Dòng Tên Và Sự Truyền Đạo Công Giáo Từ Nhật Bản Đến Việt Nam

 

Dejanirah Couto *

‘Maître de conférences’ at the École Pratique des Hautes Études (Paris)

 

Từ Ngưỡng Cửa Nhật Bản

Giáo Sĩ Gaspar do Amaral,

‘Mạng Lưới Dòng Tên’ và Sự Đóng Góp

của Phái Bộ Truyền Giáo Nhật Bản và Cộng đồng Di Dân Nhật Bản

Vào Việc Triển Khai và Định Cư của Phái Bộ  Dòng Tên ở Đàng Ngoài

 

Ngô Bắc dịch

Mặc dù đã được xác định và kiểm kê, bộ tài liệu có nhan đề Jesuítas na Ásia từ Thư viện Quốc gia của Cung điện Ajuda (Biblioteca Nacional do Palácio da Ajuda) ở Lisbon, cũng như loạt ấn phẩm ARSI Jap. Sin. từ Archivum Romano Societatis Iesu (Văn Khố La Mã Tu Hội Dòng Tên) ở Rome, tiếp tục tiết lộ sự giàu có của tài liệu mới, nếu được nghiên cứu chi tiết, đóng góp vào việc mở rộng và đôi khi, như một sự gợi ý cho nhiều câu hỏi hơn liên quan đến mạng lưới 'đa quốc gia' của Tu Hội Dòng Tên (Society of Jesus), từ quan điểm kinh tế cũng như tinh thần và trí thức.

 

Một trong những khía cạnh có ý nghĩa nhất của Dòng Tu là cách nó được tổ chức, khi được phân tích từ một quan điểm kinh tế. Đặc biệt trong suốt các thế kỷ 16 và 17, sự tài trợ cho mỗi một trong nhiều phái bộ ở châu Á, với tư cách là một phần của Padroado (Quy Chế Bảo Trợ Bồ Đào Nha), có liên quan với nhau trong một mạng lưới hoạt động tài chính phức tạp, do đó tạo ra một mạng lưới toàn cầu thực sự cho các giáo sĩ Dòng Tên.

 

Ví dụ đầu tiên mà tôi nghĩ đến một cách quả quyết là trường hợp của Ấn Độ, và đặc biệt là thành phố Bassein, 'Thủ đô phía Bắc', thuộc Gujarat /Maharashtra [cực đông của Ấn Độ, ND], với những vùng đất màu mỡ và trù phú ở đó hệ thống quyên góp, đặc quyền và cho vay tài chính từ các ngôi làng được tiến hành bởi Hoàng Gia Bồ Đào Nha cùng với sự đóng góp của Giáo hoàng — như cũng như các khoản đóng góp từ các cá nhân tư nhân cho các tu sĩ Dòng Tên (từ năm 1548 trở đi) —cho phép họ đạt đến một mức độ giàu có  vượt xa các dòng tu khác.  Đặc biệt, Dòng Tên có nhiều nguồn lực hơn Dòng Phanxicô. Nền tảng kinh tế vững mạnh cho phép các tu sĩ Dòng Tên đóng một vai trò rất quan trọng tại Ấn Độ, cũng như tại Macao, đặc biệt trong thế kỷ 17, bằng cách bảo vệ các lãnh thổ dưới quyền người Bồ Đào Nha quản trị — chẳng hạn như Bassein — thông qua việc tuyển mộ binh lính hoặc sửa chữa pháo đài.1  Nó cũng cho phép họ tài trợ cho sự bành trướng khu vực châu Á của họ. 

 

Thật vậy, điều thú vị khi nhận ra rằng phái bộ Dòng Tên ở Nhật Bản, đòi hỏi kinh phí đáng kể do các công tác khác nhau của việc cải đạo tôn giáo, và nhiều loại liên hệ ngoại giao khác nhau bị tùy thuộc, trong số các lý do khác, đã được tài trợ từ thế kỷ thứ 16 bởi Bassein, mặc dù dưới quyền chủ tể khác nhau trong thế kỷ 16 (D. João III, D. Sebastião và Filipe  đệ II của Tây Ban Nha / đệ I của Bồ Đào Nha) đã hỗ trợ phái bộ Nhật Ban thông qua  các khoản quyên tặng hào phóng, cung cấp nhiều khoản tiền được chuyển tải không chỉ từ Bassein mà từ tiền lãi tại Vòng Cung Đảo Mumbai, đặc biệt từ đảo Salcete [vùng đất nằm ở bờ biển phía tây của Ấn Độ, thuộc miền nam của Goa, ND].3

 

Trong thập niên 1570, như chúng ta có thể đánh giá bởi Sumário de todos os Colégios e Casas, Residências e Pessoas, Rendas e Gastos que tem a Provincia da Companhia na India (1587) chính các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu thu tiền thuê nhà của caçabés [thị trấn nhỏ cư ngụ bởi dân hay gia đình đàng hoàng, có đẳng cấp, ND] từ Caranja vào năm 1571 (500 pardaus [một đơn vị tiền tệ nhỏ hơn đồng rupia của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ, ND], là một phần tiền cho thuê của nó) từ Ponvém / Poinser (1575, 700 pardaus), từ Condotim (1578, 500 pardaus), 4 từ Mulgão (1585, 1000 pardaus), kết hợp với tiền thuê từ Sargiu (200 pardaus), từ Mori (200 pardaus), và từ Curlem (400 pardaus), 5 tất cả dành cho việc tài trợ phái bộ truyền giáo tại Nhật Bản.

 

Vào đầu thế kỷ thứ 17, tu hội Dòng Tên nhận thấy khoản bổ sung tiền thuê từ khu dân cư caçabé rất giàu có từ Maim, trên Đảo Salcete. Khu dân cư caçabé này, có một Văn Phòng Quan Thuế, là một khoản tặng dữ từ quỹ ngoại tệ (foreiro) Jorge Borges,  chừng nào trường Cao Đẳng Goa còn mắc nợ, với điều kiện là nó sẽ vẫn còn được dùng làm nơi hội thảo của ba giáo tỉnh Goa, Malabar và Nhật Bản.6

 

Nỗ lực tài chính mạnh mẽ này để hỗ trợ phái bộ truyền giáo Nhật Bản đã không ngăn cản sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng tài chính tăng dần vào cuối thế kỷ thứ 16 và đầu thế kỷ thứ 17.7 Nếu chúng ta quay trở lại thời khoảng cuối của thế kỷ 16, các tác giả chẳng hạn như Helena Rodrigues, người đã tính toán ngân sách của phái bộ vào năm 1586, chỉ ra rằng tổng số của tất cả thu nhập (bao gồm giá trị của các khoản đóng góp của hoàng gia và tư nhân, tiền thuê từ các làng của Bassein và thuế tài sản của một số nhà ở Macao cũng như các lợi nhuận của các khoản đầu tư trong thương mại tơ lụa và thuế hải quan từ cảng Nagasaki) có số tổng cộng 5.325 cruzados [một đơn vị tiền tệ của Bồ Đào Nha, ND], trong khi tổng số các chi phí, bao gồm cả việc hàng hóa chất lên tàu, phí chuyển vận, sách và lễ phục phụng vụ, thực phẩm cho các phái bộ, các chuyến đi và các chi phí đi lại khác nhau cho các nhà truyền giáo (bao gồm cả Phó tỉnh và Bề Trên Tổng Quyền), việc trang trí các nhà thờ, các quà biếu ngoại giao, và chi phí của những ngôi nhà của phái bộ đặt tại Miyako (Kyoto) trên đảo Honshû, Bungo và Omura ở Kyûshû và Ximo (Shikoku), 8 cộng chung mọi khoản thành tổng số là 6.354 cruzados. Vì thế trong những năm đó có một số thâm thủng là 1.029 cruzados, mặc dù không cao lắm, rõ ràng có xu hướng tăng lên trong những năm tiếp theo, với việc đình chỉ thường xuyên mậu dịch của Kurofune [ 黒 船: hắc thuyền, thuyền sơn màu đen, chỉ các tàu Tây Phương đến Nhật Bản trong các thế kỷ 16 - 19, ND]  giữa Macao và Nhật Bản, từ 1573 đến 1618, mặc dù giao liên lạc vẫn tiếp tục sau 1618,9

 

Tuy nhiên, chúng ta cần làm nổi bật sự kiện rằng những ngân sách này từ Dòng Tên phải được xem xét với sự thận trọng: có thể là các nguồn thu nhập khác đã không được ghi lại và rằng sự mô tả này về các khó khăn tài chính tác hại đến phái bộ cũng đã là một phần của cung cách hùng biện của các tu sĩ Dòng Tên nhằm thể hiện rằng nỗ lực của ‘Dòng Ignatius [Ignatius of Loyola là người sáng lập ra Dòng Tên, ND]’ thật đáng khen ngợi ra sao khi 'hướng tới việc cải đạo tôn giáo trong một tình hình quốc tế phức tạp.10  Điều liên hệ cần cứu xét rằng, ví dụ, ai cũng biết rằng đã có thêm các khoản quyên góp được thực hiện bởi các tư nhân, những người đã tham gia vào phái bộ Nhật Bản. Trường hợp của Luís de Almeida (1556) vẫn là một ví dụ điển hình.11

 

Trong mọi trường hợp, điều trở nên cần thiết phải đi tìm kiếm nguồn kinh phí khác. Một trong số nguồn đó là những đóng góp của các thương gia Bồ Đào Nha, bắt đầu từ năm 1544, khởi sự khám phá, từ những tiền đồn ở Goa và Malacca của họ, mậu dịch sinh lợi nhuận bằng lụa Trung Hoa, họ đổi lấy bạc của Nhật Bản, do đó trở thành trung gian trong sự trao đổi thương mại truyền thống giữa Trung Hoa và Nhật Bản (đã phát triển kể từ thời Tenbun [của Nhật Bản, ND], 1532-1555), 12 nhờ ở, trong số các lý do khác, sự phát triển của các hoạt động khai mỏ tại Nhật Bản và nhu cầu ngày càng tăng của Trung Hoa về bạc.13  Sự phát triển này của mậu dịch Bồ Đào Nha dẫn đến một sự tăng cường tất yếu mối quan hệ giữa các thương gia và các nhà truyền giáo vốn đã trao đổi các dịch vụ hỗ ứng. Trong một số các trường hợp dịch vụ được giới hạn vào các trao đổi tài chính, mặc dù chúng ta không thể loại trừ khả tính rằng các loại trao đổi khác cũng đã diễn ra. Ví dụ, một số bằng chứng cho thấy rằng các thuyền trưởng giàu có của các chiếc tàu đã hỗ trợ các nhà truyền giáo trong một số dịp ở thời kỳ ban đầu,  rõ ràng không có bất kỳ sự bồi đáp cụ thể nào: một lá thư của Cha Baltasar Gago, viết ở Hirado năm 1555, cho chúng ta biết rằng trong sáu năm, Thuyền trưởng Duarte da Gama, người lái thuyền dọc theo Bờ biển Nhật Bản, đã giúp các linh mục Dòng Tên các đồ tiếp tế và của bố thí.14

 

Hơn nữa, về sự tham gia của họ vào thương mại, các giáo sĩ Dòng Tên (bất chấp sự ngăn cản của Giáo Hội Công Giáo) 15 đã tìm cách giải quyết vấn đề và đã sớm thương lượng các điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại của họ ở Nhật Bản, mà họ bắt đầu phát triển vào khoảng năm 1549. Trong số này, chúng ta sẽ chỉ xem xét ở đây hai khía cạnh quan trọng: mức độ ưu tiên liên quan đến việc bán các picos [pico: tạ,  đơn vị trọng lượng của Bồ Đào Nha, tương đương với 60kg, nhưng không nói rõ loại hàng hóa gì, ND] của Dòng Tên và với nhiệm ý để có thể bán thêm 50 picos khác khi Kurofune không có ở Nhật Bản.16

 

Nhưng, như ai cũng biết, nếu các tu sĩ Dòng Tên có thể lợi dụng các cơ hội thương mại, chủ yếu là do các khả năng của họ trong vai trò các người trung gian, điều đã sẵn được công nhận bởi chính quyền Bồ Đào Nha ở Goa, ở Malacca và sau đó ở Macao, cũng đã được công nhận bởi các daimyô: đại danh theo Thiên chúa giáo (chẳng hạn như Ômura Sumitada hoặc Arima Haronobu) .17   Người Nhật thấy ở họ những tác nhân thích hợp để thương thảo với các thương gia Bồ Đào Nha, những người sẽ sau rốt liên kết với họ.18  Arima Haranobu, daimyô của Shimabara, 19 là một ví dụ về những người có được shuin-jô (con dấu đỏ), giấy cấp quyền chính thức của Nhật Bản cho phép hoạt động thương mại hàng hải, một hệ thống nổi tiếng cần được đề cập một lần nữa trong các trang sau. Ông ấy cũng đã dính líu với các thương gia Bồ Đào Nha.20

 

Trong một số trường hợp nhất định, những daimyô này là các đối tác trực tiếp với các giáo sĩ Dòng Tên: ví dụ, vào năm 1567, Ôtomo Sôrin / D. Francisco, daimyô của Bungo, đã yêu cầu các Giáo Phụ cung cấp cho ông ta 200 kin [ kim: vàng, tiếng Nhật, chỉ đơn vị tiền tệ đồng tiền vàng?, ND] muối cục (salpetre) hàng năm.21  Những người Nhật cải đạo khác (có 300 người trong năm 1585 tại Nagasaki, theo Luís Fróis) 22  là những kẻ cũng có các quyền lợi và các sự tham gia vào mậu dịch hàng hải, đã thương lượng với Macao và cũng liên kết với các giáo sĩ  Dòng Tên.

 

Mặt khác, bất kể các sự phàn nàn thường trực về tình hình kinh tế của Tu Hội Dòng Tên ở Châu Á, phái bộ truyền giáo ở Nhật Bản cũng nhận được rất nhiều sự yểm trợ từ người Nhật đã cải đạo.23 Như đã khẳng định qua những lá thư được viết bởi những nhà truyền giáo, họ không chỉ cung cấp chỗ ở và của bố thí cho các linh mục trong nhiều dịp mà còn giúp các nhà truyền giáo thông qua việc quyên tặng đất đai hoặc hàng hóa được thu thập bởi các cộng đồng địa phương, đã cung cấp hỗ trợ cho việc xây dựng nhà thờ và các tòa nhà liên quan khác, và việc bảo trì của bệnh viện được lập ra ở Funai (Ôita) vào năm 1559, nhờ ở khoản quyên góp 300 cruzados. 24  Họ cũng ủng hộ Misericórdias {Hội Từ Thiện?, ND].25

 

Tuy nhiên, quan trọng hơn, đã có những sáng kiến rất giống với những gì đã diễn ra ở Bassein: chúng ta hãy chỉ nhớ đến như một ví dụ, đặc nhượng tiền thuê của một cảng thương mại lớn chẳng hạn như cảng ở Nagasaki bởi Ômura Sumitada cho Tu  Hội Dòng Tên năm 1571,26  hay đặc nhượng hai ngôi đền của Ôtomo Sôrin (Yoshige) / D. Francisco vào năm 1587, cung cấp tiền vào thời điểm đó cần thiết cho sinh kế của khoảng hai mươi người.27   Tiến trình này, rõ ràng đã được tiến hành trong nửa sau của thế kỷ thứ 16, tự củng cố vào cuối thế kỷ và vẫn giữ nguyên lúc khởi đầu của thế kỷ thứ 17. Ở một khía cạnh nào đó, người Nhật theo đạo Cơ đốc  — bao gồm một số daimyô — đã hoàn thành, trong vai trò hỗ trợ cho phái bộ truyền giáo Nhật Bản, các hoạt động của các thương gia và các cá nhân tư nhân Bồ Đào Nha ở nửa sau thế kỷ thứ 16, 28 trở nên thịnh vượng thông qua mậu dịch Đông Nam Á một số hàng hóa và sản vật: lụa thô, vàng, đồng, trà, nhân sâm Trung Hoa (raiz-de-china), đại hoàng (rhubarb) và đồ sứ.  Liên can đến các tu sĩ Dòng Tên, chúng ta hay biết, bất kể 'cuộc khủng hoảng dần dần', tầm quan trọng của khoản đầu tư của họ quan trọng ra sao và làm thế nào họ gặt hái được những lợi lộc lớn lao từ việc mua bán lụa và các sản phẩm khác vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ 17.29

 

Mục tiêu của chúng tôi không phải là kiểm tra chi tiết tất cả các khía cạnh của việc bài trừ Cơ đốc giáo, đã bắt đầu với sắc lệnh của Toyotomi Hideyoshi vào năm 1587 (sau sự biến mất của Sumitada, và qua đó Nagasaki được đặt dưới quyền trực tiếp kiểm soát của ông, cũng như Mogi và Urakami), đề cử Nabeshima Hida no Kami (Naoshige) trong vai daikan [đại quan, tiếng Nhật, có nghĩa đại diện cho quan chức, giữ chức thị trưởng hay tổng đốc, ND] cho những khu vực này.30  Chỉ cần nêu bật sự kiện rằng những trở ngại khác nhau có bản chất lập pháp, tôn giáo và kinh tế đã được nêu lên đối với hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên ở Nhật Bản, và đỉnh điểm là sự trục xuất các nhà truyền giáo vào năm 1614, (do Tokugawa Ieyasu tuyên bố), và sự tuyệt dạng sau đó của phái bộ, rõ ràng đã có, ít nhất, một số tác động đến mậu dịch hàng hải trong đó các tu sĩ Dòng Tên, người Bồ Đào Nha, thành viên của cộng đồng đã cải đạo và các thương gia Nhật Bản không theo đạo Thiên chúa  tham gia, bất kể sự kiện là nghị định từ 1587 có một điều khoản đảm bảo rằng các thương gia Bồ Đào Nha được phép tiếp tục hoạt động mậu dịch của họ 31 và do đó đảm bảo sự duy trì các mạng lưới thương mại đã liên kết những nhóm này.32

 

Khá rõ ràng là tất cả đều là nạn nhân của các yếu tố kinh tế và chính trị; 33 chúng tôi sẽ chỉ nhấn mạnh đến các cuộc tấn công chống lại các tàu Bồ Đào Nha do người Hà Lan hoặc sự cạnh tranh mạnh mẽ của Công Ty VOC tự thân xây dựng được ở trạm mậu dịch tại Hirado năm 1609,34  Để đối phó với tình trạng này, vào năm 1618, người Bồ Đào Nha thay thế Kurofune (tàu sơn màu đen) bằng các thuyền buồm lớn (galeotas), 35 cũng được gọi bằng tiếng Trung Hoa là   wugongchuan (Navios-centopeia) [蜈 蚣 船): ngô công thuyền, chú của người dịch]. Nhưng sự liên tục của mậu dịch tự do giữa Macao và Nagasaki được đảm bảo 36 ít nhất là cho đến khi có sự thực thi chính sách sakoku-seisaku [bế quan tỏa cảng, chính sách tự cô lập, ND] và sự hoàn thành tiến trình trục xuất trong năm 1639. Mậu dịch chỉ bị dừng lại tạm thời trong năm 1622, không có tàu nào của Bồ Đào Nha có thể đến Macao, bởi một lượng viễn chinh lớn của Hà Lan tấn công hòn đảo.37

 

Trên thực tế, nếu chúng ta cứu xét rằng trong giai đoạn trước từ năm 1604 đến năm 1617 khi mậu dịch có tính chất lẻ tẻ hơn, 38 khối lượng giao dịch gia tăng một cách thường xuyên sau năm 1618; giữa các năm 1600 và 1615, các tàu Kurofune đã mang ra từ Nhật Bản xấp xỉ 15 tấn bạc.  Sau năm 1618, giá trị đó tăng gấp đôi và đạt 37,5 tấn trong năm đầu tiên của thập kỷ 1630, đạt 88 tấn vào năm 1636,39  Theo một số tài liệu, vào năm 1637 các thương gia ở Macao đã có năm làm ăn thịnh đạt nhất của họ.40

 

Nhưng có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất của sức sống của hoạt động thương mại đó là bất chấp sự phong tỏa eo biển Malacca bởi người Hà Lan vào năm 1630 (ngăn chặn người Bồ Đào Nha từ Macao khỏi việc mua bạc từ Ấn Độ), người Bồ Đào Nha bắt đầu nhận các khoản vay ở Nhật Bản để thanh toán tiền mua lụa Trung Hoa. Hệ thống responseência: đáp ứng (có một số điểm chung với nagegane [một loại bảo hiểm hàng hải, trong đó dùng tàu làm thế chấp cho một khoản vay, ND]) 41 đã nảy nở và mang lại các kết quả, ngay dù các thương gia Macan trở nên mắc nợ nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản. 42   Năm 1626, khi, dưới bầu không khí của sự bi quan của Dòng Tên và sự gia tăng đều đặn các biện pháp để loại bỏ Cơ đốc giáo (mà sự nổi lên của Mạc phủ Iemitsu năm 1623 đã góp sức vào đó), 43 bûgyo [viên chức thẩm quyền về hành chính lẫn tư pháp của Nhật Bản, ND] của Nagasaki, Mizuno Moribonu, buộc các nhà đầu tư Nhật Bản phải cung cấp thông tin chi tiết về sự tham gia của họ với mạng lưới thương mại của Bồ Đào Nha: tổng số đã lên tới 26.000 cruzados. Mặc dù các ngân quỹ của tín đồ  Cơ đốc Nhật Bản bị tịch thu, chúng có thể được hoàn trả nếu họ chấm dứt sự trung thành của họ với Cơ đốc giáo.44   Trong bất kỳ trường hợp, điều quan trọng cần lưu ý là sự mở rộng nhanh chóng khối lượng nhập khẩu của Bồ Đào Nha sau năm 1635 có lẽ được tài trợ một phần bởi các khoản vay từ các thương gia có giấy phép hoạt động mậu dịch hàng hải chính thức đóng dấu ấn bằng son đỏ:(shuin-sen) Nhật Bản trước đây.45

 

Sự liện tục giao thương giữa Bồ Đào Nha và Nhật Bản còn đáng chú ý hơn vì người Bồ Đào Nha còn lâu mới là các đối tác duy nhất của thương mại Nhật Bản. Ví dụ, có nạn buôn lậu và nạn hải tặc Wokou / Wakô: oa khấu ở Trung Quốc như một phản ứng trước sự ngăn cấm mậu dịch tư nhân theo lệnh của nhà Minh và sự chấm dứt của các phái bộ cống nạp của Nhật Bản trong nửa đầu của thế kỷ thứ 16.46  Quân cướp biển này cạnh tranh với người Bồ Đào Nha cho đến năm 1567; tuy nhiên từ đó trở đi họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mới của tất cả những thuyền buồm được cấp phép Wen-Yin [Văn Doãn?, ND]. Mặt khác, ngoài nạn cướp biển Nhật Bản (mà Hideyoshi đã cố gắng loại trừ ở một số khu vực ven biển vào khoảng năm 1586), một số tàu Nhật Bản thường xuyên buôn bán với Manila, Luzon, và Mindoro.47 Để điều hòa hoạt động thương mại này, Hideyoshi đã thực hiện vào năm 1592 một chính sách dần dần gia tăng mậu dịch hàng hải, thông qua đặc nhượng các giấy phép mà chúng ta đã sẵn đề cập đến là shuin-jô, 48 hoàn tất bằng sự đặc nhượng của hôsho [loại giấy dầy, tốt được dùng bởi các Tướng Quân Nhật Bản, ND], từ năm 1631 trở đi, cho một số gia đình thương gia nhất định (chẳng hạn như Suminokura / Giàc Tang) .49 Những gia đình thương nhân đầu tiên được phép buôn bán với Siam, Quam-Nam [Quảng Nam?, ND] (ở miền Trung Việt Nam), Đàng Ngoài, Ligor, Patani, Căm Bốt, Đài Loan, Luzon và Macao. Ước muốn giao dịch với người Trung Hoa và sự chào đón của các vương quốc Đông Nam Á đối với các thương gia Nhật Bản, giải thích cho sự tăng trưởng mậu dịch trong thời gian ngắn này. Sự hiện hữu của cộng đồng người Nhật ở nước ngoài (ở Manila hoặc Luzon chẳng hạn) 50 cũng là một kích thích cho loại hình mậu dịch này: và giống như tất cả các sự xuất cảnh, sự hiện hữu của các thuộc địa cũng đóng vai trò như một sự hỗ trợ cho các làn sóng di cư mới, bao gồm cả người Nhật theo Công giáo.51  Trường hợp người Trung Hoa xuất cảnh đến Manila, được nghiên cứu của Juan Gil, minh họa loại tiến trình này.52

 

Tuy nhiên, bất kể các nỗ lực bởi chính quyền kêu gọi người nhập cư quay trở lại Nhật Bản, toàn thể cộng đồng ở Manila đã có thể tăng trưởng từ 20 người năm 1570 đến 3,130 năm 1632,52   Do đó, giữa 1604 và 1635, thời kỳ khi thương mại shuin-sen giữa Nhật Bản và Đông Nam Á đã kết thúc, (mặc dù nạn buôn lậu hàng hải tiếp tục) tổng cộng 356 tàu giương buồm với 'con dấu đỏ' tới Đông Nam Á, số lượng thuyền lớn nhất đến miền Trung Việt Nam [khi đó là Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, ND] (87) và Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài, ND](37) .54

 

Nếu chúng ta xem xét rằng trong thời Tokugawa, một số trong số mười sáu con tàu shuin-sen được phái bởi Suminokura đến Đông Nam Á đã đi đến lãnh địa của Nhà Trịnh ở miền Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài khi đó, ND] (Tonkin: Đông Kinh), và rằng cùng các tàu đó của Suminokura phục vụ như là các nhân viên ngoại giao của Ieyasu cho mối tiếp xúc với Nhà Trịnh, chúng ta có thể đánh giá tốt hơn một chút sức mạnh và sự nhất quán của các kết nối ngoại giao / thương mại với miền Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài khi đó].55

 

Trên thực tế, và đây là một điểm then chốt, một số thương nhân với sự ‘kết nối Việt Nam’ đã tham gia vào việc xuất cảnh lậu (có thể từ những năm 1624-1626 khi Bakufu [chính quyền của giới quân sự, danh nghĩa khác để chỉ Chế Độ Tướng Quân của Nhật Bản, ND] ban hành các biện pháp cưỡng chế nhằm loại bỏ sự hành đạo của Công giáo, được củng cố bằng các chỉ dụ chống Cơ đốc giáo của 1633-1635, và trong bất kỳ sự kiện nào trước khi có cuộc nổi dậy của Shimabara 1637-1638) với mục tiêu hỗ trợ các nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Và kết quả là có dính líu đến các tu sĩ Dòng Tên, một số thành viên của cộng đồng di cư Nhật Bản được nhận thấy trong tình huống hỗ trợ thành lập một phái bộ truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam it năm sau đó

 

Thư tín từ Cha Gaspar do Amaral năm 1634 chiếu rọi những kết nối này trong một bối cảnh rộng hơn.56   Nói cách khác, vị giáo sĩ Dòng Tên được đề cập đến (1594-1646), một thành viên 'bị lãng quên' của Tu Hội Dòng Tên (mặc dù ông là một trong những người sáng lập phái bộ Đàng Ngoài năm 1629, Phó Hiệu trưởng kiêm Hiệu trưởng tại Colégio de Macau (Đại Học Macao) lần lượt vào các năm 1630 và 1640, Giáo Tỉnh và Khâm Sứ Tòa Thánh của giáo tỉnh Nhật Bản cũng như là Phó Tỉnh của Trung Quốc vào năm 1644), 57 có thể đánh giá đúng hơn vai trò của cộng đồng di dân Nhật Bản ở Đông Nam Á tại khu định cư, sự kiên trì và thậm chí một số sự phát triển các hoạt động của Dòng Tên ở Đàng Ngoài.58

 

Tuy nhiên, trước khi chúng ta tập trung vào tài liệu của Do Amaral, một vài nhận xét khác về những mạng lưới Nhật Bản này trong khía cạnh các móc nối đa tầng và phạm vi của chúng sẽ hữu ích. Vì mục đích này, chúng ta sẽ phân biệt trong một cách tương đối giả tạo (nhưng theo phương pháp luận): miền Bắc, nơi Đàng Ngoài (Tonkin) (lãnh thổ của chúa Trịnh) tọa lạc, và miền Nam, Đàng Trong (Cochinchina) (vương quốc của  chúa Nguyễn) .59 Chúng tôi sẽ tập trung vào lãnh địa của chúa Trịnh, được thèm muốn bởi các tu sĩ Dòng Tên (vùng đã được với tới lần đầu tiên vào tháng Ba năm 1626 bởi Cha Juliano Baldinotti cùng với sư huynh người Nhật Julio Peani (hoặc Peany), trước khi có phái bộ của Gaspar do Amaral vào năm 1629) .60

 

Chính vì thế, những cộng đồng người Nhật Bản xa xứ này đã không chỉ được hình thành từ các tín đồ Cơ đốc: ví dụ, như chúng ta biết, họ cũng được hưởng lợi từ cuộc di cư của quân đội của rônin [浪人: lãng nhân, chỉ samurai [quân nhân hay hiệp sĩ Nhật Bản không có chủ nhân, ND], sau trận chiến của Sekigahara (1600) và cuộc bao vây Ôsaka (1615). Nhưng mặt khác, những các mạng lưới, như chúng ta đã thấy, cũng được liên kết chặt chẽ với Macao; một trong những hậu quả của các biện pháp của Bakufu chống lại Cơ đốc giáo, cùng với các quy định mới cho mậu dịch đường biển hải ngoại, nghịch lý thay, một cách chính xác, đã làm tăng tầm quan trọng của Macao, nơi trở thành hậu cứ cho sự nhập cư của tín đồ Cơ đốc giáo, bao gồm cả những người vợ và con cái của người Bồ Đào Nha đã bị trục xuất, 61 và của các nhà truyền giáo Dòng Tên, nhiều người trong số họ có gốc Nhật Bản.62

 

Cộng đồng khá giàu có và vững mạnh này là cơ sở của việc thành lập chủng viện Dòng Tên Santo Inácio de Macau, được tài trợ thông qua khoản quyên góp 12.000 lượng (taels) bởi một người Nhật (Cha Paulo dos Santos) và có lẽ cũng bởi các thành viên khác của cộng đồng, vốn cũng hỗ trợ cho Đại Học Colégio de S. Paulo.63   Một cách tự nhiên, các thành viên của hạt nhân này đã được thúc đẩy để cũng giúp đỡ về mặt kinh tế, giúp Dòng Tên mở rộng các phái bộ của mình trong Đông Nam Á, rằng Tu Hội của Chúa Giêsu (giống như các thương gia từ Macao) đã bắt đầu phát triển để phản ứng trước các khó khăn ngày càng gia tăng trong mối quan hệ với Nhật Bản, mặc dù họ luôn hy vọng họ sẽ có thể quay trở lại.

 

Nơi đây, ở một mức độ nhất định, có sự giải thích cho sự thành lập phái bộ Đàng Ngoài (từ quan điểm của Tu Hội): Một mặt, nó là hậu cứ cho một cuộc tái chinh phục tinh thần có thể xảy ra trong tương lai vào Nhật Bản; mặt khác, nó đa dạng hóa sự mở rộng của Dòng Tên, 64 cũng cho phép khả năng thu được lợi nhuận từ các mối quan hệ kinh tế đã sẵn được đan kết nhờ vào thương mại hàng hải của shuin-sen, mà không làm mất đi lợi ích của các thương gia ở Macao. Và cuối cùng, một sự hiện diện cần mẫn trong cộng đồng người Nhật ở Đàng Ngoài, nơi các thương gia Cơ đốc đã đóng một vai trò quan trọng, cho phép họ duy trì quan hệ gián tiếp với Nhật Bản và thông qua họ với 'tín đồ Cơ đốc bên trong',  những người theo đạo Thiên chúa vẫn còn ở Nhật Bản. Điều này đã giải thích cho ảnh hưởng mạnh mẽ của Nhật Bản trên phái bộ Đàng Ngoài, nơi tiếp nhận những người truyền giáo ban đầu là những người có thể nói tiếng Nhật, chẳng hạn như Pedro Marquez (cùng với Alexandre Rhodes) vào năm 1627,65   Tuy nhiên, ví dụ hiển nhiên nhất chắc chắn là trường hợp của Gaspar do Amaral. Đến Macao trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 năm 1625 (sau khi dừng chân ở Ấn Độ) điểm đến dự kiến ​​của ông là phái bộ tại Nhật Bản. Để chuẩn bị đầy đủ, ông được gửi trước hết đến Đàng Trong để nghiên cứu ngôn ngữ Nhật Bản ở đó bằng cách sống với  một gia đình người Nhật.66    Các thư từ của Cha André Palmeiro, trong khi ông đang đi thăm Trung Quốc và Nhật Bản (gửi tới Tổng Quyền Bề Trên Mutio Vitelleschi (1628) đưa ra nhiều chi tiết khác nhau liên quan đến việc tổ chức phái bộ dự kiến ​​của Gaspar do Amaral ở Nhật Bản, nơi mà ông được giả sử sẽ đi tới cùng với sư huynh người Nhật Paulo Saitô.67 Tuy nhiên, tình hình vòng cung đảo (và cả ở Trung Quốc do có các cuộc tấn công của người Mãn Châu giữa các năm 1626 và 1629) 68  khó khăn đến nỗi chuyến đi đã bị hủy bỏ, với hai nhà truyền giáo bây giờ hướng đến Đàng Ngoài để hỗ trợ Pero Marquez và Alexandre de Rhodes, người đã bị trục xuất bởi Chúa Trịnh Tráng, vì bị nghi ngờ làm gián điệp ủng hộ chúa Nguyễn, và cũng vì khu vực đang trải qua một thời kỳ biến động quân sự nghiêm trọng.69  Mặc dù họ đã được tiếp kiến tại triều đình hoàng gia, Amaral và Saitô, cũng giống như Marquez và Rhodes, bị ép buộc trở lại Macao vào ngày 27 tháng 4 năm 1630,70 ...

 

.... nếu các tu sĩ Dòng Tên đã có thể lợi dụng các cơ hội thương mại, chủ yếu là vì các khả năng của họ như các người trung gian, điều sẵn được thừa nhận bởi các giới chức thẩm quyền Bồ Đào Nha ở Goa, ở Malacca và sau đó ở Macao, cũng như được công nhận bởi các daimyôs (đại danh Nhật Bản) theo Cơ Đốc giáo …

 

 

 

Năm 1631, đến lượt António Francisco Cardim (người cũng nói trôi chảy tiếng Nhật), sẽ được gửi đến Đàng Ngoài cùng với hai sư huynh người Nhật, Miguel Matsuda và Pedro Kasui.71  Lần trở lại này rõ ràng được giải thích bởi sự nhu cầu của Nhà Trịnh muốn duy trì mậu dịch với Macao, bất kể họ đã cố gắng trục xuất các giáo sĩ Dòng Tên, giống như Chúa Nguyễn đã làm năm 1631, bằng việc phá hủy nhà thờ Faifô (Hội An) .72     thế, người truyền giáo thực sự được chọn cho nhiệm vụ này là Gaspar do Amaral, kẻ, vào năm 1630, đã bắt đầu học tiếng An Nam, khi chúng ta có thể xác nhận được thông qua việc kiểm tra các hồ sơ của Alexandre de Rhodes và André Palmeiro.73 Khởi hành bằng tàu vào tháng Hai năm 1631, cùng với các Cha António Cardim và António de Fontes, ông đến Đàng Ngoài vào ngày 15 tháng Ba 1631,74

 

Các bước khởi đầu của phái bộ mà Gaspar do Amaral sắp phát triển cho đến khi ông trở lại Macao năm 1638, và các liên hệ khác nhau với Nhà Trịnh, được mô tả, mặc dù theo phong cách hối tiếc của các giáo sĩ Dòng Tên, bởi Cardim và Fontes. Các nhà truyền giáo bắt đầu bằng việc được cấp nhà ở bởi một người anh rể của Chúa Trịnh.  Một mảnh đất đã được trao cho họ, và họ đã xây dựng một ngôi nhà tre được thiết kế theo phong cách kiến ​​trúc địa phương cũng như một nhà thờ nhỏ. Một ngôi nhà gỗ được cất theo sau, nhưng đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn, và chỉ sau này, sau năm 1636, mới có thể xây một tòa nhà kiên cố hơn ở phố Hàng Bè, nơi một mảnh đất mới được cung cấp để xây dựng một nhà kho giúp cho họ có thể cất trữ hàng hóa đến từ Macao.75

 

Trong khi đó, môi trường xã hội xấu đi và cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 11 năm 1632 chống lại những người theo đạo Cơ đốc, bị cáo buộc là đã gây thiệt hại một ngôi chùa từ một ngôi làng thuộc về người vợ thứ nhì của Chúa Trịnh, 76 cho phép chúng ta biết rằng có một nhà thờ ở Changen [?, ND], cùng với một ngôi nhà và một nhà nguyện dùng để dạy giáo lý, một nhà in nhỏ đã được sử dụng để in các bản văn giáo lý của Matteo Ricci và một bệnh xá, tất cả đều bị phá hủy vào dịp đó.77   Sự ngược đãi các tín đồ Cơ đốc vẫn tiếp tục, và lên tới đỉnh điểm với sự cấm đoán Cơ đốc giáo trong 1635. Bất chấp những khó khăn này, được tăng cường bởi tình trạng chiến tranh tiềm ẩn với Đàng Trong (năm 1633 tỉnh Bô Chín [Bố Chính ?, ND] sẽ bị tấn công bởi quân Nhà Nguyễn và chiến tranh sẽ được tuyên bố vào năm 1634), nhóm nhỏ của các tu sĩ Dòng Tên (Amaral, Cardim và Fontes đã được tham gia bởi Bernardino Régio và Jerónimo Mayorca) được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của ba tu sĩ Phật giáo, đã cải đạo giữa các năm 1627 và 1629 (Francisco Dite, André Tri và Ignacio Bùi), những người đã phục vụ phái bộ theo mô hình của các tu viện chủng sinh sơ tập Nhật Bản, dôjuku) 78 và một mạng lưới nhỏ các giáo lý viên bản xứ (14 người trong năm 1633, 18 năm 1634, 36 năm 1638) 79 những người mà chúng ta hay biết tên họ, nhờ báo cáo bao quát của Gaspar do Amaral đã gửi vào năm 1638 đến Khâm Mạng Tòa Thánh Manuel Dias.80

 

Bối cảnh khó khăn này không ngăn cản phái bộ truyền giáo được coi là yếu kém (so với phái bộ ở Nhật Bản), thông qua các nỗ lực của Gaspar do Amaral, từ việc phát triển một sự trao đổi ngoại giao mạnh mẽ với Chúa Trịnh, 81 cố gắng thiết lập một phái bộ truyền giáo ở Lào, như chúng ta có thể thấy trong tập Carta Annua năm 1634,82 và một lá thư của Khâm Mạng Tòa Thánh Manoel Dias gửi cho Bề Trên Tổng Quyền (Superior General) Mutio Vitelleschi, bao gồm bản dịch thư phúc đáp của 'vua' Lào (Tom Kham hoặc Upanyuvarat II, con trai của ông) cho bức thư từ Gaspar do Amaral (đã gửi vào năm 1634) .83   Những nỗ lực ban sơ này đã bị bóp chết trong thời kỳ cư trú của ông ở Đàng Ngoài, và một phái bộ chỉ được thành lập sau này, thông qua Cha João Maria Leria. 84 Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng dự án truyền giáo này ở Lào có thể trở thành hiện thực mà không có sự hỗ trợ của cộng đồng người Nhật Bản ở Đàng Ngoài ( là những người mà Gaspar do Amaral đã được yêu cầu duy trì liên hệ chặt chẽ) .85 Bên cạnh đó, cộng đồng này đã được củng cố với sự cập bến của những người nhập cư mới vào năm 1633, ở đỉnh điểm trong những đỉnh cao của sự đàn áp chống Cơ đốc giáo ở Nhật Bản, 86 trên hai chiếc thuyền buồm; một số đã đến Macao và những người khác định cư trong tỉnh Thinh-hoa [Thanh Hóa ?, ND} và tại thành phố hoàng gia.87

 

Tình hình kinh tế của phái bộ truyền giáo rất bấp bênh vào năm 1633, và không có sự hỗ trợ từ cộng đồng di cư Nhật Bản, nó có lẽ sẽ không tồn tại. Như chúng ta có thể nói từ bức thư của Khâm Mạng Đại Diện Tòa Thánh André Palmeiro gửi tới Bề Trên Tổng Quyền Mutio Vittelleschi, thương mại của Dòng Tên ở Macao đã cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu cho các phái bộ của Dòng Tên ở Đông Nam Á đang đối mặt với những khó khăn trong năm đó, không chỉ vì những lý do đã được chỉ ra trong bài viết này, nhưng cũng vì sự cạnh tranh thương mại mạnh mẽ ở Macao: theo André Palmeiro, ‘mậu dịch tơ lụa và nhiều loại hàng hóa khác, hàng chất của những con tàu ra khơi từ đây, là điều mà mọi người khác đều làm ở vùng đất này (Macao) ’(o negociar a seda, e qualquer outra veniaga, o embarcar nos navios que daqui fazem viagem, todos nesta terra (Macao) o fazem). 88

 

Về mặt cụ thể, sự hỗ trợ của Nhật Bản cho phái bộ được thực hiện thông qua sự bố thí của Cộng đồng Thiên chúa giáo. Viết từ Kê Chò [Kẻ Chợ, ND] ngày 21 Tháng 4 năm 1634 gửi Khâm Mạng Đại Diện Tòa Thánh, Gaspar do Amaral (trong khi cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến cuộc ngược đãi của năm 1634) chỉ ra rằng ‘năm ngoái người Nhật theo đạo Thiên chúa bố thí nhiều, đã đạt đến số tiền năm mươi nghìn caixas [hụi hay quỹ tiết kiệm và cho vay, ND] dành cho người nghèo, và vì điều này không cần thiết phải bố thí từ quỹ dự trữ ' (o anno passado me deram os Japoens cristãos muitas esmolas, chegarião a sincoenta mil caixas pera repartir aos pobres e por esta cauza não foi necessário dar esmolas da ordinaria). 89

 

Là một nhà quản lý thương mại giỏi, Do Amaral dự định không tháo khoán ngay các caixas (mà ông đã góp thêm một chút bạc đã được trao tặng bởi các thuyền trưởng của các tàu buôn bán với Macao), nhưng dùng các caixas để đầu cơ, hầu có được các ngân khoản lớn hơn giúp có thể mua lụa mà ông hy vọng sẽ có thể bán cho người Nhật sau đó.90   "Kho báu chiến tranh" này được giả định sẽ để sang một bên hầu có thể được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như các sự gián đoạn mậu dịch hàng hải hoặc hỏa hoạn trong các tòa nhà của phái bộ truyền giáo:  năm 1633, như chúng ta đã thấy, là năm chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (do sự chiếm đóng  Bố Chính của họ Nguyễn) và các sự ngược đãi chống Thiên Chúa giáo (được xác nhận bởi sự giam cầm của Cha Mayorca tại tỉnh Nghệ An). Nhưng những ngân quỹ Nhật Bản này cũng có thể đã được phân bổ để tạo lập một phái bộ truyền giáo mới (một phái bộ ở Lào?). Có thể như thế, tuy nhiên các của bố thí của người Nhật cho phái bộ, thậm chí vài năm sau đó còn được giữ bí mật: ‘(ông ấy) giữ số của bố thí mà ông thu nhận được: ví dụ: những của bố thí được gửi hoặc trao tặng bởi người Bồ Đào Nha và bởi người Nhật; bởi vì những bất tiện đã đề cập, chúng đã không được thừa nhận bởi các giáo lý viên, cũng không bởi các tín đồ Cơ đốc, dự phòng trường hợp quỹ dự trữ của họ bị cạn kiệt ... ’(guarda as esmollas de parte que le ve a mão: como são as que lhe mandão ou dão os Portuguezes e Japões, das quaes pollos mesmos incomuenientes não sabem nem os catequistas, nem os xpãos, pera que em cazo que o depozito delles se acabe ...) 91

 

Không thể cung cấp ở đây sự mô tả nhiều chi tiết hơn về cộng đồng người Nhật này ở Đàng Ngoài, chúng tôi sẽ kết thúc bài khảo luận ngắn gọn này bằng cách xem xét một trong những thành viên, một kẻ đặc trưng một cách hoàn hảo cho nhóm này: một người tên là Paulo Rodrigues, một người Nhật Bản khá giàu có (Japão muito rico), người vào năm 1646 là giám sát của trạm mậu dịch Hà Lan. Mặc dù ông có được giấy phép chính thức của Nhật Bản để tiến hành việc mậu dịch, (shuinjô), ông ấy đã bị ngăn cấm vĩnh viễn không được trở lại Nhật Bản do bị buộc tội đã vận chuyển những người truyền giáo như những kẻ đi chui theo tàu. Chính vì thế, ông quyết định định cư ở Đàng Ngoài, nơi ông ấy đã cải đạo sang Cơ đốc giáo thông qua ảnh hưởng của một nhà truyền giáo Dòng Tên gốc Nhật Bản. Mặc dù ông đã làm việc cho Hà Lan, ông cũng đã tự mình kinh doanh, có một con tàu mà ông thường xuyên gửi đến Nhật Bản, dưới sự chỉ huy của một thuyền trưởng người Trung Hoa. Người thuyền trưởng này đã mang lại cho ông tin tức từ những người theo đạo Thiên chúa ở Nhật Bản hàng năm. Trong sự tiếp xúc với cha António Francisco Cardim trong các năm 1646-1647, ông đã chuyển tin tức rằng năm giáo sĩ Dòng Tên đã bị hành quyết sau khi xâm nhập vào Nhật Bản trong năm 1643 qua ngả Philippines (Pero Marcos, Afonso Arroyo, Francisco Cascola, José Claro và sư huynh người Nhật tên André Vieira) và tin tức là vẫn được chuyển tiếp vào năm 1653 92 liên quan đến sự hành quyết  hai phụ nữ ở Nagasaki./-

 

 

 

Comments

Popular posts from this blog

trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa" họa sĩ Hà Cẩm Tâm (1933-2016)

Lê Thị Huệ: Vũ Khắc Khoan Sáng Tạo Trên Bục Gỗ

ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG BỒ ĐÀO NHA ĐỐI VỚI CHÍNH TẢ VIỆT NAM