phần vào việc tạo dựng nên một sinh mạng, người đàn bà đã bị cột làm một với tha nhân. Tha nhân không còn là một ngoại tại , mà là một nội tại. Người đàn bà bị kinh nghiệm người khác là chính mình-mình là kẻ khác-con là mình-mình là con. Một kinh nghiệm không do sự học hỏi mà do bản thể mang đến. Một kinh nghiệm mà người đàn ông hoặc những người đàn bà không sanh đẻ không có được, không hiểu nổi, không trải qua được.

 

Trong khi trải qua diễn biến này, cái tôi của người đàn bà bị thách thức. Một cuộc thách thức rất lớn lao vì sự bất lực của bào thai và của đứa bé ở giai đoạn những năm tháng đầu tiên của đời người. Người đàn bà thấy mình là kẻ hoàn toàn mang lại đời sống cho một con người khác.  

 

Trong khi để trở thành mẹ, người đàn bị ở vị thế chỉ có cho chứ không có nhận. Vào lúc này, muốn ích kỷ cũng không được. Một người đàn bà phải trải qua giai đoạn mang thai và nuôi nấng ba năm đầu tiên của một đứa bé chừng bảy lần, thì dù có muốn ích kỷ đến đâu cũng không thể ích kỷ nổi. Ích kỷ phải bị biệt tích ít nhất là tạm thời trong thời gian người đàn bà trở thành mẹ.

 

Một người đàn ông khi bắt đầu có ý thức về tha nhân và muốn liên hệ với tha nhân, thì đã quy định trong đầu óc họ một đối tượng hoặc một mục tiêu như thế nào. Tha nhân là một hữu thể tách biệt. Ở đây tha nhân là một mục tiêu hay là một đối tượng bên ngoài. Người đàn ông từ lúc sanh ra đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời  đã kinh nghiệm về tha nhân như là một người thứ hai.

 

Vì người đàn ông không trải qua một kinh nghiệm đặc biệt như người đàn bà trong lúc tạo dựng nên một người thứ hai ngay bên trong cơ thể mình. Vai trò làm cha cũng chỉ là một kinh nghiệm gián tiếp. Tha nhân đối với người đàn ông là một kinh nghiệm tương đối. Là một người khác nhỏ hơn, ngang hàng, hoặc lớn hơn mình, chứ người đó không thể là chính mình.

 

Đối với người đàn bà trong kinh nghiệm sanh và nuôi con, tha nhân là một kinh nghiệm trực tiếp và bị trói buộc. Ở vị thế bị cưu mang con và nuôi sống con, người đàn bà không có sự lựa chọn. Trong cái cách thế sống với tha nhân này người đàn bà trải qua một kinh nghiệm nắm giữ một thứ quyền lực tuyệt đối trên tha nhân. Tha nhân là kẻ bất lực trong bào thai và ít ra là trong những năm đầu tiên khi vừa mới chào đời.

 

Sự bất lực của tha nhân lúc sơ sanh đã tạo ra kinh nghiệm để người đàn bà hành xử một thứ quyền lực ban phát tuyệt đối. Một kinh nghiệm tuyệt đối với tha nhân mà người ta chỉ có thể mường tượng ở người đàn ông trong vai trò thượng đế hay vua chúa may ra mới trải qua kinh nghiệm này được.

 

Sống với tha nhân bất lực này, người đàn bà không phải trải qua cái kinh nghiệm cạnh tranh với tha nhân như người đàn ông trải qua ở những kinh nghiệm trong gia đình (anh, chị, em), nơi học đường (bạn học), hoặc trong công việc (đồng nghiệp)..v…v...

 

Kinh nghiệm khác nhau về tha nhân này cũng có thể đã dễ khiến người đàn ông có thể thông thường nhìn thấy mặt nổi bật, mặt xuất sắc của tha nhân đặng dùng đó làm chuẩn so sánh và tranh đua để đạt những thành tích cá nhân. Trong khi người đàn bà có thể lại dễ nhạy cảm với mặt yếu đuối hoặc hèn kém của tha nhân để giúp đỡ, chấp nhận hoặc cộng tác.

 

 

 

Tôi thường đùa cợt với chính tôi, tha lỗi cho tôi nếu điều này sẽ xúc phạm đến bạn, rằng thượng đế có lẽ là một ý niệm đã được người đàn ông giới thiệu vào cuộc đời này để tranh thủ cái khả năng sáng tạo ra thế giới này. Hãy nhìn những hình ảnh Thượng Đế, Jesus Christ, Phật Thích Ca, và Đức Mohamed, cả ba đều là những hình tượng đàn ông.

 

Có lẽ người đàn bà có một chút gần gũi với thượng đế hơn người đàn ông trong ý nghĩa sáng tạo nên đời sống. Ít ra trong ngôn ngữ Việt Nam đã có một từ thể hiện ý thức gần gũi này: Bà Trời. Ca dao Việt Nam có câu:

 

Ông Trăng mà lấy bà Trời

Tháng năm ăn cưới, tháng mười chạp neo.

 

So sánh hai công việc sáng tác, hòan tất một  tác phẩm nghệ thuật và sanh ra đời một đứa con. Một mẫu mực thường được dùng để làm ví dụ tính chất “thai nghén và sanh đẻ” của chúng. Người Việt vẫn thường gọi một quyển sách là “một đứa con tinh thần”. Hai kinh nghiệm này tôi đã đều trải qua.

 

Hoàn tất một quyển sách người sáng tác trải qua một kinh nghiệm sáng tạo rất “thượng đế”. Từ việc lựa chọn  một nhân vật. Cho nhân vật ra đời ở lứa tuổi, giống phái, giai cấp, tính tình nhan sắc nào. Cho đến hoàn cảnh lịch sử, nơi ăn chốn ở, không gian kỷ niệm, màu sắc áo quần, mối quen biết với nhân vật khác. Tất cả đều là những tính toán và chọn lựa tài hoa hoặc tài dỏm của tác giả. Khi sáng tác, tác giả cố trải qua những phút giây giống như đời thật. Bởi để tạo dựng nên những đời  sống thuyết phục độc giả bằng văn chương hạn chế, tác giả phải ẩn chui vào những nhân vật và khua động văn chương trên mỗi giác quan. Tác giả còn biết cách chui vào trong vô thức, trí thức, ký ức, và óc tưởng của độc giả để giới thiệu hoặc dẫn đưa người đọc đến với những đời sống mà mình tạo dựng. Kinh nghiệm sanh đẻ ra “đứa con tinh thần” là một kinh nghiệm “trả nợ đời”. Là có thể một hoàn tất của một bắt đầu. Là có thể một cuối cùng của một phiêu lưu.

 

Trong khi đó sản xuất ra một con người, người đàn bà mới bắt đầu thấy mình “vướng nợ đời”. Là bắt đầu. Là không cái gì hết. Là chào đời một lần nữa.

 

Kinh nghiệm lớn lao về mặt thể lý trong công việc sanh đẻ trước hết  là một kinh nghiệm Máu.

 

Kinh nghiệm Máu này là một kinh nghiệm sinh tử. Một cách thông thường, nhìn thấy Máu là nhìn thấy tính chất nguy kịch, là nhắc nhủ con người có thể sống hoặc chết tức thời.    Trong thời con gái, và trong thời gian không mang thai, người đàn bà bị nhắc nhủ sự mong manh của sinh mệnh con người mười hai lần trong một năm vào những lần kinh nguyệt.

 

Khi mang thai, người đàn bà chứng kiến việc Máu không còn bị trục xuất ra ngoài nữa, mà Máu chảy vào trong. Máu ích lợi là đã tạo dựng và cưu mang một con người trong cơ thể mình. Chín tháng câm nín. Rồi một ngày nọ Máu đổ ra ào ào. Rồi một mạng người lọt ra từ cơ thể mình. Rồi Máu lại tiếp tục ra ở cửa mình liên tiếp sáu tuần lễ sau khi sanh dậy. Sự đau đớn tột cùng của kinh nghiệm sanh đẻ. Nhìn thấy thân xác mình phanh thây xẻ thịt trước mặt mọi người. Nhìn thấy máu me của mình chảy ra lênh láng. Kinh nghiệm sanh đẻ là một kinh nghiệm nguy hiểm mà người đàn bà thấy sinh mạng của mình rất mong manh và thấy đó là giây phút mình kề cận cái chết nhất. Ở giây phút ấy người đàn bà thấy sự sống của mình, của đứa con sơ sanh, có thể bị mất đi trong đường tơ kẽ tóc.

 

Có một kinh nghiệm tích cực trong kinh nghiệm này, là người đàn bà thấy sự đổi thay Máu. Sự làm cho mình tái tạo lại Máu mới.

 

Nhưng nếu bị ép sanh đẻ liên tiếp sáu lần như  vậy. Chắc chắn người đàn bà sẽ không còn ở trạng thái thấy mình “mới mẻ” nữa, mà sẽ thấy mình “bị tước đoạt” tất cả những sinh lực chưa kịp hồi phục.

 

“Mất sức lực” là một trạng thái mà người đàn bà quan tâm đến trong công việc sanh nở và nuôi nấng con cái. Đó là một sự tiêu dùng rất lớn lao số vốn liếng thể xác và tinh thần của người đàn bà.

 

Kinh nghiệm “tái sinh” cùng với đứa con vùa do mình đưa vào đời  đã khiến người đàn bà bị chậm lại trong tiến trình đi tới và theo đuổi những kế hoạch cho đời sống cá nhân.

 

Tiến trình và kế hoạch nói trên dựa trên sự trông đợi của xã hội. Tiến trình và mục tiêu theo tiêu chuẩn thông thường là đạt được mức độ tối đa trên những mục tiêu ở vị trí nào  mà cá nhân đó đứng vào những năm hai mươi, ba mươi, bốn mươi của một đời người. Xã hội vẫn đòi hỏi ở con người những mục tiêu như, có con cái, có nhà cửa, có công việc, có địa vị, có tài sản, có danh vọng, có quyền lực, để so đo mức độ hiệu quả và thành đạt của ý nghĩ tại sao con người ta sống.

 

Những mục tiêu này được xét đoán tùy theo bao nhiêu năm cá nhân đó đã hiện diện  trong đời sống này, Chẳng hạn học hỏi là công việc của lứa tuổi hai mươi, tậu nhà tậu cửa là của lứa tuổi ba mươi, thăng tiến nghề nghiệp là ở lứa tuổi bốn mươi.v.v… Người Trung Hoa đặt tên tuổi ba mươi là tuổi “nhi lập”, tuổi bốn mươi là tuổi “nhi bất hoặc”, tuổi năm mươi là tuổi “tri thiên mệnh”.

 

Trong vài tiêu chuẩn phổ thông kể trên, để đạt được mỗi mục tiêu có con, người đàn bà phải chậm lại những mục tiêu khác vì lý do thể lý.

 

Sanh đẻ là mất thời giờ, nuôi con lại còn mất thời giờ và mất sức lực hơn.

 

Về mặt thể lý, sự chung đụng của công việc làm mẹ đã bắt buộc người đàn bà hòa nhập vào thế giới của trẻ con. Một người lớn tiếp xúc 24 tiếng đồng hồ một ngày với một sinh vật không đòi hỏi những suy nghĩ lớn lao tức thời, không đòi hỏi những di chuyển không gian khác biệt, không đòi hỏi những mặt kịch “ông này bà nọ” khích lệ nỗ lực cá nhân, người lón này chắc chắn sẽ thay đổi để thích ứng cùng với cái sinh vật bé nhỏ và bất lực này.

 

Mặt trí năng sẽ tạm chậm lại vì những sinh hoạt thông thường của động vật có vú này. Ru con cho con ăn, dỗ con ngủ, thay tã cho con, ngồi trông con chơi, tập cho con bò, tập cho con đi…, những sinh hoạt hết sức quan trọng của đứa bé này là những sinh hoạt đơn giản, mất thời giờ, có ảnh hưởng lớn lao trên mọi người. Nhưng lại là những sinh hoạt không đòi hỏi đầu óc, và không mang lại bỗng lộc kinh tế và bỗng lộc uy quyền mà xã hội mong ước một cá nhân ở lứa tuổi hai mươi, ba mươi, bốn mươi nên thành đạt.

 

Sự xem thường sanh đẻ và nuôi con từ xã hội đã tạo ra một “ thành kiến” trong nhiều xã hội tiến bộ hiện nay rằng sinh hoạt trên không mang lại một thách đố về mặt trí năng. Hậu quả là người đàn bà được nuôi dưỡng trong một môi trường khích lệ và tưởng thưởng những sinh hoạt trí tuệ sẽ không tìm thấy những thách thức trí năng trong sinh hoạt hết sức quan trọng này của nhân loại .

 

Trong phần lớn các xã hội hiện nay mọi bé gái cũng như mọi bé trai được huấn luyện để phát triển mặt trí năng vào khoảng 12 -14 năm, từ mẫu giáo cho đến lớp mười hai. Khi tốt nghiệp trung học, các thanh niên, các thiếu nữ này lại được khuyến khích tiếp tục theo đuổi sự học hỏi trên đại học để được gọi là một người “có giáo dục”. Thành quả của những năm huấn luyện trí tuệ này tạo ra ở con người có giáo dục một nhu cầu tìm kiếm những công việc sinh sống  có thách thức và được phần thưởng về mặt trí năng. Nếu những công việc này lại còn được hưởng kèm những bỗng lộc phụ trội như danh vọng, tiền bạc, khen thưởng thì loại công việc này lại càng hấp dẫn hơn.

 

Công việc  sanh đẻ và nuôi con là một công việc đáng lẽ ra là rất thách đố từ trí tuệ cho đến thân xác. Vì không có con nào giống con nào. Cũng như không có một nhân mạng nào giống một nhân mạng nào trên trái đất này. Trường hợp độc nhất vô nhị này xứng đáng đòi hỏi một sự quan tâm góp vốn tương xứng với sự xuất hiện của mỗi cá nhân này. Nhưng công việc này lại bị xem như là một công việc tự nhiên mà bất cứ người đàn bà nào trên trái đất này cũng có thể trải qua được.

 

Kết quả là sinh hoạt này đã không được đánh gía cao như đáng lẽ nó nên là.

 

Cho đến giờ phút này, phần lớn các xã hội đều không đề cao đủ giá trị của công việc này.

 

Lấy ví dụ xét về lợi lộc tiền bạc của một công nhân trung lưu sở hữu một căn nhà và có một con tại Hoa Kỳ hiện nay, năm 1994. Mỗi cuối năm công nhân này có thể  khai thuế để có thể thu về được một món tiền khá lớn mà trước đây công nhân này đã đóng cho chính phủ trong suốt năm. Công nhân này có thể thu được  khoảng hơn hai ngàn Mỹ kim trên  mỗi đứa con. Trong khi đó công nhân này có thể thu về được khoảng năm hay mười ngàn Mỹ kim từ tiền nợ nhà. Món tiền thu lại được từ nợ nhà lớn hơn món tiền thu lại được từ việc có con đã phản ảnh sự kiện xã hội Hoa Kỳ ưu đãi hành vi có nhà hơn là hành vi có con.

 

Sự đánh giá thấp việc sanh đẻ và nuôi con đã phản ánh lên những xã hội như xã hội Hoa Kỳ hiện nay. Sau cuộc Cách Mạng Đàn Bà của thập niên 1960, người đàn bà Mỹ ngày nay đã tỏ ra muốn tiêu dùng thời giờ của mình vào việc kiếm tiền, kiếm danh vọng, kiếm nghề nghiệp, hơn là tiêu dùng vào việc sanh đẻ và nuôi con. Con số thống kê mới nhất của đầu thập niên 1990 là có đến gần 60% phụ nữ Hoa Kỳ đi ra ngoài làm việc . Trong một cuộc thăm dò của báo New York Times và đài truyền hình CBS Hoa Kỳ từ 26 tháng 05 cho đến ngày 1 tháng 6 năm 1994, 1,055 thiếu niên nam nữ tuổi từ 13 đến 17 được phỏng vấn về đời sống gia đình. Có đến 86% các thiếu nữ Mỹ trả lời là họ muốn đi ra ngoài làm việc ngay cả khi lập gia đình rồi. Chỉ có 7% các thiếu nữ này tỏ ý muốn ở nhà  sanh đẻ và nuôi con (“Gender Gap in Teens Views on Family”, New York Times được San jose Mercury News đăng lại, July 11, 1994). Trong một xã hội mà “thành công” là mục tiêu hàng đầu (achievement-oriented society), đối với các thiếu nữ này sanh đẻ và nuôi con không mang lại cho họ những bỗng lộc như nghề nghiệp và danh vọng mang đến cho họ.

 

Không những mặt trí năng phải chậm lại, mặt thành tích trên hồ sơ nghề nghiệp của người đàn bà cũng bị chậm chạp hẳn đi. Những kỳ nghỉ vì sanh nở. Những ngày nghỉ vì con bệnh. Cắt bớt thời giờ ở sở làm để có thể đưa con đi học. Đình hoãn công việc vì muốn dẫn con đi chơi ... Tất cả những thứ này sẽ làm chậm lại con đường tiến thân. Một sự nghiệp muốn tiến thẳng, tiến nhanh cần phải làm việc không ngừng. Cho đến giờ phút này , tất cả những quốc gia tiên tiến như Mỹ , Canada, Anh, Pháp,Đức, Ý , Nhật, đều đòi hỏi người đàn bà phải làm việc như người đàn ông . Các xã hội này đều không cho một điểm nào vào hồ sơ cá nhân của người đàn bà về kinh nghiệm có con.

 

Cách nhìn phân biệt kinh nghiệm nghề nghiệp khác với kinh nghiệm có con đã khiến các xã hội này cho rằng kinh nghiệm có con là một kinh nghiệm không tốt trên công nhân. Khi căn cước của một công nhân chỉ cột chặt với nghề nghiệp thì kinh nghiệm sanh và nuôi con không được tính là một kinh nghiệm lợi ích cho nghề nghiệp.

 

Cho đến giờ phút này, kinh nghiệm sanh đẻ và nuôi con vẫn được tính là một thứ kinh nghiệm liên hệ đến căn cước hiện thể (being) như làm cha, làm mẹ;  và căn cước sở hữu (having) như có vợ, có con, có chồng ,có anh, có chị…

 

Khi sinh hoạt dưới những căn cước: có cha ,có mẹ, làm con, làm anh, con người không có quyền chọn lựa. Nhưng khi hành xử các căn cước: có vợ, có chồng, có con, con người có quyền lựa chọn.

 

Trong hệ thống suy tưởng truyền  thống của Tây Phương căn cước hiện thể (being) đã được tra vấn để cố tìm kiếm một thứ ý nghĩa cho sự hiện diện. Hoặc sự tự chứng nhận rằng mình có mặt trong thế giới này (Shahan & Mohanty, 1984, trang 58). Sự tìm kiếm này là một chứng minh có tính cách trừu tượng. Đó là một sản phẩm của suy tưởng. Đó là một sinh hoạt hiện diện trong đầu óc, trên ngôn ngữ, hoặc trong những cuộc bàn luận.

 

Sinh hoạt có con ở người đàn bà là một sự sống cũng để chứng minh ý nghĩa của lá căn cước hiện thể . Những sinh hoạt này đã không xảy ra một cách trừu tượng và gián tiếp mà là một sinh hoạt sống động và trực tiếp.

 

Lá căn cước hiện thể của người đàn bà trong sinh hoạt tạo dựng và trực tiếp nuôi nấng một mạng người phôi thai này không còn là một sự  tìm kiếm hướng nội riêng về mình, mà là một sinh họat giao tiếp hướng ngoại giữa mình và tha nhân. Đứa con mà người đàn bà sanh đẻ ra một sinh linh, một sinh mạng, chứ không phải là nột chủ thuyết hoặc là một sản phẩm của suy tưởng. Sự khác biệt ở đây là người ta có thể độc quyền suy tưởng về một sản phẩm của trí óc, nhưng người ta không thể độc quyền tạo dựng một sinh mạng. Đây không thể là một sinh hoạt bắt đầu từ ở một người và chấm dứt cũng chính ở người đó. Mà là sinh hoạt của hai người. Bản chất  sinh hoạt của hai người này đã đặt để người đàn bà sinh sống trong tư thế không thể độc quyền sống và suy tư một mình. Như vậy sự tìm kiếm lá căn cước hiện thể hoặc sự đi tìm ý nghĩa đời sống ở người đàn bà mang màu sắc bản thể tập thể hơn là bản chất cá thể.

 

Trong tất cả căn cước hiện thể và căn cước sở hữu: có vợ , có chồng,có anh, có chị, làm cha, làm mẹ,. có con, có cha, có mẹ… thì chỉ căn cước hiện thể có cha mẹ và có con cái  là căn cước đòi hỏi những sinh hoạt đặc biệt. Bởi vì những sinh hoạt này xảy ra trong thời gian đầu  và thời gian cuối của con người là lúc mà con người bất lực về mặt thể lý, và chứng tỏ sự cần thiết kẻ khác săn sóc hoặc nuôi nấng.

 

Có anh chị không mất nhiều thời giờ.

 

Có vợ chồng, không thích nữa, có thể ly dị.

 

Nhưng người đàn bà không thể chối bỏ công việc nuôi con. Cũng như con cái khi gánh vác việc săn sóc cha mẹ già trong lúc yếu đuối.

 

Nuôi nấng con cái lúc còn nhỏ và săn sóc cha mẹ lúc về già là hai sinh hoạt có thể tính toán được về mặt kinh tế của con người. Đó là những loại công việc có giá trị thương mại. Dịch vụ giữ trẻ và viện dưỡng lão là những dịch vụ tạo ra công ăn việc làm. Trên căn bản đó nếu một người mẹ dùng thời gian để săn sóc con cái, và nếu được sự ủng hộ của xã hội, người mẹ có thể tính toán kinh nghiệm này bỏ vào hồ sơ  kinh nghiệm cá nhân. Giả thử xã hội định giá một kinh nghiệm sanh nở  và ba năm nuôi con của một người đàn bà tương xứng với hai năm dạy tiểu học (hai kinh nghiệm này tương đối có những liên hệ, vì tính chất giáo dục con người. Nhưng cũng có thể tính toán ra những liên hệ khác, tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân). Thì xã hội đã thiết lập được một giá trị kinh tế lên công việc nuôi nấng con trẻ. Và như vậy thì người đàn bà dùng thời giờ để sanh nở và nuôi con., người đàn bà vẫn có thể tính toán phần kinh nghiệm của mình vào con đường tiến thân. Tạo cho sinh hoạt này  một giá trị kinh tế tích cực.

 

Một kinh nghiệm nổi bật khác mang tính kinh tế mà công  việc làm mẹ có ảnh hưởng nặng trên cả mẹ lẫn con là tính tranh đua.

 

Tranh đua là một trong những sinh hoạt tinh thần khá căn bản của con người . Một thứ sinh hoạt tinh thần mạnh mẽ đứng sau lòng thương yêu. Tranh đua là giềng mối dẫn đưa đến sự thúc đẩy  quan trọng ở mỗi cá nhân trong mối tương quan với tha nhân khi cá nhân đó trưởng thành.

 

Tranh đua dẫn đưa đến thành công. Thiếu sự tranh đua, tài giỏi và cố gắng không làm cho người ta trở thành vô địch. Tranh đua thúc đẩy sự tiến bộ. Xe hơi của hãng Toyota tranh đua với hãng Ford để đưa đến những tiêu chuẩn  về xe cộ càng lúc càng cao hơn trong kỹ nghệ xe hơi. Tranh đua dẫn đưa đến tranh chấp. Trong những năm chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga sô, hai quốc gia này đã tranh đua ảnh hưởng của mình trên Việt Nam, Cuba, Đại hàn, kết quả là tranh chấp tương tàn  giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam vào những thập niên 50,60,70 của thế kỷ Hai Mươi.

 

Con người học hỏi kinh nghiệm tranh đua lần đầu tiên với người mẹ. Ngay cả lúc còn trong bụng mẹ, thai nhi đã tranh đua để tạo sự chú ý ở người mẹ khi thai nhi đói bằng cách quậy đạp vẫy vùng trong bụng. Khi đã chào đời, đứa trẻ sẽ học hỏi rằng bố mẹ là một thứ quyền lực đã được thiết lập mà có phải tranh đua để có thể tạo nên cho chính nó một thứ quyền lực riêng.

 

Đây là một diễn tiến học hỏi của đứa bé mà người mẹ thấy cái quyền bính làm mẹ của mình thường xuyên bị thách thức bởi đứa bé. Khi còn nhỏ, đứa bé phải tranh đua với những thế lực khác để được sự chú ý của người mẹ, tranh đấu với thời gian của mẹ để khỏi bị dẫn đến nhà người giữ trẻ sớm khi mẹ phải đi làm lúc 8 giờ sáng…. Về phía người mẹ sự tiêu phí sức lực trên công việc nuôi con đã làm giảm đi năng lực tranh đua. Công việc làm mẹ là phải cho đi cả sức lực tinh thần lẫn thể xác từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Làm mẹ là một loại công việc 24/24. Sự tiêu phí năng lực lớn lao này đã khiến cho trí óc người mẹ không thể dục, làm chậm lại các sinh hoạt trí óc. Sự chia bớt sức lực này “có thể” làm giảm bớt nhu cầu tranh đua. Nhưng cũng chính vì sự chung đụng thường trực 24/24 giờ này, và vì ở vị thế đặc biệt đã có cơ hội quan sát và kiểm sóat sự hình thành bản tính này trên đứa trẻ, kinh nghiệm lớn lao này ngược lại cũng có thể để lại một thứ gia sản “nghề nghiệp” làm cho người đàn bà có thể có kinh nghiệm tâm lý hơn , trong những công tác cần kinh nghiệm về tranh đua, tranh đấu, tranh giành quyền lực với tha nhân.

 

Lý tưởng  hơn là nếu người đàn bà có cái cơ hội tính toán kinh nghiệm làm mẹ dựa trên căn bản được quyền chọn lựa. Ví dụ người đàn bà được quyền  tính toán kinh nghiệm này như một quyền lợi kinh tế. Hoặc người đàn bà được quyền chọn lựa kinh nghiệm làm mẹ như là một theo đuổi giá trị tinh thần của nhu cầu phục vụ. Phục vụ cá nhân hay phục vụ xã hội, mà kinh nghiệm này sẽ mang lại những phần thưởng tinh thần hơn là những quyền lợi về vật chất.v..v… và.v..v…

 

Về phương diện xã hội, công việc làm mẹ không được các xã hội hiện nay định cho nó một giá trị cao. Căn cước nghề nghiệp, một động lực mạnh mẽ để hướng dẫn đời sống con người, ở các xã hội đương thời là vẫn nên trở thành bác sĩ, chính trị gia, giám đốc, giáo sư, tài tử truyền hình. Căn cước nghề nghiệp là căn cước bảo vệ cá nhân vững vàng nhất trong đa số xã  hội hiện nay.

 

Đối với người đàn ông, sự hiện hữu của họ được định giá trên những lá căn cước. Người đàn ông được thúc đẩy từ nhỏ rằng lớn lên là phải trở thành một loại căn cước nghề nghiệp. Đàn ông phải có công danh sự nghiệp, “Đã trót sinh ra trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Để thiết lập nên những lá căn cước  này, người ta phải tiêu phí rất nhiều thời gian của một đời người mới đạt được chúng.

 

Khi người đàn bà muốn theo đuổi những lá căn cước nghề nghiệp trên, người đàn bà sẽ không thể liên tục thiết lập được thành tích cá nhân một cách tối đa như người đàn ông ở lứa 20,30,40.  Vì đây cũng là lứa tuổi mà người đàn bà bận sanh nở và nuôi con.

 

Và nếu người đàn bà đang trên đà thiết lập một thứ căn cước như những người đồng lứa, phải dừng lại vài năm để sanh nở và nuôi con, người đàn bà không còn được bảo vệ bởi thứ căn cước nghề nghiệp nữa. Điều này có thể tạo nên sự mất tự tin và hoang mang nếu là căn cước mới không vinh quang hơn lá căn cước cũ

 

Ngoài ra khi dừng lại để sanh đẻ và nuôi con, nếu không còn tiếp tục kiếm tiền được nữa, người đàn bà cũng sẽ thấy bị tước đoạt sự độc lập về tài chánh mà trước đây họ đã vui hưởng như bao nhiêu người đồng lứa khác.

 

Công việc làm mẹ không có những tác động lớn lao về phương diện tập thể. Nhưng về phương diện phát triển cá nhân, nó là một sinh hoạt hai chiều có tác động lớn nhất trên cả cuộc đời của hai cá nhân, mẹ và con. Có thể nói không có một sinh hoạt cá nhân khác nào  có thể lớn lao hơn mối sinh hoạt tương quan giữa mẹ và con Vì tính chất vĩ đại của sinh hoạt này , đáng lẽ nó nên được xã hội dành cho một sự chiếu cố quan tâm hơn. Không có một xã hội nào vinh danh anh hùng mẹ như vinh danh Tổng Thống , vinh danh Anh Hùng Dân Tộc… Thiếu vắng sự vinh danh hình ảnh mẹ từ các xã hội , công việc làm mẹ chỉ còn là một sinh hoạt thường tình như ăn, uống, ngủ, nghỉ, riêng của  mỗi cá nhân.

 

Sinh hoạt sanh đẻ và nuôi con cho đến hiện nay vẫn được xem như là một sinh hoạt  tự nhiên rất cá nhân. Đây được xem là một truyền thống của nhân loại để lại từ những xã hội  săn bắn và nông nghiệp. Con người ở những xã hội bộ lạc và làng xóm ấy có những sinh hoạt đơn sơ và đối diện với một không gian chật hẹp. Con người ngày nay sống trong một thế giới phức tạp và đối diện với một môi trường lớn rộng. Vì vậy mọi sinh hoạt của con người cũng phức tạp và có liên đới hơn. Sự tiến bộ về kỹ thuật và khoa học lại còn mang đến cho đời sống nhân loại nhiều dữ kiện và phương tiện sống dồi dào hơn nữa. Tuy thế, trong khi những sinh hoạt như giáo dục, nghề nghiệp, việc nhà, hưởng thụ, đã có nhiều biến đổi và thích hợp với thời đại mới, thì sinh hoạt sanh đẻ và nuôi con tương đối có ít biến đổi.

 

Trong khi trải qua kinh nghiệm sanh đẻ và nuôi con, tôi đã kinh ngạc để nhận ra rằng cho đến giờ phút này, người đàn bà nhận được ít sự hổ trợ từ nhân loại về sinh hoạt sanh đẻ và nuôi nấng con cái. Chỉ cách một thế hệ, mẹ tôi đã trải qua tất cả mười lần sanh đẻ, so với tôi, chỉ có hai lần. Kinh nghiệm đau đớn và mất sức lực vào công việc sanh đẻ đã làm cho tôi thấy thương xót về cái số mệnh vắn vỏi của mẹ tôi . Nếu bà không “bị” sanh đẻ mười lần và nuôi nấng bảy đứa chúng tôi biết đâu bà sống thêm được vài chục năm hơn số tuổi 49.

 

Nhìn lại hai mươi mấy năm nhận được sự giáo dục của hai nền văn hóa Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi đã không hề nhận được một bài học nào về việc sanh đẻ và nuôi một đứa con cho lành mạnh. Trong khi đó tôi nhận được rất nhiều năm học về toán, về lịch sử, về ngôn ngữ, về nghề nghiệp. Cả hai nền giáo dục đều nghiên cứu kỹ lưỡng việc chuẩn bị cho tôi thành một người hữu ích cho xã hội . Để đến khi “vượt cạn một mình”, tôi đã thấy rằng tôi ước gì những người soạn ra chính sách giáo dục của cả hai nền văn hóa cắt bớt những giờ nữ công gia chánh và những bài học lịch sử, để dạy tôi một ít vốn liếng về sứ mạng sanh đẻ và nuôi con. Tôi biết những nhà giáo dục khắp thế giới đã soạn giáo trình dựa trên nguyên tắc là con người cần dạy dỗ để phát triển khả năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức.v.v… (Rani & Mohan Lall, Thomas 1983), trong cái mục tiêu rằng con người cần giúp vốn để có khả năng đảm nhiệm những sinh hoạt giữa xã hội. Nếu như vậy thì rõ ràng những giáo trình trên đã xem việc sáng tạo ra những nhân mạng nhẹ hơn việc phát triển những nhân mạng.

 

Khi đo lường những phát minh của nhân loại, cho đến nay, có vẻ như các xã hội ít đầu tư vào những nghiên cứu khác. Ví dụ một phát minh trong phương tiện giao thông là chiếc máy bay. Chỉ trong vòng mấy chục năm, mà các chiếc máy bay đã hưởng được bao nhiêu là công trình nghiên cứu. Để từ một chiếc máy bay thô sơ trở thành chiếc máy bay khổng lồ đưa nhân loại đi từ lục địa này sang lục địa khác với kỷ luật thời gian ngắn ngủi. Trong khi đó có được bao nhiêu cuộc nghiên cứu làm giảm bớt những cơn đau sanh đẻ ở những đại học ở các quốc gia có khả năng thực hiện những cuộc thí nghiệm này?

 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết hiện nay ở Afghanistan và Sierra Leone con số phụ nữ chết vì sanh con vẫn còn cao,1/100 (“Men, Sex, And Parenthood In An Overpopulating World” trong World Watch,3/4 1994). Trách nhiệm ngừa thai vẫn là trách nhiệm của người đàn bà . Những phương thức ngừa thai vẫn nhắm vào bộ phận sinh dục của người đàn bà, từ viên thuốc ngừa thai, cho đến đặt vòng xoắn IUD, cho đến thuốc Norplan gắn dưới da. Theo tài liệu của Hiệp Hội Kế Hoạch Sanh Đẻ Quốc Tế The International Planned Parenthood Association (IPPF) đã ước lượng rằng chỉ có “ 8% ngân sách của kế hoạch ngừa thai quốc tế được dùng vào việc phát triển một phương pháp ngừa thai cho đàn ông” (“Men, Sex, And Parenthood…như trên).

 

Sinh hoạt sanh đẻ và nuôi con là một sinh hoạt chậm tiến về phương diện “ý thức”. So với một sinh  hoạt khác như sinh hoạt ăn uống. Trong tiến trình phát triển “ý thức” , việc con người dùng cây ná kiếm con thú (để ăn) của thời xa xưa. Tiến đến việc xã hội bào chế những viên kẹo (cũng để ăn) trong một nhà máy khổng lồ hiện nay. Là kết quả của bao công cuộc nghiên cứu và cải tổ ở những cái máy làm ra kẹo và ở những chất hóa học cấu tạo nên kẹo. Từ con thú cho đến viên kẹo , con người đã gia tăng “ý thức” về sinh hoạt ăn uống. Ăn là để thỏa mãn bản thú tính sinh tồn khác xa với ăn là một sinh hoạt hưởng thụ những tiến bộ của văn minh nhân loại.

 

Về phương diện “ý thức sanh đẻ”,  nhân loại có vẻ như không nhúc nhích trong ngàn năm lịch sử. Sinh hoạt sanh đẻ và nuôi con, từ thời khai thiên lập địa đến nay trước sau vẫn được xem là một sinh hoạt chính của bản thể nữ. Là một sinh hoạt mà người nữ phải gồng gánh hết mọi bổn phận. Và nó chỉ có giá trị lớn lao là duy trì nồi giống. Nhân loại đã không bận tâm đến nó nhiều như nhân loại đã bận tâm đến các vấn đề lớn khác như tình yêu, hạnh phúc, chiến tranh, cái chết.v.v…

 

Với tôi, sanh đẻ và nuôi con xứng đáng để được xét lại dưới dạng thức nó không chỉ là một sinh hoạt tự nhiên của động vật có vú mà nó là một loại sinh hoạt của con người có ý thức lớn lao về biến cố vĩ đại này. Và sanh đẻ và nuôi con là một sinh hoạt quan trọng nhất của con người chứa đựng những giá trị liên đới xã hội chứ không phải chỉ là của riêng một bản thể cá nhân.

 

 

BA.

 

Tôi lớn qua hai bờ đại dương

không hóa đá

 

Trong khi chờ hải đăng của Xanh lên

thả bay đầy trời con gái phương Nam

về miền tương lai nhân gian

 

Kinh nghiệm trở thánh một người Mẹ Việt Nam là một kinh nghiệm đặc biệt khác mà tôi đã trải qua.

 

Trước hết hình ảnh người đàn bà Việt Nam được ghi dấu bằng một sự tích lâu đời nhất là hình ảnh Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng khai sinh ra lịch sử Việt Nam vào năm 42 Tây Lịch. Những người đàn bà Việt Nam được nhắc nhở nhiều vẫn là những anh hùng lịch sử, là do cái truyền thống ca ngợi tuyệt đối vai trò anh hùng lịch sử mà không khuyến khích những đóng góp hoặc những sáng tạo phát minh của những anh hùng khác của nền Văn Hóa Việt Nam. Song song với các nam anh hùng lịch sử, người Việt Nam vẫn biết đến những nữ anh hùng lịch sử nhiều hơn những nữ lưu khác, đó là những anh hùng lịch sử Triệu Ẩu, Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân v.v...Kế tiếp, có lẽ một truyền thống văn hóa khác của người Việt Nam là ca ngợi những người học giỏi. Những vị nữ lưu nổi tiếng văn hay “học giỏi” có Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương.

 

Đây là những trường hợp cá thể. Trên phương diện đại thể,  hình ảnh mà người Việt Nam ca ngợi nhiều nhất về người đàn bà là hình ảnh tháo vát của người vợ, người mẹ Việt Nam.

 

Hình ảnh người chinh phụ chờ chồng nuôi con  trở thành một nữ lưu đã để lại bao nhiêu là vần thơ nhạc ca ngợi. Nhà thơ Tú Xương ăn chơi nghiện ngập gái giếc đã để lại những câu thơ bất hủ ca ngợi người vợ Việt Nam, được nhiều người đàn ông Việt Nam dùng làm bình phong để “đổi đề tài” trách nhiệm làm chồng làm cha của họ.

 

Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quảng nắng

Eo sèo mặt nước lúc đò đông

 

Vợ của ông Phan Bội Châu, vợ của ông Phạm Duy cũng được các ông này làm thơ làm nhạc ca ngợi sự đảm đang hy sinh vì chồng.

 

Vai trò làm vợ giỏi đã được khen ngợi, vai trò làm mẹ giỏi lại càng được ca ngợi hơn. Không như truyền thống Hoa Kỳ chẳng hạn, người đàn bà được ca ngợi nhất trong vai trò “sex symbol”, biểu tượng dâm. Nữ hoàng dâm Marilyn Monroe tuy không đi vào lịch sử Hoa Kỳ như Toni Morrison, một nhà văn da đen được giải Nobel văn chương, hoặc Betty Friedman, một nhân vật tranh đấu cho nữ quyền khai sinh thập niên 1900, nhưng Marilyn Monroe là một thần tượng “ngầm” của văn hóa Hoa Kỳ. Đàn ông Hoa Kỳ thì mê thân xác của Marilyn. Đàn bà Hoa Kỳ thì mơ có một tấm thân nẩy lửa như Monroe.

 

Vai trò mẹ trong văn hóa Việt Nam đóng vai trò một thứ thần tượng. Vai trò mẹ lấn át tất cả những vai trò khác về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Vai trò mẹ nổi bật vì đã được ca ngợi cái tính chất tuyệt đối của sự việc không còn sống cho mình, mà sống cho người khác. Người mẹ Việt Nam nổi tiếng là hy sinh cả cuộc đời mình cho chồng con. Hy sinh không đặt câu hỏi, không đặt điều kiện. Hy sinh quên hết bản thân mình:

 

Miếng nạc thì để phần chồng

Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng phần con.

 

Ca dao Việt Nam còn có những câu ca ngợi sự hy sinh này dưới hình ảnh một con cò nặng nề bổn phận nuôi chồng nuôi con:

 

Cái cò lặn lội bờ sông

Gáng gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái, cùng con

Để anh đi trẩn nước non Cao Bằng

 

Hoặc

 

Con cò mà đi ăn đêm

Gặp phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

 

Tính chất hy sinh đời mình để phục vụ con cái, phục vụ chồng, phục vụ gia đình nhà  chồng của người đàn bà cổ truyền Việt Nam đã choàng phủ lên vai trò mẹ của người đàn bà Việt Nam một màu sắc ít chất “người” mà gần với chất “thánh” hơn. Hình ảnh mẹ Việt Nam là hình ảnh những vị thánh sống.

 

Hình ảnh Mẹ “rất phổ biến trong tâm thức tôn giáo” của văn hóa nông nghiệp cổ truyền Viêt Nam. Dân tộc Việt Nam tôn thờ những yếu tố Mẹ, như Mẹ Lúa, Mẹ Đất, Nữ Thần Thánh mẫu. Cuộc sống nông nghiệp coi trọng yếu tố Đất Mẹ... Ý thức yêu nước (khi) rất đậm nét thường được biểu dương là (lòng yêu) Đất Mẹ, (lòng yêu) Mẹ Việt Nam” (Đặng Nghiêm Vạn, Việt Nam Đất Nước Lịch Sử Văn Hóa 1991, trang 218).

 

Âm nhạc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ Hai Mươi đầy dẫy những câu hát ca ngợi tính chất thiêng liêng cao cả của mẹ Việt Nam “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”(Y Vân)... “Mẹ ... là ánh sáng trong đêm khi lạc lối(Nhất Hạnh, Phạm Thế Mỹ). “Trường Ca Mẹ Việt Nam” (Phạm Duy). “(Mẹ) dạy cho con tiếng nói thật thà. Dạy cho con chớ quên màu da, Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.” (Trịnh Công Sơn).

 

Tính chất “thánh sống” của người mẹ đã định để người đàn bà trong xã hội Việt Nam ở một vị thế khác biệt so với xã hội Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ có ngày Lễ Mẹ (Mother Day) để ca ngợi vai trò của mẹ. Nhưng trong truyền thống của xứ sở mới mẻ này, người mẹ của Hoa Kỳ không có chỗ nào gần lên đến người Mẹ Việt Nam.

 

Truyền thống cá nhân chủ nghĩa của Hoa Kỳ khuyến khích sự tự lập cánh sinh của mỗi cá nhân. Người đàn bà cũng được khuyến khích là tự lo cho mình trước khi lo cho người khác. Con trai hay con gái đều được khuyến khích là phải thiết lập niềm tự tin, tự lập, tự lo lấy từ nhỏ trong gia đình. Đến mười tám tuổi là con cái nên dọn ra khỏi nhà bố mẹ và bắt đầu tự lập một đời sống mới. Người đàn bà không cần phải hy sinh cho ai cả. Truyền thống “độc lập” khuyến khích ai cũng như ai, phải tự lập, không ai nên hy sinh cho ai.

 

Sanh con đầu lòng vào năm thứ ba mươi sáu cuộc đời, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, tôi là người đã lo cho cái thân tôi trước. Tôi ích kỷ nặng. Tôi đã học xong những bằng cấp khả dĩ mang lại cho tôi loại công việc chuyên nghiệp có khả năng ổn định về tài chánh. Tôi đã đi làm no nê những năm tháng con gái để có tiền bạc tiêu xài rủng rỉnh. Tôi đã có đủ thời giờ để bồ bịch, tán dóc, ngủ trưa, bát phố, và đi nghỉ hè một mình hoặc hai mình. Về phương diện cá nhân, tôi đã thành đạt những điều mà mẹ tôi không đạt được một tí ti nào. Bà có một nhan sắc trên trung bình, nhưng vì nhà nghèo nên mới mười lăm tuổi đã phải về làm vợ kế cho một người đàn ông góa vợ hai con là bố tôi.

 

Chỉ đến khi có con tôi mới bắt đầu thấy mình thua xa mẹ tôi về mức độ hy sinh cho con cái. Tôi bắt đầu thấy mình phải cạnh tranh với mẹ về cái hình ảnh mà nền văn hóa Việt Nam đã mong chờ ở tôi.

 

Trong mớ hoa trái của đời sống tâm hồn chúng ta, giữa tất cả những kết quả từ mối quan hệ của cá nhân với tha nhân, không có giá trị nào cao quí hơn là sự hy sinh. Hy sinh lớn lao hơn cả bác ái và từ bi. Trong khi thực thi bác ái và từ bi, người ta ban phát những tâm quả sẵn có. Từ bi và bác ái không đụng chạm đến quyền lợi của kẻ ban phát mà thường đó là những thành quả do sự phong phú của tâm hồn sản xuất ra. Nhưng hy sinh là cả một quyết định quyết liệt. Hy sinh có thể ăn mòn đến xương tủy của những nhu cầu căn bản của con người. Hy sinh là trao phần căn của mình cho phần căn của kẻ khác. Lấy ví dụ sau khi người chồng mất hoặc sau khi ly dị, một người đàn bà quyết định ở vậy nuôi hai con bốn tuổi và năm tuổi. Khi quyết định phục vụ đời sống của những đứa con (con còn nhỏ, chúng không thể tự sống một mình), trước khi thỏa mãn đòi hỏi thể xác và đòi hỏi tình cảm của mình (ai cũng có nhu cầu cả, dĩ nhiên). Người mẹ ở đây đã phải dẹp bỏ nhu cầu tìm hạnh phúc cho chính nàng để nuôi con. Đó gọi là hy sinh.

 

Nó vượt trội hơn cả tình yêu. Trong tình yêu người ta có thể cho và nhận một cách thụ động. Nhưng hy sinh luôn đòi hỏi một sự ban phát chủ động và không mong gì nhận trả lại công ơn. Chỉ khi một người mẹ quyết định “tôi sẽ hy sinh đời tôi cho đời con” người mẹ mới vượt qua được những nhu cầu sống cho mình trước. Người mẹ mới có thể nhịn một giấc ngủ để đỗ con nín trong những cơn mệt mỏi thân xác rã rời. Mới dẹp bỏ ước muốn cặp bồ khác để chạy trốn cô đơn. Mới nghỉ học ở nhà nuôi con. Mới có thể cai những cơn ghiền xì ke để dành cái chi phiếu eo-phe (welfare) mua sữa cho con. Không nhủ lòng hy sinh, người mẹ sẽ bị nhu cầu muốn ăn ngon, bị nhu cầu muốn đi nằm ngủ cho sướng người, bị nhu cầu muốn tìm một vòng tay ấm, bị nhu cầu muốn học hành đỗ đạt cho bằng người ta, chúng hành cho! Những nhu cầu này được xem là những nhu cầu bình thường của con người. Những người mẹ khắp năm châu từ trước đến nay đã hy sinh những nhu cầu căn bản này cho con cái. Và nhân loại đã xem thường những hy sinh này. Tôi có thể nhìn thấy một viễn tượng mà người đàn bà không còn muốn hy sinh đời sống mình cho con cái nữa. Ngày đó nhân loại sẽ trải qua một thách đố lớn lao và sẽ mất rất nhiều thời gian để mò mẫm ra một mô thức mới thay thế ơn hy sinh của những người mẹ đã cứu rỗi nhân gian bấy lâu nay.

 

Sự hy sinh của mẹ tôi đã mang lại kết quả tốt cho tôi ngày nay. Làm sao tôi có thể không ca ngợi về hy sinh của mẹ khi thấy rõ ràng lòng yêu người, sự tự tin, sự phấn đấu trên tôi, tôi là thành quả do lòng hy sinh của mẹ. Tôi cảm nhận được ân sủng yêu thương không điều kiện của mẹ đã mang lại những kết quả rất tích cực trên chính tôi. Tôi không thể đặt câu hỏi về lòng hy sinh khi biết  đó là món quà quí báu nhất trần  gian mà tôi đã tiếp nhận từ kẻ tha nhân đầu tiên là mẹ. Khi lớn lên bước vào đời, tôi chỉ thấy tha nhân bày ra những ác độc, những ích kỷ, những kèn cựa, những phiền muộn, những tiêu cực không à.

 

Nhưng mặt khác nó đòi hỏi những điều kiện mà tôi không thể thực hiện nổi. Bởi vì trong khi đi tìm kiếm chính tôi, tôi đã mất thì giờ, mất năng lực, mất trí lực, vào sự theo đuổi này. Tôi không biết phải hy sinh cho con tôi như thế nào để có thể mang lại những kết quả tốt trên con cái. Tôi bắt đầu thấy tranh chấp giữa việc sống cho tôi và sống cho con. Tôi bắt đầu thấy đúng là tôi đã ích kỷ khi có con quá trễ. Tôi không giống mẹ. Là tôi đòi hỏi ở người đàn ông cọng tác với tôi trong việc cho ra đời những đứa con phải cộng tác với tôi trong việc nuôi dạy con. Tôi không thể từ chối rằng sống cho mình cũng có những cái sướng thân.

 

Con số ly dị kỷ lục ở Hoa Kỳ vào thập niên 1980, cứ bốn cặp thì đã có ba cặp ly dị, có thể do nhiều yếu tố tạo thành. Nhưng cái yếu tố lớn nhất đưa đến những tan vỡ trong hôn nhân có lẽ là do sự đi tìm kiếm chính mình của người đàn bà Hoa Kỳ sau cuộc Cách Mạng Phụ Nữ của thập niên 1960. Trong khi đi tìm kiếm  mình, người đàn bà Hoa Kỳ đã làm động thương nhiều hệ thống xã hội. Mà vai trò người đàn bà, vai trò người đàn ông, vai trò cha mẹ, vai trò con cái, vai trò chính quyền, đã bị lung lay bởi cái cách thế "bứt dây động rừng" này. Kết quả của những cuộc ly dị này đã để lại một ảnh hưởng tiêu cực trên con trẻ Hoa Kỳ. Khủng hoảng gia đình đã tạo ra những đứa trẻ thích xài súng ống, ái ân sớm, bệnh tật nhiều, học hành kém. Khi cha mẹ không chăm sóc con cái vì cả hai đều bận rộn đi tìm kiếm công danh, đi tìm kiếm tiền bạc và  đi tìm sự thõa mãn nhu cầu cá nhân thì truyền hình và bạn bè đã trám vào để thay thế công việc hướng dẫn đứa trẻ. Vai trò của truyền hình và vai trò của những trung tâm giữ trẻ được đặt ra.

 

Liệu một trung tâm giữ trẻ tốt có thể thay thế vai trò của bố mẹ trong việc nuôi dạy đứa bé không? Một thế giới mới đang hình thành ở Hoa Kỳ trong đó mọi giới đang dò dẫm và duyệt xét lại toàn bộ những hệ thống xã hội để tìm kiếm một phương thức ổn định được cơn khủng hoảng gia đình Hoa Kỳ hiện nay.

 

Xã hội Việt Nam vẫn có một mô thức gia đình rất thành công. Có thể nói có nhiều cơ chế của xã hội Việt Nam bị phá vỡ. Những gia đình vẫn còn là một cơ chế vững chắc.

 

Đứng về phương diện quốc gia, cơ chế quân chủ với hệ thống vua chúa đã bị đánh đổ vào giữa thế kỷ hai mươi với Bảo Đại là vị vua cuối cùng của Việt Nam.

 

Một đơn vị khác của xã hội Việt Nam bị thiệt hại là làng xóm. Làng Việt Nam nguyên là đơn vị xã hội khá chặt chẽ trong nếp sống của người Việt Nam, “Phép vua thua lệ làng” là một câu tục ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết. Vì phải trải qua quá nhiều chinh chiến của lịch sử nên người dân Việt Nam phải di chuyển chỗ ở liên miên. Hậu quả của những cuộc di cư này là làng Việt Nam không còn sức mạnh văn hóa như cũ. “Làng Việt Nam đã không còn cung cấp cho thành viên trong làng cái ý thức tập thể. Ý thức này đã mờ nhạt ở người Việt” (Nguyễn Đăng, Việt Nam Đất Nước Lịch Sử Văn Hóa, 1991 trang 85). Khi cần phải chung tiền làm ăn, người Việt Nam chỉ có thể tin tưởng tiền bạc với những người trong gia đình, chứ không tiến xa mối tin tưởng như người Trung Hoa. Người Trung Hoa sẵn sàng tin tưởng tiền bạc với những người cùng quê, cùng làng hơn.

 

Một dấu viết khác của một quốc gia nhiều chiến tranh như Việt Nam là sự phá vỡ giai cấp. Nhiều nhà văn hóa chia xã hội Việt Nam ra làm bốn giai cấp: Sĩ, Nông, Công, Thương. Nhưng hãy nghe một câu ca dao rất phổ thông ở Việt Nam: “Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chay rông nhất Nông nhì Sĩ”. Trong nhiều xã hội khác, sự tồn tại với thời gian là yếu tố hàng đầu để thiết lập lên những giai cấp. Nhưng điều này đã vắng bóng trong xã hội Việt Nam. Vì chiến tranh liên miên không có điều gì vĩnh cửu, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Hoặc “dân vạn đại, Quan nhất thời.” là những câu tục ngử bất hủ khác phản ảnh sự vô giai cấp ở Việt Nam.

 

Trong khi đó dù với bao nhiêu thế kỷ chiến tranh, gia đình Việt Nam vẫn giữ được một sức mạnh văn hóa cho đến ngày nay. Năm 1975, khi những người Việt Nam tỵ nạn sang Hoa Kỳ, nhờ hệ thống gia đình vững chắc để nuôi nấng và bảo bọc nhau nên người Việt Nam đã có thể đi học, đỗ đạt và thành công về con đường bằng cấp trong xã hội mới này. Cũng nhờ hệ thống gia đình chắt chẽ, người Việt Nam đã có thể mua tậu nhà một cách dễ dàng. Họ chung tiền và sẵn sàng cho mượn tên anh chị cha me con cái để thõa mãn những điều kiện tài chánh và tín dụng đòi hỏi từ những chủ nợ. Họ đã phá vỡ được hàng rào hệ thống tín dụng của nhà băng Hoa Kỳ, vốn thường căn cứ trên thành tích tiền tích lũy và thành tích ít nợ của những người đứng tên nhà để cho vay mua nhà.

 

Sự thành công hoặc thất bại của gia đình Việt Nam đối với văn hóa Việt Nam nói lên vai trò của người đàn bà Việt Nam rất nhiều. Sở dĩ gia đình Việt Nam vẫn còn có mặt như ngày nay, là do sự đóng góp của đàn bà Việt Nam trong phương cách kiểm soát và duy trì hệ thống gia đình  Việt Nam để tồn tại vững vàng giữa bao tan tác ly loạn của chiến tranh. “Lệnh ông không bằng còng bà” nói lên cái uy lực của người đàn bà trong gia đình Việt Nam.

 

Vai trò của người đàn ông trong gia đình Việt Nam vẫn mạnh. Người đàn ông vẫn được xem là cột trụ của gia đình do ảnh hưởng của Không giáo Trung Hoa. “Phu xướng, phụ tòng”. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” là những câu nói giáo điều của người Trung Hoa chứ không phải của người Việt Nam. Những giáo điều này đã có một số ảnh hưởng tương đối nào đó lên đời sống gia đình Việt Nam. Trên danh chính ngôn thuận người người đàn ông vẫn được xem là người quyết định những vấn đề lớn ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống vợ chồng con cái. Tuy nhiên lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh, một quốc gia đã hiện diện hơn bốn ngàn năm nhưng chỉ được mấy trăm năm  hòa bình gom lại từ lúc dựng nước cho đến cuối thế kỷ hai mươi này. Vì thế người đàn ông Việt Nam phải ra chiến trường nhiều hơn là ở nhà. Người đàn bà Việt Nam phải quản xuyến hết tất cả mọi việc, từ việc chăm sóc dạy dỗ con cái cho đến việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Trong khi người đàn ông phải lo phục vụ đất nước, thì trách nhiệm chủ chốt gia đình đã phải chuyển nhượng sang hết cho người đàn bà. Người đàn bà không những phục vụ cho gia đình nhỏ của mình, mà con phải phục vụ gia đình lớn của chồng. Tiếng Việt có một cụm từ “gánh vác giang sơn nhà chồng” để chỉ khả năng quản trị gia đình của người đan bà Việt Nam.

 

Một trong những nơi chốn thể hiện khả năng kiếm tiền và khả năng quản trị tài chánh của người đàn bà Việt Nam là cái chợ.

 

Chợ Việt Nam là giang sơn của người đàn bà Việt Nam. “Không mợ, thì chợ cũng đông. Có mợ, thì chợ vẫn đông như thường. “Gái thương chồng đang đông buổi chợ. Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” là những câu ca dao đã gắn bó người đàn bà Việt Nam với cái chợ.

 

Chợ là tụ điểm của phần lớn những thương vụ của người Việt Nam. Là nơi sinh hoạt đặc biệt giữa đàn bà với đàn bà. Chính nơi đây là nơi người đàn bà cổ truyền Việt Nam đã bung ra ngoài xã hội để kiếm tiền. Những cửa hàng trong chợ, từ những hàng vải hàng rau, cho đến những hàng cá hàng thịt, từ hàng nhỏ cho đến hàng lớn, tất cả đều được điều khiển và trao đổi bởi những người đàn bà. Khi chợ Đồng Xuân, một nơi được xem là “não” của Hà Nội  (“Merchants Suffer As Historic Maket Burns In Hà Nội” San Jose Mercury News, July, 1994), phát cháy vào trung tuần tháng bảy, 1994, người ta ước lượng có khảng gần 9000 người, phần lớn là đàn bà Hà Nội, mất công ăn việc làm.

 

Làng Giầu (còn gọi là Phù Lưu) nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 cây số là một làng nổi tiếng với chợ Giầu. Chợ Giầu nổi tiếng với những câu ca dao như:

 

Ai lên quan Dốc, chợ Giầu

Để thương để nhớ để sầu cho khách đường xa.

 

Hoặc:

 

Nón em sắm ở chợ Giầu

Dọc ngang thước rưỡi, múc khâu năm đường

 

Hay:

 

Gạch người mua chợ Đồn Gời

Mua soan tím lõi, mua vôi chợ Giầu

 

Chợ Giầu là sinh hoạt chính của làng nên người ta còn gọi là làng chợ Giầu. Làng chợ Giầu nổi tiếng là sản xuất ra những người đàn bà buôn bán giỏi. “Phụ nữ làng Giầu còn nổi tiếng là đi buôn để nuôi chồng đi học”. Sách Đồng Khách địa dư chí lược chép “Phù Lưu là tổng có nhiều người đỗ đạt nhất huyện” (Tìm hiểu làng Việt, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, 1990, trang 168).

 

Người đàn bà Việt Nam đã là người bán, họ còn là khách hàng mua. Những cô thiếu nữ, những người đàn bà bước đến chợ, là bước đến một ngôi trường học hỏi cái khả năng quản trị tài chánh của mình. Đây là nơi dạy cho họ bài học quản trị tài chánh rất nghiêm ngặt.

 

Chợ Việt Nam không giống như những siêu thị Hoa Kỳ. Những siêu thị ở Hoa Kỳ treo giá chính xác trên mỗi món hàng cho mọi người biết để mua bán. Nhưng chợ Việt Nam từ ngàn xưa cho đến đời nay là nơi chốn để mặc cả giữa người bán và người mua qua hình thức khảo giá bằng mồm. Người bán đưa giá. Người mua trả giá. Hai bên nói qua nói lại cho đến khi cả hai cùng chịu giá của nhau. Đó là một nghệ thuật tranh cãi liên hệ đến thiên khiếu và có sự học hỏi. Người bán khéo có thể lời cao. Người mua vụng có thể bị hố. Sự lời lỗ trong việc chi thu ở những buổi chợ có thể nâng cao hoặc làm xuống thấp nền kinh tế của gia đình.

 

Người đàn ông Việt Nam không nhận lãnh trách nhiệm đi chợ. Họ có thể là người mua bán ở ngoài chợ như là những gã lái buôn. Nhưng người đàn ông Việt Nam không làm công việc mặc cả “cò kè bớt một thêm hai” trong chợ. Đó là một loại công việc cũa phụ nữ Việt Nam.

 

Chỉ từ khi những sinh hoạt thương mãi vuột ra khỏi chợ, trở thành những công ty lớn, người đàn ông Việt Nam mới bắt đầu tham gia tích cực vào những sinh hoạt buôn bán quy mô nhiều hơn.

 

Sinh hoạt thương mại ở chợ và sinh hoạt quản trị trong gia đình đã khiến cho người đàn bà Việt Nam có cơ hội hành xử các khả năng trí tuệ và ở vào những vị thế có quyền lực.

 

Định mệnh hết sức vắn vỏi của miền Nam Việt Nam hai mươi năm, 1954 - 1975, bị đổ lỗi một phần là do lạm quyền và tham nhũng của hai chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ với hình ảnh bà em dâu Trần Lệ Xuân làm mưa làm gió trên chính trường của chế độ thời ấy. Tiếp theo là chế độ Nguyễn Văn Thiệu cũng đã mục nát vì tham những (Bản Cáo Trạng Tham Nhũng Số Hai, của Phong Trào Chống Tham Nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh cầm đầu khoảng 1974 -1975). Chế độ Nguyễn Văn Thiệu bất lực với tham nhũng không phải vì chính phủ ấy không có những chính sách diệt tham nhũng, mà vì những giềng mối tham nhũng khổng lồ nhất đã xuất phát từ những người đàn bà vợ của những vị tướng lãnh cầm quyền. Mà vì trong căn bản những người  đàn bà này không phải là những kẻ được ủy quyền trực tiếp, nên họ chỉ nhìn thấy quyền lợi riêng mà không nối kết được tác động của những hành vi do chính mình gây ra lên trên thiệt hại chung của cộng đồng.

 

Một cách thuận ngôn và trên nhiều sách vở, người ta vẫn nói xã hội Việt Nam là một xã hội phụ quyền và nam quyền. Trong thực tế, xả hội ấy đã có chỗ cho người đàn bà hành xử những khả năng cá nhân gián tiếp và trực tiếp một cách sâu rộng hơn là người ta đã tương truyền.

 

 

BỐN

 

Là một người cầm bút tôi hiểu đậm đà về hai chữ “Lưu Vong”.

 

Có những khi tôi đã có cảm tưởng như mình đang trốn chạy đời sống vào những trang giấy. Cảm giác bất lực trước nhiều vấn đề lớn của đời sống khởi đi từ những suy nghiệm về tôn giáo , chính trị, tranh chấp, trí thức.v.v… khiến cảm giác lưu vong là một thứ cảm tưởng phiêu lãng thuốc phiện rất mời gọi tôi chui đầu vào.

 

Sự cô đơn của công việc sáng tạo khiến người cầm bút thấy rất dễ gần gũi với trạng thái lưu vong mặc dù đôi lúc tôi đã rất muốn từ chối sự tàn tật của trạng thái này.

 

Tôi đã đả đảo nhiều thứ chính thống  để giữ được những rung động nguyên thủy về đời sống.

 

Sự kiếm tìm độc lập là một niềm tin đã được thử nghiệm cùng năm tháng dễ khiến tôi thấy  mình lưu vong ngay chính trong đời sống này với người thân, với đàn bà, với đàn ông, với những bạn bè hiếm hoi… Lưu vong về tinh thần dễ tàn tật và tuyệt vọng hơn lưu vong về địa lý.

 

Tôi cũng đã lưu vong ra khỏi quê hương trong một thời gian dài, sống gần hai mươi năm ở xứ sở Hoa Kỳ, xa rời Việt Nam.

 

Lưu vong. Lưu vong. Lưu vong… Tôi đã thấy nó nằm lấp xấp dưới tế bào năm tháng của cuộc đời con gái mình. Nó là một lưu trữ tiếp thu từ cuộc sống tinh thần của một kẻ đã thấy mình kề cận với sự tương đối và tuyệt đối của cuộc đời vào năm thứ ba mươi sáu sống sót trên mặt đất này.

 

Cho đến khi có con.

 

Trong một giai đoạn ngắn khi hai đứa con cần đến sự chăm sóc thể lý và tinh thần tuyệt đối từ cơ thể và tâm hồn tôi, tôi thấy chỗ trú ngụ tuyệt đối của tôi ở nơi hai con. Đó là lúc tôi thấy sự nghiêm chỉnh của hai con người hoàn toàn sống nhờ sự sống của tôi. Sự hiện hữu của con chính là sự hiện hữu của tôi. Nhưng con không phải là tôi. Mà con lại là một tha nhân khác. Một cảm giác kinh ngạc đã choán ngợp cả thể xác lẫn tâm hồn không còn chỗ cho suy tưởng nữa. Và tôi chỉ mãi miết sống. Không biết đặt câu hỏi như thế nào và cũng không cần câu trả lời.

 

Tôi khám phá ra rằng chỉ trong phút giây ngắn ngủi của trạng thái tuyệt đối của lòng thương yêu , con người mới không thấy mình bị lưu vong. Sự gắn bó giữa người mẹ và con là một sự cho và  nhận tuyệt đối.  Chính sự tuyệt đối tầm thường trên đã đánh văng cảm giác lưu vong mà thế giới trí thức thường ám ảnh tôi. Đó là một cảm  nhận khá hiếm hoi đối với một kẻ săn đuổi những ý tưởng và thường xuyên bất mãn với thế giới đã được thiết lập chung quanh, như tôi.

 

Trong tất cả các kinh nghiệm liên hệ đến kinh nghiệm trở thành mẹ, có một kinh nghiệm mà tôi yêu quý nhất và đã trả lời được chính tôi một câu hỏi căn bản về đời sống, mà trong đời sống của một người cầm bút tôi không bao giờ có thể nắm bắt được, mặc dầu nó là điều tôi đã theo đuổi và lùa bắt nó trong từng cân của trí não, của ngòi bút, của trang giấy, của thời gian, và của từ kinh nghiệm chính mình.

 

Đã có những chiều chủ nhật của những năm hai mươi, những năm ba mươi độc thân. Nằm một mình ở Việt Nam. Nằm một mình trên nước Mỹ. Nằm hai mình ở nước Mỹ. Nằm hai mình ở Việt Nam. Đi học. Đi chơi. Đi làm. Đi quán cà phê. Đi biểu tình. Đi thư viện. Đi làm thiện nguyện. Đi bảo tàng viện. Đi bãi biển. Đi leo núi. Tôi đã sống qua những năm con gái với đủ thứ triều sóng của nhiều biến cố lớn nhỏ từ bên trong lẫn bên ngoài . Để học hỏi và thấy rằng đau khổ thì cứ nằm lì lợm trong tâm hồn đuổi mấy cũng không chịu đi , còn hạnh phúc thì vắn vỏi phút giây khiến đã trôi qua rồi mà lòng vẫn còn thèm muốn nhớ nhung mãi.

 

Giữa tất cả mọi điều . Đã có nhiều buổi chiều chủ nhật tôi chỉ muốn tự tử.

 

Đó là những lúc tôi cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa.

 

Khái niệm về “cuộc đời vô nghĩa” chỉ là một khái niệm. Nó là một sản phẩm của suy tưởng. Nếu người ta chỉ sống mà không suy nghiệm gì về chúng cả,  người ta sẽ không nghĩ đến chuyện cuộc đời này có ý nghĩa hay không có ý nghĩa. Nhưng khi giòng suy tưởng đã dẫn một người đến cái kết luận rằng cuộc đời này thật vô nghĩa., thì rồi nó sẽ níu cái đầu của bạn quanh quẩn ở chỗ đó. Vì nó là một kinh nghiệm suy tưởng mà chỉ có thể thay lấp bằng một kinh nghiệm suy tưởng khác. Với tôi, kinh nghiệm về sự vô nghĩa của đời sống là một kinh nghiệm suy tưởng vĩ đại mà cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa vượt qua bằng một kinh nghiệm suy tưởng nào khác.

 

Tôi đã lỡ rơi vào cái hố thẳm của sự trống rỗng sự vô nghĩa cuộc đời vào những năm còn trẻ, những năm đầu hai mươi. Và cứ như vậy nó kéo dài qua những năm ba mươi của tôi. Tôi đã nhiều lần thấy tâm hồn, con người, và cuộc đời mình gần với câu thơ ca của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều “Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Tôi đã săn đuổi đời sống với những nỗi niềm bình an, sợ hãi, gan dạ, ngây thơ, già dặn, nhẹ nhõm, nặng nề, yêu đời, chán đời, hiu quạnh, táng tận, tương đối, tuyệt đối, chia xẻ, và cô đơn.

 

Đã có những lúc tôi yêu một cái chết vô cùng.

 

Cho đến ngày tôi cho ra đời những đứa con.

 

Khi cho ra đời những đứa con. Tôi không chỉ tái sinh về mặt thể xác mà nó còn là một cuộc phục sinh tâm hồn.

 

Đứng về mặt thể xác, sau hai lần sanh nở, tôi tự cảm thấy máu  thịt mình như trải qua những đãi lọc và biến thể của tế bào. Tôi tự cảm thấy mình trẻ trung và xinh đẹp ra sau hai lần sanh nở. Tôi tự thấy làn da của mình mịn màng ra sau hai lần sanh mà trước đó thời con gái  trong những năm ba mươi  tôi đã tốn công tốn của để chà đánh cái làn da không được tươi tốt lắm của mình.

 

Nếu đã có những lúc cái con người tôi ba mươi sáu tuổi đời, chuyên nghiệp, trí thức, ngồi tính toán từng yếu tố kinh tế của xã hội  lên trên sự sanh đẻ và nuôi con của người đàn bà. Thì cũng đã có nhiều lúc nằm giang hai tay làm gối đầu cho hai con một bên cánh tả một bên cánh hữu, ngẫu hứng ầu ơ một câu hát ru con, tôi mới bắt đầu  thấy lòng mình vừa ngập tràn một thứ phù sa tươi tốt đã cứu rỗi và cũng đã chậm chạp  lăn bước cuộc đời tôi.

 

Đó chính là một tấm lòng rộng lượng. Rộng lượng với chính mình. Rộng lượng với tha nhân. Rộng lượng trong cách ban phát niềm hạnh phúc cho người. Rộng lượng với những hèn kém và yếu đuối của chính mình  và của người khác.

 

Chỉ đến lúc trở thành mẹ, thể tích tôi mới nới rộng ra một tấm lòng  đối với tha nhân và về một cái nhìn lại lịch sử nhân loại không khắc nghiệt như ba mươi sáu năm trước đây!

 

Tôi thấy chân tôi bắt đầu bám rễ vào cuộc đời một cách mềm yếu.

 

Tôi thấy thân xác tôi đang biết vỗ về đôi cánh bay đến miền tương lai. Mặc cho bát nháo la đà chung quanh đầy dẫy những thù hận, ác độc, bất toàn, và lòng tham mà trước đó tôi đã sợ hãi và hoài nghi về cuộc đời này.

 

Chỉ cho đến lúc trở thành mẹ tôi mới hoàn tất được một niềm tin.  Tôi phải tin vào cuộc đời này.

 

Tâm hồn tôi rõ là trải qua những cuộc động hồn cực mạnh. Then chốt nhất vẫn là một sự cuốn vắng tận mạng về mối hoài nghi cuộc đời vô nghĩa.

 

Một sự trói buộc bản thể đã cho tôi thấy sự hiện hữu của tôi hết sức có ý nghĩa với chính tôi và với các con. Tôi không còn thời giờ để tra hỏi về sự hiện hữu của tôi và của các con tôi nữa. tôi chỉ biết mãi miết sống! Tôi phải lo bảo vệ sức khỏe bảo vệ sự sống của tôi và các con tôi từng phút giây. Một niềm yêu đời hết sức tươi tốt chợt nảy sinh. Sự xám ngắt của tâm hồn như tự động biến mất. Khi ngắm nhìn những đứa con nằm ngủ khỏe mạnh và xinh đẹp, tôi thấy mùa xuân nẩy mầm trên từng hơi thở của con, trên từng tiếng thở ra nhẹ nhõm của chính mình và tôi tự cảm thấy:  A! Mùa xuận. Mùa xuân đang đi qua là đây.

 

Tôi bỗng cảm thấy yêu cuộc đời vô cùng.

 

Lúc bấy giờ tôi chỉ vừa mới bắt đầu  đối phó với nguồn tin con trai đầu lòng của tôi có thể bị Chứng Khờ Autism.

 

 

tham khảo

 

Bùi Văn Nguyên, Việt Nam Truyện Cổ, Triết Lý Và Tình Thương, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991

 

Geeta Rani Lall and Bernmard Mohan Lall, Charles C. Thomas, Comparative Early Childhood Education, Illinois, 1983

 

"Gender Gap In Teens Views on Family", báo ngày San Jose Mercurynews, San Jose, California, thứ Hai 11 tháng Bảy năm 1994

 

"Men, Sex, and Parenhood In An Overpopulating World", Aaron Sachs, báo tháng World Watch, Hoa Kỳ, tháng 3/4 1994

 

"Merchants Suffer As Historic Market Burns In Hanoi", báo ngày San Jose Mercurynews, San Jose, California, Chủ Nhật 24 tháng Bảy năm 1994

 

Nguyễn Hữu Hiệu, Truyện Kể Dân Gian Nam Bộ, nhà xuất bản Thành Phố HCM, 1987

 

Robert H. Shahan and J. N. Mohanty, Thinking About Being, Aspects of Heidderger's Thoughts, University of Oklahoma Press, Norman, 1984

 

Tìm Hiểu Làng Việt, nhiều tác giả, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Dân Tộc Học, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990

 

Việt Nam Đất Nước Lịch Sử Văn Hóa, nhiều tác giả, nhà xuất bản Sự Thật, Thành Phố HCM, 1991

 

 

Lê Thị Huệ

 

1994

 

(trích từ tùy bút Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật, xuất bản 1995)

 

 

 

 

 

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM